Ăn gì giúp cơ thể tăng sức đề kháng?
Xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng với các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe là cách đơn giản giúp phòng chống bệnh.
|
Tỏi là kháng sinh tự nhiên giúp chống lại nhiều bệnh như cảm cúm, giảm đường huyết... Tỏi sẽ giữ được tối đa công dụng khi được ăn sống, mỗi người nên dùng từ 1 đến 3 tép mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể phòng bệnh khi sử dụng tỏi làm gia vị chế biến món ăn. Bạn không nên chế biến tỏi ở nhiệt độ quá cao. Giấm tỏi, rượu tỏi là những gợi ý giúp tăng cường sức khỏe mùa dịch. |
|
Bên cạnh tỏi, các gia vị khác như gừng, nghệ cũng là phương thuốc tự nhiên giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Gừng có nhiều công dụng như giảm viêm, đau họng, cảm giác buồn nôn. Bạn có thể sử dụng gừng cho các món ăn, đặc biệt làm gia vị khử tanh hải sản. Ngoài ra, gừng cũng được kết hợp với các thảo mộc, mật ong, chanh, tạo nên món trà nóng hấp dẫn. Trong khi đó, nghệ có tác dụng chống viêm, đau nhức xương khớp, dùng nhiều trong món cà ri.
|
|
Uống trà xanh mỗi ngày là thói quen tốt, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Trong trà xanh chứa flavoniod, chất chống oxy hóa hiệu quả giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi. Ngoài ra, trà xanh còn giúp thanh nhiệt, giải độc, thích hợp bổ sung cho cơ thể trong mùa hè. Các thức uống như matcha latte, trà chanh, trà tắc... là gợi ý lý tưởng.
|
|
Vitamin C trong trái cây thuộc họ cam quýt làm tăng sản xuất bạch cầu, bảo vệ hệ miễn dịch cơ thể. Các loại quả mọng chứa nhiều vitamin C gồm bưởi, cam, quýt, chanh... Bạn có thể bổ sung vitamin C bằng các thức uống như nước ép cam, chanh mật ong... Những ai đau dạ dày nên thêm vào nước uống một số loại trái cây như ổi, đu đủ, rau cải thìa, bắp cải, rau mầm...
|
|
Ớt chuông cũng là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Lượng vitamin C có ở ớt chuông đỏ còn nhiều hơn gấp đôi trong các loại trái cây họ cam, quýt. Ngoài ra, ớt chuông còn giàu beta carotene, một dưỡng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch cơ thể, chống lại vi khuẩn gây bệnh.
|
|
Bông cải xanh (súp lơ xanh) chứa hàm lượng khoáng chất dồi dào như vitamin A, E, sắt, kẽm, magie… Đây là "thực phẩm vàng" tốt cho sức khỏe, nên được bổ sung vào thực đơn các món ăn của gia đình. Các món đơn giản, có thời gian đun nấu ít như hấp, luộc sẽ giữ được tối đa các dưỡng chất trong bông cải xanh. Sau khi chế biến, bạn có thể cho bông cải vào nước đá để giữ độ tươi xanh.
|
|
Với hương vị thơm, chua nhẹ, kích thích vị giác, sữa chua là món ăn yêu thích của nhiều người. Đây còn là thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn, tốt cho hệ tiêu hóa, giúp ngăn ngừa táo bón. Bạn nên sử dụng loại sữa chua ít ngọt hoặc không đường. Món sữa chua kết hợp với mật ong, ít ngũ cốc sấy, trái cây khô là gợi ý "eat clean" cho bữa sáng đủ chất.
|
|
Là thực phẩm giàu vitamin E, hạnh nhân cung cấp chất béo tốt cho sức khỏe, hiệu quả trong việc ngăn ngừa và phòng chống cảm lạnh. Loại hạt này còn có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu ở mức ổn định. Bạn có thể làm sữa hạt từ hạnh nhân nguyên vỏ hoặc kết hợp yến mạch, trái cây trong món ngũ cốc ăn sáng.
|
|
Đu đủ là loại quả ngon, bổ, rẻ, có nhiều lợi ích với sức khỏe như giúp nhuận tràng, đẹp da, chống viêm... Ăn đu đủ thường xuyên còn giúp cơ thể điều hòa huyết áp, giảm lượng cholesterol trong máu, tăng cường miễn dịch.
|
|
Tương tự đu đủ, kiwi có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết như vitamin B9, C, K... Vitamin C tăng cường các tế bào bạch cầu để chống lại nhiễm trùng, trong khi những chất dinh dưỡng khác của kiwi giúp cơ thể hoạt động ổn định.
|
|
Thịt gà giàu vitamin B có lợi cho hệ miễn dịch đường ruột, tăng sức khỏe mùa dịch. Món cháo gà nóng hổi sẽ giúp người bị cảm lạnh mau chóng khỏi bệnh. Những món ít sử dụng gia vị, chế biến đơn giản như gà luộc, hấp, nướng mọi, xé phay sẽ tốt cho sức khỏe hơn đồ ăn nhiều dầu mỡ.
|
|
Hải sản giàu khoáng chất như kẽm, sắt, là thực phẩm hữu hiệu nâng cao sức đề kháng mùa dịch. Những món hải sản tươi ngon, hấp dẫn như cá hồi, tôm, hàu, cua, sò huyết... sẽ giúp bạn bồi bổ sức khỏe. Hải sản ngon nhất khi được chế biến đơn giản như hấp, luộc cùng một số gia vị gồm gừng, sả, ớt...
|