TIÊU ĐIỂM

Bi kịch của những thiếu niên bị lừa sang Campuchia

Kỳ Văn

Mới 14 tuổi, Yun là người trẻ nhất trong số các nạn nhân bị nhốt ở Sihanoukville. Bọn tội phạm đã đánh cậu 2 lần vì không dụ dỗ được ai tham gia đầu tư.

Hồi tháng 12/2021, Yun vượt biên trái phép khỏi Trung Quốc. Cách đó vài ngày, một người đàn ông đã liên hệ với thiếu niên 14 tuổi thông qua một ứng dụng video với lời mời làm việc hấp dẫn. Mới bỏ học, bị gia đình ghẻ lạnh và từng “nhảy” nhiều công việc trong nhà máy, Yun cảm thấy mức lương mà người đàn ông cam kết hấp dẫn đến mức khó cưỡng.

Vài người bạn đã đi cùng Yun. Những người đàn ông lạ đã dẫn dắt nhóm trẻ vào một hành trình bao gồm cả ngồi trên ôtô, đi bộ xuyên núi và ẩn nấp trong thuyền. Đột nhiên, một ngày nọ, các bảng hiệu cửa hàng bằng tiếng nước ngoài hiện ra trước mắt. Khi các thiếu niên nhận ra họ bị lừa thì đã quá muộn.

Thảm cảnh ở khu phức hợp

Tại điểm đến, nhóm người lạ bán 6 thiếu niên vào một khu phức hợp ở thành phố Sihanoukville của Campuchia. Ở đó, các thiếu niên bị giam và phải thực hiện công việc lừa đảo qua Internet.

“Chúng cháu kết bạn với mọi người trên ứng dụng nhắn tin WeChat rồi liên tục nói chuyện với họ để tạo mối quan hệ tốt. Sau đó chúng cháu chào mời họ đầu tư vào các dự án lừa đảo”, Yun kể với Sixth Tone.

Câu chuyện của Yun và các bạn khá phổ biến. Sihanoukville, thành phố cảng của Campuchia, phát triển nhanh nhờ các khoản đầu tư của người Trung Quốc, và trở thành thiên đường cho các hoạt động lừa đảo trực tuyến. Tội phạm cần số lượng nhân sự lớn hơn so với lực lượng tình nguyện viên của chúng. Vì thế, chúng lừa những người ham việc nhẹ lương cao sang Campuchia rồi nhốt và bắt họ lừa đảo. Những thiếu niên Trung Quốc đã mắc bẫy của chúng.

Trước đây, một mạng lưới doanh nhân Trung Quốc ở Campuchia đã tình nguyện giải cứu các nạn nhân bằng tiền, quan hệ và các nguồn lực của họ. Nhưng sau khi giới chức giám sát chặt chẽ mạng lưới doanh nhân, hoạt động giải cứu của họ đã chấm dứt. Vì thế, nhiều người lo ngại các nạn nhân sẽ không thể trở về quê nếu họ trốn thoát.

Ngôi nhà mà Yun làm việc rất giống văn phòng, với khá nhiều máy tính và điện thoại khẩu hiệu. Các nhà quản lý đào tạo người mới và trưng bày nhiều khẩu hiệu để thúc đẩy nhân viên làm việc.

Cảnh sát bắt một số nghi phạm buôn người, lừa đảo ở tỉnh Preah Sihanouk năm 2021. Ảnh: The Khmer Times.

Để tránh sự theo dõi của giới chức Trung Quốc, bọn tội phạm liên lạc qua những ứng dụng nhắn tin mã hóa như Telegram. Ming, một thiếu nữ 15 tuổi vượt biên cùng Yun, kể rằng chúng thường xuyên gửi video về những cảnh tượng tra tấn đẫm máu vào Telegram để dọa các nạn nhân.

“Cảnh tượng trong những video ấy rất đáng sợ”, Ming nói.

Lừa đảo người lạ khiến Yun lo lắng. Cậu không hoàn toàn hiểu những việc mình đang làm và không muốn làm việc, nhưng cậu không dám phản kháng vì sợ chúng trừng phạt. Mới 14 tuổi, cậu là người trẻ nhất trong số các nhân viên, nhưng chúng đã đánh cậu 2 lần vì không lừa được ai. Vào ban đêm, bên trong phòng ở chung, cậu vừa khóc vừa trùm kín chăn. “Nếu chúng thấy tôi khóc, chắc chắn chúng sẽ nghi tôi muốn trốn” Yun nói với Sixth Tone.

Trò lừa “nuôi lợn để thịt”

Phương thức lừa đảo mà các thiếu niên như Yun phải thực hiện đang ngày càng trở nên phổ biến. Các băng đảng ở Sihanoukville chủ yếu gốc Trung Quốc. Năm 2019, Trung Quốc và Campuchia đã lập lực lượng chung tại Phnom Penh để triệt phá các mạng lưới lừa đảo, buôn người. Năm 2021, Bắc Kinh đã dẫn độ hơn 610 nghi phạm lừa đảo trực tuyến về nước. Nhưng mạng lưới lừa đảo qua mạng vẫn tiếp tục phát triển, và mở rộng tới nhiều quốc gia khác như Myanmar và Dubai.

Một trong những trò lừa đảo là “nuôi lợn để thịt”, trong đó kẻ lừa đảo giả danh thành người thành đạt, giàu sang, quyến rũ để thiết lập quan hệ tình cảm lãng mạn với những người khác giới trước khi dụ dỗ họ đầu tư tiền ảo, chứng khoán, ngoại hối và nhiều dạng tài sản khác.

Bắt nguồn từ Trung Quốc, trò lừa “nuôi lợn để thịt” hướng tới những người khao khát tình yêu và đã trở nên phổ biến khắp thế giới, theo Tổ chức Chống lừa đảo toàn cầu. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ nhận định rằng từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các hình thức lừa đảo trực tuyến cũng nở rộ. Trong năm 2021, tổng số tiền mà các nạn nhân báo mất là 547 triệu USD, tăng gần 80% so với năm 2020.