Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các mặt bằng tại khu vực trung tâm với chi phí cao không còn là ưu tiên của nhiều doanh nghiệp. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chủ mặt bằng cần linh hoạt giảm giá, để có thu nhập hoặc nghiên cứu chuyển công năng sử dụng nhằm tránh lãng phí.
Những tấm biển cho thuê nhà đang được dán trên nhiều tuyến đường trung tâm tại TP Hồ Chí Minh. Đây là những vị trí đắc địa trước đây được nhiều các thương hiệu lớn săn đón, nay chịu cảnh đóng cửa, sang nhượng bởi giá cho thuê vẫn còn khá đắt đỏ.
Hàng loạt mặt bằng ở những khu vực sầm uất từng được mệnh danh là "con đường kinh tế, du lịch" đang nằm xơ xác chờ khách. Tuy nhiên, giá thuê tại các vị trí này đều ở mức cao khoảng 60 triệu đồng/tháng trở lên tùy vào diện tích. Một số đơn vị thuê cho biết, dù hiện tại sức mua không tốt, nhưng giá cho thuê tại khu vực này không có dấu hiệu giảm mà vẫn giữ ổn định ở mức cao.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các mặt bằng tại khu vực trung tâm với chi phí cao không còn là ưu tiên của nhiều doanh nghiệp. (Ảnh: NLĐ)
"Ở khu vực trung, đương nhiên chi phí dành cho việc thuê nhà sẽ phải cao hơn, gần như gấp đôi nên họ phải cân nhắc. Ở đâu khó thì họ sẽ phải chuyển sang những khu vực ít khó hơn", bà Võ Thị Phương Mai, Trưởng Bộ phận mặt bằng bán lẻ CBRE Việt Nam, cho biết.
"Giá thuê càng cao thì giá hàng hóa, dịch vụ cộng thêm chi phí thuê sẽ dẫn tới ngày càng cao. Điều đó không có lợi cho dân sinh và sự phát triển bền vững của đất nước", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng hiện nay đang có xu hướng chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến và đặt dịch vụ giao hàng tận nhà bởi sự tiện lợi, nhanh chóng và đảm bảo an toàn sức khỏe. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã không còn ưu tiên thuê những mặt bằng lớn ở vị trí trung tâm để kinh doanh như trước. Thay vào đó, những mặt bằng ở phân khúc giá thấp hơn sẽ được doanh nghiệp ưu tiên để tối ưu hóa chi phí trong giai đoạn hiện nay.