Sinh năm 1978, năm nay 42 tuổi, chị M.T.K (Hà Nội) có hơn 20 năm lặn lộn đủ nghề làm thuê kiếm sống ở vỉa hè Hà Nội. Người phụ nữ có dáng người mảnh khảnh, nước da đen sạm vì nắng gió, bươn chải.
Thế nhưng ít ai ngờ, chị K. lại sở hữu gia tài trị giá cả chục tỷ đồng. Suốt hàng chục năm qua, cứ làm được bao nhiêu tiền, chị K. lại tích cóp, đầu tư mua BĐS.
Đến nay, ngoài căn nhà đất 4 tầng khang trang có diện tích 30m2 ở Hoàng Mai (Hà Nội), chị K. còn sở hữu thêm 2 mảnh đất rộng cả trăm m2 ở Hưng Yên, một mảnh đất ở Hoài Đức (Hà Nội).
Nếu tính theo giá trị BĐS hiện thời, gia tài của chị K. cũng vào khoảng gần 10 tỷ đồng. Sở hữu tài sản “khủng” thế nhưng hàng ngày chị K. vẫn cùng chồng bán bún ốc, bánh mỳ vỉa hè để kiếm sống.
Tiền kiếm được bao nhiêu "dồn" hết mua đất
Nhờ chăm chỉ, tiết kiệm và biết tính toán làm ăn chị K. đã xây nhà, mua được đất ở Thủ đô.
Chia sẻ với PV, chị K. kể mình quê Thái Bình, lên Hà Nội làm thuê từ những năm 2000. Thời điểm đó, chị làm công nhân may cho một nhà xưởng tư nhân ở khu vực gần bến xe Giáp Bát (Hà Nội). Năm 2003, chị lấy chồng cùng quê, anh chạy chợ bán hoa quả ở Hà Nội.
Từ khi kết hôn, chị K. nghỉ việc, hai vợ chồng dồn tiền mở một gánh bún ốc vỉa hè. Nhờ tài nấu ăn ngon lại khéo ăn nói, chiều khách nên mỗi ngày chị K. bán được cả vài trăm bát bún, khách quen lúc nào cũng nườm nượp từ sáng đến chiều.
“Hồi ấy, hai vợ chồng thuê nhà 20m2 ở Định Công, giá thuê rẻ lắm. Trời thương, nên quán bún đông khách, dù chỉ với giá 5 nghìn đồng một bát nhưng một ngày trừ chi phí tôi cũng để ra được cả trăm nghìn tiền lãi. Sau này bát bún tăng giá lên 25.000 – 30.000 nghìn đồng thì có ngày kiếm được cả triệu bạc”, chị K. nói.
Thời điểm những năm 2000, cả khu vực Định Công (Hoàng Mai) còn rất hoang sơ, vắng vẻ. Đất khi ấy giá cũng rẻ, chỉ khoảng vài triệu 1 m2
Từ khi sinh con gái đầu lòng, hai vợ chồng chị K. dồn hết số tiền tích cóp được đánh liều mua mảnh đất 30m2 với giá gần 200 triệu đồng ở Định Công để lấy chỗ ở tạm.
“Lúc đó, mảnh đất tôi mua nằm ở nơi heo hút, đường vào nhà vẫn là đường đất, phải đi qua cả cánh đồng lúa. Ai cũng cản bảo tôi mua làm gì, nói khu đó không có tương lai, thà bỏ tiền về quê xây nhà to ở còn hơn. Nhưng tôi nghĩ, Hà Nội đất chật người đông, kiểu gì cũng phát triển, mở mang nên vẫn cố vay mượn mua cho bằng được”, chị K. cười nói.
Mảnh đất khi đó chị K. mua đã có căn nhà cấp 4. Hai vợ chồng sửa sang, quét vôi ve rồi dọn về ở tạm. Để có thêm thu nhập, ngoài chạy chợ bán bún ốc, chồng chị K. còn mở thêm quán trà đá vỉa hè, rảnh rỗi anh lại chạy xe ôm, chở hàng thuê.
