Tại cuộc họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 29/6, trả lời về “1 luật sửa 4 luật” nhằm đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực và triển khai theo mốc thời gian sớm hơn từ 1/8/2024, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn để sớm đưa các chính sách và luật pháp vào cuộc sống.
Theo ông Phan Đức Hiếu thì, Chính phủ đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm trong việc sớm đưa các luật, các chính sách vào cuộc sống. Trong quá trình thảo luận dự luật này chỉ có một băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội là việc nếu đẩy sớm hiệu lực của Luật thì có đảm bảo tính khả thi, tức là có đảm bảo việc ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành, để đảm bảo Luật có hiệu lực đúng vào thời điểm có hiệu lực sớm.
“Điều này chúng ta đã thảo luận rất nhiều. Chính phủ cũng đã có báo cáo chi tiết về mặt tiến độ và thể hiện những cam kết, cũng như quyết tâm bằng những giải pháp. Thậm chí không thể gọi là cam kết vì Chính phủ đã và đang hành động rất quyết liệt, đồng thời chỉ đạo các cơ quan có liên quan hoàn thiện các dự thảo Nghị định cấp trung ương và địa phương, để đảm bảo luật được ban hành và có hiệu lực theo thời điểm mới từ 1/8/2024.
Về phía Quốc hội, để đảm bảo nhiệm vụ này được hoàn thành thì trong Nghị quyết của kỳ họp Quốc hội cũng đã nhấn mạnh đến việc Quốc hội cần phải đảm bảo ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, để không xảy ra hiện tượng gọi là không có hoặc chậm ban hành văn bản, vốn dẫn đến tình trạng luật có hiệu lực nhưng không được thực thi trên thực tế”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Hiếu khẳng định, “1 luật sửa 4 luật” không phải vì bất cập mà để các luật sớm đưa vào cuộc sống.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về thời điểm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, cho hay, trong kế hoạch của UBTVQH đã đưa ra nhiệm vụ yêu cầu Chính phủ rà soát, sửa đổi chính sách pháp luật về thuế.
Tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội vừa qua, trả lời ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính có nêu vấn đề sửa đổi thuế thu nhập cá nhân liên quan tới xác định mức khởi điểm và giảm trừ gia cảnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận định, dư luận xã hội thấy đây là vấn đề cần triển khai. Tuy nhiên, để đưa vào chương trình điều chỉnh pháp luật của Quốc hội phải tuân thủ các yêu cầu chặt chẽ.
Khi nào Bộ Tài chính chuẩn bị và tham mưu giúp Chính phủ, đưa hồ sơ vào chương trình xây dựng pháp luật thì UBTVQH sẽ xem xét và có thể đưa vào kỳ họp gần nhất có thể. “Việc này cấp thiết thật nhưng phải tuân theo thủ tục theo quy định”, bà Thủy nói.
Ngoài việc "1 luật sửa 4 luật" thì theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết
Cụ thể, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật gồm: Luật Lưu trữ; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Quốc hội thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025 và Nghị quyết chung của Kỳ họp. Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật; xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác.
PV (t/h)