"Hồi đó, chị yêu anh bởi điều gì?" - tôi hỏi.
"Chị từng trải qua một lần đổ vỡ hôn nhân nên chưa bao giờ có ý định bước tiếp. Thấy anh ấy chân thành, thật thà và thương mình nên mình cảm động. Dù chị vừa tật nguyền, vừa lớn tuổi, lại đã có con riêng nhưng Nguyên không bận tâm…" - chị Đông bẽn lẽn trả lời.
"Vậy còn anh, đã bao giờ anh ngại đối diện trước vấn đề đó của chị?"
"Thú thực, chưa bao giờ! Đã yêu thì cứ yêu thôi!" - anh Nguyên cười.
Cứ thế, trong căn phòng trọ rộng chừng 10m2 ở xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TP.HCM), tiếng cười đùa vang lên suốt mâm cơm trưa. Thấy vợ không nhấc nổi nồi canh vì chiếc bếp gas cao quá đầu, anh Nguyên lại lặng lẽ bắc ghế, giúp đỡ chị. Tình yêu gần 10 năm của họ vẫn vẹn tròn như thuở ban đầu.
"Kệ! Mình lùn nhưng mình là người tốt cho xã hội!"
Anh Trần Văn Nguyên (31 tuổi) sinh ra ở một làng quê nghèo tỉnh Bình Định. Ngày lọt lòng, anh vẫn bụ bẫm như bao đứa trẻ bình thường. Nhà nghèo, bố mẹ lại ít học nên cả gia đình cũng chẳng ai để ý chuyện anh mắc dị tật bẩm sinh khiến chân tay sẽ không thể phát triển thêm.
Đến lớp 2, chiều cao của anh Nguyên vẫn như một đứa trẻ, không chịu lớn. Mỗi khi ra đường, anh lại chịu bao nhiêu lời kì thị, dè bỉu từ mọi người xung quanh.
Ngày ấy, không thể phản kháng nên anh chỉ có thể chạy về nhà, vùi đầu vào lòng mẹ. Người mẹ nghèo đành ôm con, an ủi: "Kệ! Mình lùn nhưng mình là người tốt cho xã hội".
"Biết sự hạn chế ấy sẽ khiến bản thân khó phát triển trong tương lai nên anh càng nỗ lực hơn. Hết năm cấp ba, anh tiếp tục học cao đẳng ngành điện rồi làm cho một công ty tại TP.HCM" - anh Nguyên nhớ lại.
Tình cờ trong một lần nhận thấy tiềm năng trong cơ thể chàng trai chỉ cao hơn 1m, người bạn chung công ty mới đăng ký cho Nguyên vào đội tuyển thể thao khuyết tật của TP.HCM.
Ngày đầu tiên luyện tập, anh đã phải trải qua các bài kiểm tra thể lực. Lúc thi ném lao, ngay lần đầu, anh đã phóng xa hơn 27m trong sự ngỡ ngàng của thầy cô. "Lúc đó, tất cả biết mình có tiềm năng nên nhanh chóng đo chiều cao rồi nhận vào liền. Mình thì chỉ nghĩ thi đấu vì tiền bạc nên chăm chỉ luyện tập. Ấy vậy, cuối cùng lại yêu bộ môn phóng lao, ném đĩa này từ bao giờ!" - anh Nguyên kể.
Thời gian đầu, để đảm bảo kinh tế sinh hoạt tại thành phố, ban ngày anh Nguyên làm công nhân, kết thúc ca, anh tức tốc chạy xe 3 bánh từ Củ Chi lên Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) luyện tập một mình.
Suốt thời gian dài gặp vô vàn khó khăn vì không nắm rõ kiến thức, thế nhưng anh Nguyên chưa bao giờ nản lòng. Mãi đến khi sức khỏe lao dốc, anh quyết định nghỉ việc để tập trung tất cả cho đam mê.
Ấy vậy, năm 2017, ngay tại giải thi đấu cấp quốc gia đầu tiên, anh Nguyên đã giành được 2 huy chương vàng ở hạng mục điền kinh cho vận động viên khuyết tật. Cánh cửa hy vọng lần nữa mở ra giúp anh được nhận vào đội tuyển quốc gia, tham dự các giải đấu trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.
"Tại Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á năm 2017 (ASEAN Para Games 9), anh được 2 HCV ở nội dung ném lao, đẩy tạ. Sang 2018, tại Đại hội châu Á 2018 thì có 2 huy chương đồng. Đến nay, mỗi năm anh đều đạt 3 HCV giải toàn quốc. Riêng năm 2022 vừa rồi thì 2 vàng, 1 bạc tại khu vực châu Á, mang vinh quang về cho nước nhà" - anh Nguyên nhớ lại.
