KINH TẾ DOANH NGHIỆP

Bàn cách gỡ khó về tổng cung, tổng cầu

Admin

Chủ trì, phát biểu tại hội nghị "Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, kinh tế đang gặp khó cả về tổng cung và tổng cầu. Do đó, điều cần tập trung thực hiện tới đây là thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu...

Nhiều thách thức
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị "Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023" sáng 3/2 tại trụ sở Bộ Công Thương. (Ảnh: VGP)
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thời gian qua, ngành công thương đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương. Xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển, lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch đạt hơn 732,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước; duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11,2 tỷ USD.
Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 20%, vượt 2,5 lần mục tiêu kế hoạch, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Tuy vậy, theo người đứng đầu Bộ Công Thương, sản xuất và xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt chậm cải thiện. Sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế. Xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm và việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm. Sức mua trong nước hồi phục chậm. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: Báo Công Thương)
Ngành công thương cũng đã tự nhìn nhận một cách thẳng thắn và cầu thị các hạn chế này để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh bên cạnh những kết quả cơ bản đã đạt được, ngành công thương còn có nhiều khó khăn, thách thức, băn khoăn, trăn trở, lo âu.
Bối cảnh thế giới là sức ép lạm phát sẽ có tác động đến Việt Nam. Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, gấp đôi GDP nên biến động nhỏ bên ngoài cũng là tác động lớn bên trong. Các thị trường lớn của Việt Nam đều có giảm phát. Cùng đó là khủng hoảng năng lượng và các yếu tố của biến đổi khí hậu là khó tránh.
Trong nước, năng lực chống chịu sức cạnh tranh có hạn, tránh “cơn gió ngược” thế nào để thoát ra được. Năm 2022 chúng ta đã vượt qua được các thách thức này. Năm 2023 đã qua 1 tháng, những tác động bên ngoài làm cho đơn hàng sản xuất giảm, chúng ta cũng thấy rõ công nghiệp giảm. Áp lực lạm phát trong năm 2023 sẽ vẫn còn lớn.
Thủ tướng đặt vấn đề trong những bối cảnh trên, nhất là khi cả tổng cung và tổng cầu đều giảm thì rõ ràng cần tập trung thúc đẩy việc đa dạng hoá sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng.
"Cuộc họp hôm nay rất quan trọng để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho nền kinh tế và người lao động. Điều cần tập trung thực hiện tới đây là thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu. Cùng đó là bảo đảm các cân đối lớn, năng lượng", Thủ tướng nói.
Gỡ khó về tổng cung, tổng cầu
Tại hội nghị, đại diện của các cục, vụ trực thuộc Bộ Công Thương đã có những báo cáo cụ thể về khó khăn, thách thức, giải pháp cụ thể để đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, kiến nghị tới người đứng đầu Chính phủ có những chỉ đạo để thúc đẩy hơn nữa sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn.
Cơ bản thống nhất với các phương hướng và nhiệm vụ Bộ Công Thương đã xác định, Thủ tướng yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi và phát triển sản xuất với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cả phía cung và cầu.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp gỡ khó cho cả tổng cung và tổng cầu. (Ảnh: VGP)
Chú trọng phát triển công nghiệp nền tảng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với các chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu… nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, các hợp tác song phương, đa phương để duy trì, mở rộng và tìm kiếm thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực có lợi thế và thế giới có nhu cầu.
Tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống. Mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Khẩn trương đàm phán, ký kết FTA với Israel. Tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh.
Với thị trường trong nước, đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng.
Đặc biệt, phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành công thương, tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh...