California Fitness bị tố làm tổn hại sức khỏe hội viên

Một bạn đọc đã gửi đơn kêu cứu tới báo Tuổi trẻ Thủ đô phản ánh về việc Công ty TNHH Trung tâm Thể dục Thể hình & Yoga California có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc và quy trình cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực thể dục thể thao dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người dùng.

Cho tập quá sức dẫn đến chấn thương nghiêm trọng?

Đơn kêu cứu của bà P.T.N.H (ngụ quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) cho biết, bản thân bà đã bị tổn hại cả về thể chất lẫn tinh thần khi tập luyện tại Trung tâm Thể dục Thể hình California Fitness.

Cụ thể, trong đơn trình bày, từ đầu năm 2008, bà H đã mua nhiều gói dịch vụ bằng các hợp đồng khác nhau tại Công ty TNHH Trung tâm Thể dục Thể hình & Yoga California (gọi tắt là California Fitness). Hình thức dịch vụ bà H sử dụng theo loại hình tập luyện “1 on 1” (tập luyện dưới sự hướng dẫn và giám sát trực tiếp của huấn luyện viên cá nhân - PT).

Theo phản ánh, sự việc xảy ra vào khoảng 11 giờ ngày 29/8/2022, khi bà H thực hiện các bài tập tại Câu lạc bộ California Fitness ở địa chỉ số 466 - 468 Phan Xích Long, Phường 2, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Tại đây, PT đã hướng dẫn bà H thực hiện các bài tập mới là: Đẩy, kéo tạ; Mỗi bài bao gồm 4 lần tập được thực hiện trong khoảng thời gian dài. Bà H cho biết, sau vài động tác đầu tiên khi nhận thấy cơ thể không kịp thích ứng với phương pháp tập nên đã có phản ánh, tuy nhiên PT vẫn cho bà tập bình thường.

Ít phút sau, cơ thể bà H đã có những phản ứng khi phần lưng và vai đau nhức dữ dội, kèm cảm giác nóng, tê cứng. Cảm giác đau tập trung ở phần lưng dưới khi đứng dậy hoặc cúi người về phía trước. Khi đó, chỉ cần cử động nhẹ thì các cơ lưng dường như cũng bị co rút và bà H phải nằm bất động trong một khoảng thời gian.

"Khi nhận thấy mình bị chấn thương do luyện tập, PT chỉ thực hiện một vài động tác xoa bóp, massage cơ bản và cho rằng đó chỉ là phản ứng bình thường của cơ thể", bà H nhấn mạnh.

Bên trong câu lạc bộ nơi bà H luyện tập và xảy ra chấn thương (Ảnh: NVCC)
Bên trong câu lạc bộ nơi bà H luyện tập và xảy ra chấn thương (Ảnh: NVCC)

Bà H cho biết, khoảng 13 giờ cùng ngày, bà buộc phải tự mình di chuyển về nhà dù cơ thể rất đau nhức và không có dấu hiệu thuyên giảm.

Sau khi đi khám tại bệnh viện, bà H được xác định bị chấn thương, được kê đơn thuốc uống và yêu cầu không vận động mạnh. Ngoài ra, về tâm lý, bà H được chẩn đoán bị "Rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu - (sợ tập PT GYM)" (Theo DSM-5). Do đó, bà H được bác sĩ đề nghị phải tiếp tục điều trị tâm lý 1 lần/tuần với chuyên gia tâm lý; Đồng thời ngưng tập PT GYM cho đến khi phục hồi hoàn toàn về thể chất lẫn tâm lý...

Về tâm lý, bà H được chẩn đoán
Về tâm lý, bà H được chẩn đoán "Sợ tập PT GYM"

California Fitness nói gì?

Bà H cho biết, trái ngược với kì vọng được giải quyết thỏa đáng với tư cách là một hội viên lâu năm và mua những gói dịch vụ đắt tiền, phía California Fitness đã không thừa nhận bất cứ trách nhiệm nào trong vụ việc trên.

Cụ thể, tại email phản hồi chính thức của California Fitness, công ty đã từ chối yêu cầu bồi thường thiệt hại từ bà H. California Fitness dẫn chứng tại mục 4, Phần a - Thừa nhận, cam kết và miễn trừ trách nhiệm của các hợp đồng dịch vụ đã ký kết với công ty có quy định như sau: “... Hội viên tự nguyện chấp nhận các rủi ro khi tham gia bất kỳ hoạt động tập luyện nào tại câu lạc bộ và đồng ý rằng công ty sẽ không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ thương tổn thể chất hoặc tinh thần nào, tổn thất lợi nhuận hoặc bất kỳ thiệt hại nào khác...". Trên cơ sở đó, California Fitness kết luận không có bất kỳ trách nhiệm nào đối với những thiệt hại xảy ra.

