MC Cát Tường được biết đến với vai trò là MC, diễn viên và mệnh danh là “bà mối quốc dân” với đông đảo lượng fan hâm mộ. Tận dụng lợi thế này, nhiều tổ chức kinh doanh đã “mượn danh” Cát Tường để quảng cáo cho sản phẩm mà nhãn hàng đang kinh doanh, còn thực tế chất lượng có tốt hay không thì chỉ “giời mới biết”.
Thời gian qua, Tòa soạn Chất lượng Việt Nam liên tục nhận được phản ánh của độc giả về việc MC Cát Tường quảng cáo sai công dụng sản phẩm sữa Grandsure Gold do Chi nhánh Hòa Bình- Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế Việt Nam Anh Quốc Trường Đại Hưng (Tiểu khu Liên Sơn, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) sản xuất.
Cụ thể, trên trang http://trangchu.suaxuongkhopchinhhang.site/ và nhiều Fanpage đăng tải video Cát Tường quảng cáo sữa Grandsure Gold với nội dung những ai đang gặp các vấn đề xương khớp, thoái hóa khớp, loãng xương mà dùng nhiều loại thuốc không khỏi thì vào xem video. Trong video “bà mối quốc dân” chia sẻ từng bị thoái hóa đốt sống cổ, lưng khiến tình trạng trở nên đau nhức, đi lại khó khăn và ảnh hưởng tới công việc. Mặc dù đã sử dụng thuốc tây bác sỹ kê nhưng tình trạng bệnh không khỏi: “Thuốc tây hay tiêm chỉ đỡ nhưng khi không dùng lại đau trở lại, thậm chí còn đau dạ dày và nóng trong người khiến Tường không dám sử dụng thường xuyên...”, video cho hay.
Cũng theo lời Cát Tường, trong lần đang quay chương trình, bệnh xương khớp tái phát khiến Tường đau nhức mồi hôi nhễ nhại như vừa đi xông hơi. Thế nhưng sau khi “hóng hớt” và biết đến sữa Grandsure Gold, Cát Tường đã mua 4 hộp về sử dụng, dùng chưa hết 1 hộp đã thấy xương khớp cải thiện rõ rệt, đầu gối, chân tay, lưng không còn đau nhức, không sưng, đi lại dễ dàng, thậm chí còn chạy nhảy và leo chèo được...
Trong đoạn video đăng tải, Cát Tường khẳng định Grandsure Gold là sản phẩm hỗ trợ điều trị xương khớp đang “làm mưa làm gió” trên thị trường, bệnh nhẹ thì 1 tuần, nặng thì 2 tuần sử dụng sẽ cải thiện.
“Để nói về sữa Grandsure Gold thì dùng từ tuyệt vời cũng không thể lột tả hết, bởi sữa nhập khẩu nguyên liệu 100% từ Mỹ, được các chuyên gia dinh dưỡng đánh gia cao và mang lại hiệu quả hơn những gì Tường mong muốn, từ lúc dùng sữa Tường hết bệnh hẳn rồi...”, MC Cát Tường “nổ”.
Thậm chí, để nói “vống” công dụng của Grandsure Gold, thoáng chốc trong video Cát Tường lại đọc phản hồi “ảo” như: “Anh uống nhiều loại không đỡ nhưng mới uống 3 hộp sữa đã khỏi đến 80%; Em mua cho mẹ chồng uống mà khỏi bệnh rồi, cảm ơn chị Tường...”, cùng với đó là “tâng bốc” số lượng người đặt hàng...
Với những lời quảng cáo như “rót mật ngọt vào tai” người nghe, không ít khách hàng đặt niềm tin và mua sữa Grandsure Gold sử dụng. Nhưng thực tế, chất lượng, công dụng của sản phẩm này không giống như quảng cáo.
Trao đổi với báo chí, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc người nổi tiếng quảng cáo các sản phẩm sai phạm là hành vi lừa dối khán giả.
Luật sư Cường phân tích, người nổi tiếng thường có lượng khán giả quan tâm, yêu quý rất đông đảo và hùng hậu. Sự quý mến, ái mộ với thần tượng sẽ khiến khán giả nảy sinh tâm lý tin tưởng mọi hành động, việc làm của họ là đúng đắn, muốn học theo, làm theo, sử dụng những sản phẩm dịch vụ người nổi tiếng, nghệ sĩ đang sử dụng. Từ đây các nhãn hàng tận dụng tối đa uy tín của giới nghệ sĩ để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ.
Các nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng sẵn sàng hợp tác thực hiện quảng cáo để gia tăng thu nhập. Việc nghệ sĩ ký các hợp đồng quảng cáo với nhãn hàng, doanh nghiệp để quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp là chuyện hết sức bình thường. Đó là nguồn thu nhập hợp pháp và chính đáng của các nghệ sĩ ngoài tiền thù lao biểu diễn và các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác.
Tuy nhiên, tham gia vào thị trường quảng cáo, tìm kiếm thu nhập từ hoạt động quảng cáo nghệ sĩ cần tìm hiểu các quy định pháp luật để thực hiện việc quảng cáo đúng luật, mang lại những hiệu ứng tích cực với người hâm mộ, giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra đối với bản thân và cộng đồng xã hội, đặc biệt là đối với người hâm mộ mình. Nghệ sĩ là người của công chúng, mức độ nổi tiếng phụ thuộc vào sự tin yêu của công chúng đối với nghệ sĩ. Để trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều người mến mộ thì phải mất rất nhiều năm nhưng nếu không cẩn thận, phát ngôn thiếu chuẩn mực hoặc quảng cáo sai sự thật sẽ rơi vào tình trạng "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng".
Theo LS Cường, trường hợp nghệ sĩ vô ý hoặc cố ý vi phạm quy định của Luật Quảng cáo, quảng cáo các sản phẩm hàng hóa dịch vụ bị cấm hoặc thực hiện hành vi cấm trong quảng cáo, quảng cáo khi chưa biết rõ về công dụng, giá trị của sản phẩm, quảng cáo sai sự thật hoặc có gian dối trong việc quảng cáo sẽ gây hệ lụy rất xấu cho xã hội và có thể bị mất danh tiếng, thậm chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Để “dẹp loạn” vấn nạn nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đề nghị xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân các nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, các thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.
Theo Cục ATTP, thời gian qua, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc điều trị các bệnh mạn tính trên mạng xã hội. Đáng nói, nhiều sản phẩm chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam.
Thậm chí, một số công ty thuê địa điểm, tổ chức đào tạo nhân viên gọi điện thoại, tư vấn, giả danh bác sĩ, dược sĩ tư vấn bệnh, dọa dẫm khách hàng để tư vấn liệu trình điều trị bệnh, thực tế là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan y tế, có biện pháp mạnh với Facebook, Google, YouTube, yêu cầu họ thực hiện nghiêm túc pháp luật Việt Nam về quảng cáo.
Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định pháp luật về quảng cáo. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.
Bộ Công Thương cũng được đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, công ty bán hàng đa cấp kinh doanh sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Có biện pháp giám sát hoạt động đa cấp, đặc biệt là buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Theo điều 8, Luật Quảng cáo 2012, được sửa đổi năm 2018, hành vi quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 70 triệu đồng (Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP). Ngoài việc bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định rõ: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…
NPV
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/mc-cat-tuong-quang-cao-sai-cong-dung-chat-luong-sua-grandsure-gold-a94279.html