ĐỜI SỐNG

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tin lầm người quen, cụ bà 72 tuổi mất mảnh đất 4ha

Admin

Ở tuổi 72, cứ ngỡ bà Lê Thị Thanh Là đã có thể hoàn thành được tâm nguyện từ người dì về việc đòi lại quyền lợi chính đáng tại mảnh đất có diện tích 4ha của gia đình. Tuy nhiên, khi đang được các cấp chính quyền hỗ trợ giải quyết quyền lợi thì bà Là lại “mất trắng” mảnh đất vào tay người quen do quá tin tưởng.

Gần 30 năm lầm lũi đi đòi quyền lợi

Trong đơn kêu cứu, bà Lê Thị Thanh Là (SN 1950, ngụ tại 82I/KP3, phường Hiệp Thành, quận 12, TP. HCM) cho biết, dì của bà là cụ Nguyễn Thị Tư (đã mất năm 2000), năm 1966 cụ Tư đã mua 1 lô đất có diện tích 4ha tại Cỏ May, Phước Tân, phường 11, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mảnh đất có số địa bộ 424 và sổ bách phần 841, cấp ngày 30/10/1929.

Sau đó, cụ Tư đã canh tác trồng cây ăn trái và có dựng 1 căn nhà nhỏ sống ổn định trên đất này. Năm 1975, cụ Tư đã về quê tại thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) chữa bệnh và sinh sống. Cụ Tư khi đó đã nhờ người giúp việc của gia đình ở lại trông coi và chăm sóc vườn cây ăn trái cùng quản lý khu đất nói trên.

Ngày 27/01/1992, cụ Tư làm giấy chuyển nhượng thành quả lao động có gắn liền việc sử dụng đất cho bà Là với xác nhận của UBND phường 11 cũ nay là phường 12, TP. Vũng Tàu, (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Giấy ủy quyền của cụ Tư cho bà Là.

Theo văn bản số 34/KSTTPL của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 17/05/1996, sau khi bà Tư về quê Sa Đéc sinh sống thì: “Năm 1982, UBND Đặc khu VT - CĐ (cũ) giao khu đất trên cho xí nghiệp quốc doanh chăn nuôi đặc khu VT - CĐ (nay là trại gà Phước Cơ) sử dụng theo Quyết định số 315/QĐ-UB ngày 25/9/1982.

Từ năm 1980 đến nay (năm 1996) bà Nguyễn Thị Tư liên tục làm đơn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc xin lại khu đất nói trên...”. Tới ngày 05/7/1997, cụ Tư đã ủy quyền cho bà Là được thay mặt cụ Tư “đến các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để liên hệ giải quyết việc lô đất có diện tích 4ha của cụ Tư”. Theo đó, cụ Tư ủy quyền cho bà Là được “trọn quyền quyết định và giải quyết các vấn đề liên quan đến lô đất, sau khi được nhà nước trả lại số đất trên được quyền bán và sang nhượng”. Giấy ủy quyền này đã được UBND Thị xã Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) xác nhận.

Năm 2011, bà Là quen biết với vợ chồng ông Nguyễn Văn Bé Ba và bà Phạm Thị Ánh làm nghề môi giới bất động sản. Theo bà Là, sau khi nghe bà trình bày về những vấn đề đang xảy ra tại thửa đất nói trên, vợ chồng ông Ba đã khẳng định họ có quen biết nhiều lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Do vậy, ngày 06/05/2011, bà Là đã ký hợp đồng bằng giấy viết tay cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Bé Ba và bà Phạm Thị Ánh thường trú tại 148 quốc lộ 13, khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM, trong hợp đồng ghi rõ ông Ba và bà Ánh không được quyền làm sổ đỏ đứng tên hai vợ chồng họ.

Giấy biên nhận về việc mượn giấy tờ đất của ông Nguyễn Văn Bé Ba và bà Lê Thị Thanh Là.

Tiếp đến ngày 01/08/2011 tại phòng công chứng số 7 TP.HCM, bà Là làm hợp đồng ủy quyền cho vợ chồng ông Ba và bà Ánh với nội dung ủy quyền giải quyết văn bản 2070 TD/TW ngày 06/07/2011 tại trụ sở tiếp công dân Trung Ương Đảng.

Ngày 05/03/2013, ông Nguyễn Văn Bé Ba có đến gặp bà Là xin mượn giấy tờ gốc của thửa đất trên. Trong văn bản biên nhận ngày 05/03/2013 có ghi rõ: “Chị Lê Thị Thanh Là có giao cho tôi (ông Nguyễn Văn Bé Ba) giấy chủ quyền đất tên Lê Thị Tư (Sổ địa bộ 424 trước bạ ngày 9/6/1966 (bản chính) để khiếu nại theo ủy quyền và giấy thỏa thuận đã ký 03/05/2012.

Sau khi ở Hà Nội vào tôi giao lại giấy cho chị Là. Nếu cần giải quyết thì chị tiếp tục đưa tôi để khiếu nại. Tôi cam kết thực hiện đúng với những cam kết nêu trên và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Nhưng tới thời điểm hiện tại, bà Là đã nhiều lần liên hệ với ông Ba để đòi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Tư nhưng không được ông Ba trả lại.

Vì cả tin nên bị lừa mất đất

Đáng nói, theo bà Là, vào thời điểm năm 2011, vợ chồng ông Ba đã “dụ dỗ” bà Là làm một Giấy bán đất giả với lý do, phải có giấy bán đất thì vợ chồng ông Ba mới có thể thực hiện việc giúp bà Là khiếu nại đòi lại quyền sử dụng 4ha đất nói trên. Do cả tin, bà Là khi đó đã cùng vợ chồng ông Ba viết một giấy bán đất viết tay ghi thời gian là ngày 05/10/1999 với nội dung: cụ Tư bán lại diện tích đất trên cho Nguyễn Văn Bé Ba và Phạm Thị Ánh với giá 600 triệu đồng. Ông Ánh đã giao cho cụ Tư số tiền là 380 triệu đồng, phần diện tích còn lại nếu đòi lại thì vợ chồng ông Ba phải trả cho bà Là 25% diện tích đòi được.

Theo bà Là, để hợp thức hóa Giấy bán đất này, bà Ánh đã giả chữ ký của cụ Tư (thời điểm năm 2011 cụ Tư đã mất), bà Là vì cả tin cũng đã ký với vai trò là người làm chứng. Tuy nhiên, việc giao nhận số tiền trị giá 380 triệu đồng giữa bà Là và vợ chồng ông Ba khi đó không hề diễn ra. Lợi dụng vào những giấy tờ trên, vợ chồng ông Ba bà Ánh đã đi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mảnh đất trên, kể từ đó họ chiếm giữ trái phép thửa đất của bà Là. Hiện tại, vợ chồng ông Ba còn cho xã hội đen vào ở trên mảnh đất của bà Là.

Vì quá tin tưởng vào người quen nên bà Là “mất trắng” đất.

“Vợ chồng ông Ba và bà Ánh đã có hành vi gian dối nhằm lừa đảo chiếm đoạt giấy tờ về đất và quyền sử dụng đất hợp pháp của tôi. Tôi đã gửi đơn tố cáo tội phạm tới các cơ quan chính quyền. Mong rằng các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, trả lại quyền lợi chính đáng cho tôi và có hình phạt thích đáng cho những kẻ lợi dụng lòng tin của người khác như vợ chồng ông Ba, bà Ánh.

Tôi đã ngoài 72 tuổi sức khỏe rất yếu nếu tôi chết đi sự việc giải quyết rất khó khăn về sau, trong khi đến nay cơ quan cảnh sát điều tra chưa khởi tố vụ án đối với Nguyễn văn Bé Ba và bà Phạm Thị Ánh mặc dù chúng tôi gửi đơn nhiều lần”- bà Là tha thiết kêu cứu trong đơn.

Được biết, bà Là là một sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã được nghỉ hưu, là thương binh hạng 2, được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng 3, được hưởng trợ cấp người bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo.

Theo Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Người giả mạo chữ ký thực hiện các giao dịch trong hợp đồng mua bán, hợp đồng vay vốn, hợp đồng thế chấp… nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

“ Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

  1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  1. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.” Trong trường hợp này, hành vi giả mạo chữ ký là hành vi cố ý được coi là thủ đoạn gian dối là yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản./.