Mỗi tháng trừ các chi phí, chị K. nhẩm tính thu nhập của hai vợ chồng cũng được khoảng 30 triệu đồng, có tháng hơn, tháng kém.
Tiền kiếm được chị K. chia nhỏ thành các phần: chi tiêu sinh hoạt (cố định 4-7 triệu đồng tháng), đóng học cho con (2 triệu đồng), còn lại bao nhiêu chị dồn hết vào mua vàng tiết kiệm.
“Tôi tiết kiệm tiền mua vàng từ thời vàng chỉ có giá 500 nghìn đồng, rồi 700 nghìn đồng/chỉ. Có tháng tôi mua 3 chỉ, tháng 5 chỉ, tháng nào dồn được tiền nhiều tôi mua cả cây tiết kiệm. Nhờ thế, sau này khi vàng tăng giá tôi lãi được cả trăm triệu đồng”, chị K. nói.
"Săn" đất vùng ven, không chạy theo cơn "sốt"
Không có tiền để đầu tư đất ở gần trung tâm Hà Nội, chị K. chọn mua đất ở các khu vực vùng ven.
“Hàng ngày khách đến quán tôi ăn bún, tôi hỏi họ về thông tin giá đất ở quê họ sống hay chỗ họ ở trọ. Những câu chuyện vu vơ, xã giao thế mà nhờ đó, tôi biết được chỗ nào đất rẻ, chỗ nào có tiềm năng, chỗ nào giá đất đang “sốt” để tính toán mua”, chị K. cười nhớ lại.
Thời điểm những năm 2007, có trong tay 50 lượng vàng, chị K. đem bán được gần 800 triệu đồng. Với số tiền này, chị tìm mua được 120m2 đất ở Ngọc Giang (Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội), khi đó đất ở đây có giá chỉ khoảng 8 triệu đồng/ m2.
Năm 2011, thông tin về các dự án xây cầu Nhật Tân, Đông Trù, khiến giá đất Đông Anh phi mã, tăng gấp 3-4 lần. Mảnh đất của chị K. bán được 2,4 tỷ đồng, khoảng 20 triệu/m2.
Lãi từ bán đất, chị dành 1 nửa đầu tư xây căn nhà 4 tầng, nửa còn lại chị đầu tư mua một mảnh đất ở Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội). Năm 2015, tiết kiệm được 500 triệu đồng, chị K. lại dồn tiền, vay thêm người thân, bạn bè đầu tư mua 2 mảnh đất ở Mỹ Hào (Hưng Yên) với giá gần 450 triệu đồng một lô.
“Hai vợ chồng nghề nghiệp đều không ổn định nên tính đi tính lại chỉ có đầu tư đất là chắc ăn nhất. Vì thế, thay vì gửi ngân hàng, tôi tiết kiệm mua đất để phòng thân. Đến cuối năm ngoái, hai vợ chồng mới trả xong nợ mua đất”, chị K. kể.
Đến nay, chị K. nhẩm tính nếu tính theo giá thị trường mảnh đất ở Hoàng Mai (Hà Nội cũng không có giá dưới 3 tỷ đồng, mảnh đất ở Hoài Đức cũng được trả giá gần 2 tỷ. Hai mảnh đất ở Hưng Yên cũng tăng giá gấp đôi so với thời điểm chị xuống tiền mua.
“Tôi không am hiểu thị trường BĐS, mua đất chủ yếu làm tài sản phòng thân nên quan điểm của tôi là “không chạy theo cơn sốt” hay trào lưu. “Đất “sốt” tăng giá thì tôi bán, lúc nào giá rẻ thì tôi mua vào. Nếu mua đất ở đâu tôi sẽ dành thời gian đi tìm hiểu, hỏi nhà dân xung quanh khu vực đó rồi mới quyết định xuống tiền”, chị K. cười nói.