Đối với yêu cầu hoàn trả giá trị còn lại của hợp đồng, California Fitness dẫn chứng mục 8, Phần B - Điều khoản và điều kiện, có nội dung như sau: “Phí dịch vụ đã thanh toán sẽ không được hoàn trả, không được chuyển nhượng và không được khấu trừ để thanh toán các khoản phí, chi phí khác mà hội viên chưa thanh toán cho công ty vì bất kỳ lý do nào”.

Thay vào đó, California Fitness chỉ hỗ trợ bảo lưu toàn bộ hợp đồng trong vòng 12 tháng và gia hạn miễn phí cho 12 tháng liền kề ngay khi hợp đồng của hội viên hết hạn; Hoặc chuyển nhượng không mất phí cho người thân, bạn bè; Hoặc chuyển đổi sang loại hình dịch vụ khác…

Bà H hoàn toàn không chấp nhận cách giải quyết được cho là thiếu trách nhiệm và “ép” hội viên như California Fitness, do đó đã gửi đơn kêu cứu.

Một hợp đồng mà bà H đã mua gói tập
Một hợp đồng mua gói tập tại California Fitness của bà H

Để làm rõ vụ việc trên, phóng viên đã liên hệ với California Fitness. Bước đầu, đại diện của công ty nêu quan điểm tương tự như trong email đã phản hồi cho bà H. Đồng thời, California Fitness cho biết “sẵn sàng” làm việc với Tòa án nếu có đơn khởi kiện từ phía bà H.

Trung tâm Thể dục Thể hình California Fitness bị tố làm tổn hại sức khỏe hội viên
Câu lạc bộ California Fitness & Yoga (466 - 468 Phan Xích Long, Phường 2, quận Phú Nhuận) - nơi xảy ra vụ việc của bà H

California Fitness có đang vi phạm?

Nêu quan điểm về vụ việc trên, Thạc sĩ - Luật sư Phan Mạnh Thăng, Luật sư điều hành Công ty Luật Long Phan PMT (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, bà H hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và yêu cầu hoàn trả phần phí dịch vụ chưa sử dụng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại: Tại mục 4, Phần A - Thừa nhận, cam kết và miễn trừ trách nhiệm của các hợp đồng dịch vụ mà bà H ký kết với California Fitness về điều khoản miễn trừ trách nhiệm bồi thường của công ty đối với hội viên (bà H) là điều khoản không có hiệu lực theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.

Theo nội dung bà H phản ánh thì huấn luyện viên (PT) của California Fitness đã đưa ra các bài tập không phù hợp với tình trạng thể lực và sức khỏe của hội viên. Điều đó dẫn đến những chấn thương gây thiệt hại về sức khỏe của bà H là đã vi phạm thỏa thuận tại mục 3, Phần A - Thừa nhận, cam kết và miễn trừ trách nhiệm của các hợp đồng dịch vụ.

Đây là hành vi vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Khoản 1 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015. Cho nên, căn cứ theo quy định tại Khoản 6 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và các Điều 360, 361, 419 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bà H hoàn toàn được yêu cầu bồi thường khi California Fitness cung cấp dịch vụ không đúng chất lượng cũng như là có hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng dịch vụ.

Thứ hai, về quyền yêu cầu hoàn tiền đối với phần phí dịch vụ không sử dụng: Căn cứ Khoản 2 Điều 3 và Điều 18 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì bà H được quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục tại bất kỳ thời điểm nào và thông báo bằng văn bản cho California Fitness. Lúc này, theo quy định thì chỉ phải thanh toán phí, giá cho phần dịch vụ mà mình đã sử dụng.

Cũng theo Luật sư Phan Mạnh Thăng, mặc dù tại Điều 8 Mục B Điều khoản và điều kiện của các hợp đồng dịch vụ có nội dung về việc phí dịch vụ đã thanh toán sẽ không được hoàn trả, tuy nhiên, đây là điều khoản trái với quy định tại Điều 18 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP nêu trên. Hơn nữa, thỏa thuận này cũng có dấu hiệu tương đồng với việc buộc người tiêu dùng phải thanh toán chi phí đối với phần dịch vụ chưa sử dụng. Cho nên, thỏa thuận này là vi phạm quy định tại Điểm h khoản 1 Điều 54 Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, nội dung của Điều 8 Mục B Điều khoản và điều kiện của các hợp đồng dịch vụ này không phát sinh hiệu lực pháp luật căn cứ theo quy định tại Điều 117, 130 Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi đó, căn cứ theo quy định vừa nêu trên thì California Fitness có trách nhiệm phải hoàn trả lại một khoản tiền tương đương phần phí dịch vụ cho các buổi tập với huấn luyện viên mà hội viên chưa sử dụng.

Theo Nguyễn Trang

Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/california-fitness-bi-to-lam-ton-hai-suc-khoe-hoi-vien-a97328.html