Cuộc hôn nhân của tôi đã được 11 năm, yên ổn và hạnh phúc. Bao năm nay, tôi không quan tâm đến chuyện đất đai thừa kế, mà chỉ tận tâm làm tròn bổn phận dâu con. Nhưng đến khi nhìn thấy cuốn sổ đỏ không có tên mình, tôi suy nghĩ rất nhiều.
Vợ chồng tôi kết hôn gần 11 năm và có hai con trai sinh đôi 9 tuổi. Nhà chồng tôi có 6 anh chị em, 4 nam, 2 nữ. Chị cả lập nghiệp ở xa, bốn anh em trai cũng đều có gia đình riêng, còn cô em út bị bệnh nên ở với ba mẹ. Chồng tôi là con trai trưởng nên chúng tôi sống chung cùng ba mẹ chồng và em gái.
Cách đây 5 năm, ba chồng tôi qua đời, trước đó, ông đã làm di chúc thừa kế đất đai cho các con trai. Các chú nhận phần đất ở chỗ khác, riêng chúng tôi nhận phần đất có nhà của ba mẹ chồng, nhận trách nhiệm phụng dưỡng mẹ và lo việc thờ tự. Ba chồng có dặn, phần đất này do tổ tiên để lại nên chỉ ở, tuyệt đối không được bán.
Vợ chồng các em trai lần lượt làm quyền sử dụng đất riêng rồi bán đất xây nhà, còn chồng tôi không thấy nhắc gì tới chuyện ấy.
Trong một lần lục tìm giấy khai sinh của con, tôi vô tình thấy cuốn sổ đỏ nhà đất đang ở. Phần đất này bao gồm ngôi nhà cũ của ba mẹ chồng và mảnh vườn rộng bên cạnh. Tôi bất ngờ vì tên người sở hữu là chồng tôi, không hề có tên của tôi.
Đến lúc này, tôi mới biết chồng đã âm thầm làm giấy tờ đứng tên anh mà không hề bàn bạc với tôi.
Khi tôi thắc mắc vì sao đất chung mà tên trên sổ đỏ chỉ mình anh thì chồng tôi giải thích: "Anh làm vậy để thủ tục thừa kế đỡ phức tạp, sau này đổi sổ lại sẽ thêm tên em vào".
Dù chồng nói như thế nhưng tôi thấy băn khoăn, sao anh không đổi luôn mà phải đợi, nếu tôi không biết chắc anh cũng im lặng luôn.
Dốc hết mọi thứ cho hôn nhân
Bao nhiêu năm qua, tôi luôn tận tụy hết lòng hết sức với nhà chồng. Vợ chồng tôi đều làm cơ quan nhà nước, thu nhập chủ yếu từ lương. Hàng tháng chồng đưa tôi 6 triệu đồng để chi tiêu.
Để đủ chi phí sinh hoạt cho cả gia đình 6 người, tôi phải dốc hết toàn bộ lương của mình và làm thêm cật lực. Tôi không dám sắm sửa riêng cho bản thân, mua gì làm gì cũng nghĩ đến mọi người trong nhà.
Mẹ chồng già yếu, không có lương hưu còn em gái út bị thiểu năng, xác định phải phụ thuộc cả đời. Tôi không nề hà bất cứ chuyện gì, chăm sóc mẹ, thuốc thang cho em chồng rồi lo lắng cho con nhỏ.
Tính tôi thoải mái, không so đo nên anh chị em nhà chồng rất quý. Mọi người cứ nghĩ tôi nhận phần nhiều đất thì có trách nhiệm cáng đáng việc nhà chồng. Khi nhắc đến chuyện đó, tôi chỉ im lặng, không than thở gì. Tôi đợi chờ chồng thực hiện lời hứa nhưng chẳng thấy anh không đả động dù đã ba năm trôi qua.
Gần đây, chồng bàn với tôi chuyện xây nhà mới vì nhà của ba mẹ để lại đã xuống cấp. Chồng muốn tôi bán mảnh đất mà ba mẹ ruột tôi cho trước khi cưới để lấy tiền xây nhà vì hiện tại chúng tôi không có khoản dành dụm nào.
Nghi ngờ về cuộc hôn nhân của mình
Hôn nhân của tôi chưa từng có cãi vã, mâu thuẫn gì nhiều. Nhưng đến hôm nay, tôi chượt nghi ngờ tất cả.
Đến lúc này, tôi cũng nói thẳng, nếu anh không đổi sổ đỏ thành tên hai vợ chồng thì anh cắt phần đất vườn bán lấy tiền xây, chứ tôi không thể xây nhà trên mảnh đất không phải của mình. Nhưng chồng vẫn dùng dằng, muốn tôi bán đất xong rồi tính.
Chuyện tôi có mảnh đất riêng, chồng cũng biết từ lâu. Trước kia, tôi cũng dự định bàn với chồng bán mảnh đất này góp vào cùng anh làm nhà.
Nhưng từ khi phát hiện sổ đỏ đất thừa kế không có tên mình, tôi lại nghĩa sâu xa hơn về cuộc hôn nhân của mình. Có thật sự hạnh phúc và đáng tin cậy như tôi nghĩ hay không?
Hiện giờ, tôi chỉ có mảnh đất phòng thân, không có bất cứ khoản tiền riêng nào, nếu ly hôn, tôi hoàn toàn trắng tay.
Tôi cũng nói với chồng, sau khi anh để tên tôi cùng đứng trên sổ đỏ, tôi sẽ viết cam kết để lại cho con. Đối với tôi, việc có tên sở hữu đất thừa kế chỉ có mục đích là đảm bảo quyền lợi của con và có ý nghĩa về mặt pháp lý. Còn về tình cảm, tôi thấy đã vơi rất nhiều khi người đầu gối tay ấp tính toán thiệt hơn.
MAI HOA
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/11-nam-hon-nhan-hanh-phuc-nhin-ten-ghi-tren-so-do-toi-bat-chot-thay-nghi-ngo-tat-ca-a96878.html