Nộp 95% giá trị lô đất vẫn chỉ là “đặt cọc”
Bà N.Đ.M.T. (trú tại TP.HCM) vừa có đơn kêu cứu gửi các cơ quan báo chí mong đòi lại số tiền đã đóng cho Công ty Cổ phần Kinh doanh địa ốc Long Phát (Công ty Long Phát) sau khi phát hiện mình mua phải dự án không có thật.
Theo trình bày của chị T., vào ngày 13/5/2020 chị được một nhân viên tên Quân của Công ty Long Phát giới thiệu về dự án Crescent Maill 6, tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai
Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc mua bán bất động sản nên sau khi nghe nhân viên Quân tư vấn chị T. đã ký “Thoả thuận đặt cọc” và nộp số tiền 100.000.000 đồng để mua lô đất có mã lô là CM6-56, thuộc thửa đất số 4402, tờ bản đồ số 5, có diện tích 103,2m2 với giá 1.590.000.000 đồng.
Ngay sau đó, Công ty Long Phát yêu cầu chị T. ký tiếp “Hợp đồng đặt cọc để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất” và đóng 95% giá trị lô đất (bao gồm 100.000.000 tiền đặt cọc trước đó) tương đương với số tiền là 1.463.000.000 đồng.
Theo chị T., sau khi đóng 95% giá trị lô đất cho Công ty Long Phát chị mới nhận ra điều bất thường trong giao dịch này khi đây vẫn chỉ là “Hợp đồng đặt cọc” chứ không phải hợp đồng mua bán và hợp đồng này cũng không được công chứng.
Cảm thấy bất an nên chị T. đã liên hệ với Sở TNMT tỉnh Đồng Nai để xin cung cấp thông tin về thửa đất nói trên.
Theo thông tin từ Sở TNMT tỉnh Đồng Nai cung cấp thì thửa đất số 4402, tờ bản đồ số 5 này là đất của một người dân tên Dương Văn Kiểm.
Lô đất trên nằm trong quy hoạch đất ở tại nông thôn: Điểm dân cư số 8. Chứ không thuộc dự án nào mang tên Crescent Maill 6. Đặc biệt việc sang nhượng thửa đất này phải có chữ ký của ông Kiểm và được công chứng mới hợp pháp.
“Sau đó tôi đã liên hệ với Công ty Long Phát để đòi lại số tiền đã nộp và chấm dứt giao dịch liên quan tới thửa đất trên. Tuy nhiên phía Công ty Long Phát nói rằng nếu tôi chấm dứt giao dịch thì sẽ chỉ được trả lại 50% số tiền trên”, chị T. cho biết.
Công ty Long Phát bị khách hàng đòi lại tiền
Lãnh đạo Công ty Long Phát gọi khách hàng là “âm binh”
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của chị T., phóng viên báo Đất Việt đã liên hệ với Công ty Long Phát để thông tin được khách quan, đa chiều.
Trao đổi với Báo Đất Việt, một lãnh đạo Công ty Long Phát thừa nhận thửa đất nêu trên là đất của cá nhân ông Dương Văn Kiểm (trú tại TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai). Ông Kiểm đã có hợp đồng uỷ quyền cho Công ty Long Phát thực hiện việc môi giới, phân phối tới khách hàng.
Vị này cũng thừa nhận tên dự án Crescent Maill 6 là tên thương mại do Công ty Long Phát tự đặt.
Trước thông tin chị T. muốn chấm dứt giao dịch và đòi lại toàn bộ số tiền đã đóng cho Công ty Long Phát, vị Đại diện Công ty Long Phát nói: “Thời buổi bây giờ đã làm ăn khó khăn lại toàn gặp âm binh”.
Theo tìm hiểu, Công ty Long Phát có trụ sở chính tại số 95 Trần Quốc Hoàn, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM.
Thời gian qua, Công ty Long Phát luôn tự nhận mình là nhà phát triển một loạt dự án lớn tại tỉnh Đồng Nai, như: Khu đô thị Crescent Mall, khu đô thị Centre Mall, Khu Đô Thị Thương Mại – Dịch Vụ The King City, Khu Đô Thị Lộc Phát, dự án Khu Đô Thị Lộc An, dự án Khu Đô Thị Long Thành…
Tuy nhiên thực chất đa số các “Khu đô thị” các “dự án” trên đều chỉ là đất cá nhân tự phân lô rồi uỷ quyền cho Công ty Long Phát phân phối tới khách hàng với giá khá cao.
Trước đó, một số khách hàng cũng đã đến Công ty Long Phát yêu cầu chấm dứt giao dịch và đòi lại tiền sau khi phát hiện dự án mình mua của Công ty Long Phát không có thật.
Điển hình như vào tháng 1/2020, một khách hàng tên N.T.A.T (trú tại quận Tân Bình, TP.HCM) cũng đòi Công ty Long Phát phải trả lại 100.000.000 đồng tiền đặt cọc mua lô đất tại một dự án có tên Centre Maill 3, tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên khi khách hàng A.T. liên hệ với Sở TNMT tỉnh Đồng Nai thì được biết trên địa bàn huyện Trảng Bom không có dự án nào tên Centre Maill 3. Lô đất mà chị A.T mua cũng là đất của một cá nhân tự phân lô ra bán.
Khi chị A.T. đến đòi tiền, phía Công ty Long Phát còn doạ kiện chị ra toà, sau đó chỉ đồng ý trả 50 triệu đồng, còn 50 triệu đồng còn lại Công ty Long Phát tính vào chi phí đi lại. Sau khi chị A.T. cầu cứu các cơ quan chức năng và báo chí thì Công ty Long Phát mới trả lại toàn bộ số tiền cho chị A.T..
Theo Văn Tuấn/Baodatviet
Link nội dung: https://kinhtevadoisong.vn/dia-oc-long-phat-lien-tiep-bi-khach-hang-doi-lai-tien-a989.html