Nhập viện vì dùng thực phẩm chức năng trôi nổi
Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa kiểm tra chất lượng sản phẩm nhưng đã được nhiều cá nhân, tổ chức bán công khai tại cửa hàng, sàn TMĐT… có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thực tế ghi nhận không ít trường hợp trở thành nạn nhân của các sản phẩm này. Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân V.T.T. (25 tuổi, Lâm Đồng) đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám trong tình trạng cơ thể mệt, trên da xuất hiện ban đỏ, bóng nước và vết trợt chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi...
Nữ bệnh nhân cho biết do có bệnh vảy nến nên đã mua thực phẩm chức năng dùng được khoảng 5 - 7 ngày thì trên người xuất hiện vết ban nhỏ, sau đó phát ban. Người bán nói sản phẩm đang phát huy tác dụng thải độc tố nên chị T. tiếp tục sử dụng. Đến khoảng ngày thứ 18, tình trạng bệnh nặng hơn, người bán tiếp tục trấn an. Thấy cơ thể đau nhức không chịu nổi, chị T. được người nhà đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán chị T. bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) sau khi sử dụng thực phẩm chức năng, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Trước thực trạng sản phẩm TPCN được sản xuất không rõ nguồn gốc, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra và xử lý nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe, thậm chí nhiều tổ chức, cá nhân còn thách thức pháp luật khi mở rộng hệ thống bán hàng để tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng.
Cửa hàng Vườn Của Bé vi phạm pháp luật?
Thời gian qua, Tòa soạn Chất lượng Việt Nam liên tục nhận được phản ánh từ khách hàng về việc cửa hàng Vườn Của Bé có dấu hiệu bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Để làm rõ thông tin cũng như bảo vệ quyền lợi người dùng, PV đã trực tiếp xác minh tại cửa hàng Vườn Của Bé (địa chỉ số 97, Nguyễn Hữu Thọ, KĐT Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Theo quan sát của PV, cửa hàng này bày bán nhiều sản phẩm TPCN, mỹ phẩm... với nhiều mức giá khác nhau nhưng điểm chung là không dán tem phụ tiếng Việt như sản phẩm TPCN Milk Calcium, Lysine Setep up, Nature Made Prenatal, The Collagen...
Thậm chí, ngay cả những sản phẩm dành cho người có bầu cũng không dán tem phụ được bày bán công khai tại cửa hàng. Điển hình như Pregnacare max, Elevit, Blackmonres... và nhiều sản phẩm khác đều không có tem phụ.
Khảo sát tại các địa chỉ khác của hệ thống Vườn Của Bé, PV tiếp tục nhận thấy tình trạng tương tự. Theo đó, tại các cơ sở này cũng bán nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ như sữa tắm cho trẻ Bad&shampoo, Pigenon baby soap, Vitamin e body lotion, Biotin&collagen, Neutrogena curcuma clear... Hầu hết sản phẩm này đều chữ nước ngoài và không có bất cứ thông tin nào ghi chú bằng Tiếng Việt.
Ngoài ra, theo quan sát của PV, tại địa chỉ 38 Nguyễn Viết Xuân, Thanh Xuân, Hà Nội bày bán nhiều loại sữa dành cho trẻ nhỏ cũng mập mờ nguồn gốc, xuất xứ như PediaSure, Blédilait, Aptamil, Nan optipro, BabySemp 1 và nhiều dòng sữa khác.
Việc các sản phẩm TPCN, mỹ phẩm, sữa không có tem phụ rất dễ gây hiểu nhầm và khó cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm. Người tiêu dùng đặt câu hỏi liệu những sản phẩm trên có đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người dùng? Đặc biệt, sản phẩm không có tem phụ ghi rõ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ có phải là hàng nhập khẩu chính hãng? Nếu dùng gặp vấn đề gì thì ai là người chịu trách nhiệm?
Để có thông tin khách quan cũng như bảo vệ quyền lợi cho người dùng, PV đã nhiều lần liên hệ tới cửa hàng Vườn Của Bé nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào từ đơn vị này?.
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Tại khoản 2, Điều 7, Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/09/2004 về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, các siêu thị, trung tâm thương, mại không được kinh doanh hàng hóa không đúng quy định về nhãn hàng hóa, tem thuế hàng hóa nhập khẩu và tem thuế hàng hoá tiêu thụ đặc biệt. Hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng và hàng không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật như hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động thực vật bị dịch bệnh...
Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng Tiếng Việt. Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
NPV
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/he-thong-cua-hang-vuon-cua-be-kinh-doanh-hang-khong-ro-nguon-goc-a97756.html