Tình yêu diệu kỳ cùng người đàn bà "lỡ đò"
Trong suốt hành trình theo đuổi đam mê ấy, anh Nguyên khẳng định nếu không có hậu phương vững chắc, người phụ nữ mỗi lần thất bại luôn đứng sau vỗ vai anh, động viên, chắc chắn anh không bao giờ có thể đi chặng đường xa đến thế.
Người mà anh Nguyên nhắc khéo đến đó là chị Hoàng Thị Đông (36 tuổi). Đông sinh ra trong một gia đình có 8/9 chị em đều mang hình hài khuyết tật, trí tuệ kém phát triển.
Ngày trẻ, những tưởng hạnh phúc đã đơm bông khi chị kết hôn cùng người đàn ông bại liệt và có cô con gái hoàn toàn khỏe mạnh. Ấy vậy, chẳng bao lâu cuộc hôn nhân ấy đã đổ vỡ, chị Đông đưa con gái lên TP.HCM tiếp tục sinh sống.
"Lúc đó, chị đã nuôi ý định ở thế để nuôi con. Ấy vậy, thời điểm làm chung công ty, Nguyên rất chân chất, thật thà, quan tâm chăm sóc mình từng li từng tí. Điều đó khiến chị vô cùng xúc động…" - chị Đông nhớ.
Trải qua quãng thời gian dài bên cạnh nhau, ngày anh Nguyên gợi ý mong muốn cưới Đông làm vợ thì gia đình đều ra sức ngăn cấm. Hơn cả sự giận dữ, người bố lo lắng con trai không thể săn sóc tốt cho một gia đình khuyết tật và càng không thể chấp nhận sự thật nếu cháu sinh ra lại mang dị tật bẩm sinh.
Thấy vậy, mẹ anh Nguyên đã giấu gia đình, mang giấy tờ vào TP.HCM để đôi trẻ đăng ký kết hôn. Năm 2019, ở tháng thai kỳ thứ 4, bác sĩ khẳng định đứa trẻ sẽ lùn khiến tâm trạng vợ chồng chùng xuống.
"Có buồn chứ! Nhưng anh nghĩ đã là con thì như thế nào vẫn sẽ mãi mãi là con mình", nhà vô địch ném lao thế giới chia sẻ.
Năm đó, anh Nguyên lên đường sang Trung Quốc thi đấu. Buổi sáng anh vừa ra trận thì chị Đông đột ngột trở dạ. May mắn năm đó anh xuất sắc giành huy chương vàng ở nước bạn. Tại quê nhà, chị Đông cũng hạ sinh thành công con trai.
"Để ghi nhớ thời khắc ấy, anh quyết định đặt tên con trai là Gold, ý tượng trưng cho chiếc huy chương cao quý. Đầy tháng con, anh gọi điện nhờ cha vào TP.HCM. Thấy cháu bụ bẫm, ông vừa mừng vừa tủi. Giờ thì yêu thương nó nhiều lắm!" - anh Nguyên cười.
Món quà may mắn thứ ba
Hiện anh Nguyên là vận động viên trực thuộc đội tuyển thể thao quốc gia. Mỗi tuần anh đều phải ở lại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia TP.HCM (TP.Thủ Đức) để luyện tập. Cuối tuần, anh mới tranh thủ về nhà thăm vợ con.
Dù thi đấu nhiều khiến anh gặp không ít chấn thương, thế nhưng anh Nguyên luôn cố gắng lo lắng đầy đủ cho mái ấm nhỏ của mình.
Mỗi lần về nhà, anh đều đưa vợ con đi chơi đây đó. Có lần ra đường, người ta dè bỉu, gọi gia đình là "nhà lùn", nhưng vợ chồng anh đã cảm thấy bình thường, thậm chí còn tự hào vì bản thân sinh ra khuyết tật nhưng đã làm được vô vàn việc cho đời.
"Nhiều bạn bè ngoài quê biết anh đã đi khắp nơi trên thế giới, mang huy chương về cho Việt Nam, họ càng khâm phục hơn. Giờ đây đã mấy chục năm nên với anh, ánh nhìn của người đời chẳng còn quan trọng, chủ yếu là mình sống tốt như thế nào…" - anh Nguyên nói.
Tháng 12/2022, vợ chồng anh Nguyên tiếp tục đón thêm thiên thần thứ ba. Qua thăm khám, bác sĩ khẳng định đứa trẻ hoàn toàn bình thường, không mang bất kỳ dị tật nào.
"Tụi anh đã nói rằng con chung hay riêng, có dị tật hay không thì vẫn là con của mình. Nhưng ông trời đã cho thế này thì còn gì bằng. Giờ cả hai chỉ ráng làm lụng, mong mua được mảnh đất, xây cái quán nhỏ để vợ buôn bán nuôi con. Chỉ bấy nhiêu thôi là ước muốn cả đời…" - anh Nguyên mỉm cười.
8/3/2023
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/chuyen-tinh-co-tich-cua-vo-chong-cao-hon-1m-chap-nhan-tat-ca-vi-yeu-a93147.html