WHO kêu gọi người dân không nên hoarg sợ dù biến thể Omicron dễ lây truyền. (Nguồn: AFP) |
Phát biểu tại một cuộc họp của Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sỹ), ông Lindmeier cho biết, WHO vẫn đang nghiên cứu khả năng lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của biến thể mới Omicron.
Ông nói: “Chúng tôi khuyến nghị các nhà sản xuất vaccine bắt đầu lập kế hoạch và chuẩn bị cho khả năng phải điều chỉnh công thức vaccine ngừa Covid-19 hiện có. Không nên đợi đến khi tiếng chuông cảnh báo cuối cùng vang lên”.
Theo WHO, tính đến ngày 3/12, thế giới chưa có ca tử vong nào liên quan Omicron, mặc dù số ca nhiễm biến thể này ngày càng gia tăng tại nhiều nước.
Người phát ngôn của WHO nêu rõ: "Chúng tôi đang thu thập tất cả dữ liệu và chúng ta sẽ tiếp tục có thêm nhiều bằng chứng hơn nữa nếu phối hợp cùng nhau. Càng nhiều quốc gia tiếp tục tiến hành xét nghiệm kỹ càng, chúng ta sẽ càng phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh hơn, có được nhiều thông tin hơn".
Hiện vẫn còn nhiều bí ẩn mà giới khoa học chưa thể giải mã về Omicron - biến thể được Nam Phi công bố ngày 25/11 vừa qua và đã lây lan ra ít nhất 20 quốc gia.
Trong ngày 3/12, nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan cho biết, Omicron rất dễ lây truyền, nhưng mọi người không nên hoảng sợ.
Trả lời phỏng vấn báo giới, bà Swaminathan cho biết, các nước nên có những biện pháp ứng phó "phù hợp và thận trọng", không nên lo lắng thái quá khi đối mặt biến thể mới, do "chúng ta đang ở trong một tình huống khác với năm trước”.
Theo bà Swaminathan, thế giới hiện đã được phòng vệ tốt hơn nhiều với sự ra đời của vaccine ngừa Covid-19.
WHO đã kêu gọi các quốc gia tăng cường năng lực chăm sóc y tế và tăng tốc tiêm chủng cho người dân để bảo vệ họ trước nguy cơ lây nhiễm Omicron. Cơ quan này nhấn mạnh, việc hạn chế du lịch giữa các quốc gia có thể làm giảm đà lây lan của biến thể này, song không thể giải quyết triệt để vấn đề.
Theo nhà khoa học hàng đầu của WHO, cơ quan này "đang chuẩn bị cho tất cả các tình huống", trong đó bao gồm cả việc tiêm mũi tăng cường của vaccine ngừa Covid-19, đặc biệt đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, hoặc điều chỉnh các vaccine hiện có.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) Andrea Ammon mới đây đã đưa ra khuyến nghị về cách “tiếp cận đa tầng”, bao gồm vaccine, giữ khoảng cách và thông gió đầy đủ cùng với việc xét nghiệm Covid-19 và cách ly những người trở về từ các nước đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể này.
Theo bà, những người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 nên khẩn trương đi tiêm chủng, những người trên 40 tuổi nên được tiêm nhắc lại (mũi thứ ba) và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa khác.
Về các lệnh hạn chế đi lại với những nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omircon, bà Ammon cho rằng, các nước cần “xem xét cẩn thận” và nên tiến hành kiểm tra y tế cũng như yêu cầu cách ly khi nhập cảnh.
Trước đó, ECDC đã cảnh báo biến thể Omicron có thể chiếm hơn một nửa số ca mắc Covid-19 ở các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) trong những tháng tới. Tính đến chiều ngày 2/12, tại 27 nước EU đã ghi nhận tổng cộng 352 ca nhiễm Omicron.