TIÊU ĐIỂM ĐỜI SỐNG

Bình Dương: Hàng trăm mảnh đời cơ nhỡ cần thêm sự tiếp sức từ cộng đồng

Admin

Nhiều mái ấm ở Bình Dương đang là ngôi nhà thứ 2 của hàng trăm em bé khuyết tật và những em bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng. Dù nỗ lực hàn gắn lại mất mát, đau thương cho những mảnh đời cơ nhỡ, các mái ấm vẫn cần thêm sự tiếp sức từ cộng đồng.

Mái ấm của những mảnh đời cơ nhỡ

Mái ấm Huỳnh Tiểu Hương, tên gọi thân thương của Trung tâm Nhân đạo Quê Hương ở phường Tân Đông Hiệp (TP. Dĩ An) là tổ chức phi lợi nhuận, thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Cô và trò ở Mái ấm Huỳnh Tiểu Hương (TP.Dĩ An, Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Hàng trăm mảnh đời đang sống tại Mái ấm Huỳnh Tiểu Hương cũng là hàng trăm cảnh ngộ bất hạnh khác nhau. Nhiều đứa trẻ đến đây khi mới lọt lòng nhờ được thấy từ trên vỉa hè nào đó trong khu công nghiệp, trên bãi cỏ hoang, có khi trong thùng rác. Lại có nhiều bé bị cha mẹ chối bỏ khi bị khuyết tật.

Bé Huỳnh Tiểu Na, sinh 2013 là một trong số đó. Em bị bỏ rơi khi mới 2 ngày tuổi. Những tấm lòng trắc ẩn đã đưa em về mái ấm của mẹ Huỳnh Tiểu Hương. Em ở đây, ăn học, lớn lên và gắn bó với những mảnh đời bất hạnh khác như như anh em ruột thịt.

Na kể, em cố gắng học thật giỏi để sau này lớn lên phụ giúp lại cho mái ấm. Môn học mà Na thích nhất là tiếng Anh.

Vì thỉnh thoảng, có những đoàn thiện nguyện cả trong và ngoài nước vẫn đến đây dạy kèm. Nhưng những tiết học như thế không kéo dài. "Em rất muốn học tiếp nhưng mẹ Hương nói ráng đợi thêm ít hôm", Na nói.

Nhiều trẻ em bất hạnh được cho ăn học, lớn lên và gắn bó với những mảnh đời bất hạnh khác như như anh em ruột thịt ở mái ấm Huỳnh Tiểu Hương. Ảnh: Trần Khánh

"Mẹ" là cách hàng trăm đứa trẻ ở Trung tâm Nhân đạo Quê Hương gọi bà Huỳnh Tiểu Hương, người sáng lập và điều hành mái ấm.

Bà Hương cho biết, mái ấm đang nuôi dưỡng 346 em nhỏ bất hạnh. Tại đây, các em được chăm sóc và cho đi học đầy đủ. Các em không có điều kiện học chữ tiếp thì mái ấm tạo điều kiện cho học nghề.

Bà Hương kể: "Khi có thêm điều kiện, chúng tôi sẽ tìm thuê giáo viên dạy ngoại ngữ thường xuyên cho các con. Hiện tại, khó khăn lớn nhất của mái ấm là tài chính vì tất cả đều tự túc. Nhiều khi không kịp đóng học phí, nghĩ mà thương, sợ các bé bị tủi thân".

Nhưng dù khó khăn mấy, vẫn phải lo cho các bé đầy đủ. "Vì thế, những món quà và kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng/tháng của Tập đoàn Tân Hiệp Phát là nguồn động viên rất lớn với mái ấm", bà Hương tâm sự.

Nhiều trẻ em bất hạnh được cho ăn học, lớn lên và gắn bó với những mảnh đời bất hạnh khác như như anh em ruột thịt ở mái ấm Huỳnh Tiểu Hương. Ảnh: Trần Khánh

Đồng hành chia sẻ yêu thương

Tại Mái ấm Tình mẹ ở phường Hưng Định (TP.Thuận An), bé Nguyễn Ngọc Phước Hùng, 3 tuổi, bị cha mẹ bỏ rơi trước cửa nhà thờ Chánh tòa ở Thủ Dầu Một khi mới lọt lòng. Hùng được các nữ tu đưa về chăm sóc và nuôi dưỡng từ đó đến nay.

Mái ấm Tình mẹ ở phường Hưng Định (TP.Thuận An) có tổng 90 bé từ sơ sinh tới 20 tuổi. Ảnh: Trần Khánh


Bà Hồ Thị Thu Thúy - Phụ trách mái ấm cho biết, nơi đây có tổng 90 bé từ sơ sinh tới 20 tuổi. Mái ấm có 9 mẹ phụ trách và nhiều sơ khác đang phục vụ thiện nguyện.

Bà Thúy kể, công việc của các sơ bắt đầu từ sáng sớm đến tối mịt. Chỉ có tình yêu thương con trẻ vô bờ mới giúp mọi người vượt qua khó nhọc. Vì các em bé ở mỗi độ tuổi lại có những vất vả khác nhau.

Cũng ở phường Hưng Định (TP. Thuận An), Mái ấm cha Hiến đang nuôi dưỡng 82 bé. Trong đó, có 60 em dưới 15 tuổi. Phần lớn các bé đến từ các tỉnh Tây Nguyên.

Mới đây, Tập đoàn Tân Hiệp Phát (Bình Dương) đã đến thăm hỏi Mái ấm Huỳnh Tiểu Hương, Mái ấm Tình Mẹ và Mái ấm Cha Hiến. Đoàn đã trao tặng bảo trợ hàng tháng gồm tiền mặt và các sản phẩm nước giải khát tới các mái ấm.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình bảo trợ hàng tháng cho 11 mái ấm tại Bình Dương và TP.HCM. Chương trình có tổng giá trị hỗ trợ 200 triệu đồng mỗi tháng.

Ông David Charles Riddle - CEO của Tập đoàn Tân Hiệp Phát trao quà cho các trẻ em bất hạnh. Ảnh: Trần Khánh

Ông David Charles Riddle - CEO của Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, trẻ em luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của Tập đoàn trong các hoạt động trách nhiệm xã hội của mình.

Không chỉ hỗ trợ về tài chính và vật chất, chúng tôi cố gắng mang tới sự quan tâm về tinh thần, sự thăm hỏi trực tiếp để động viên các trẻ vươn lên.

Theo ông David, hoạt động thiện nguyện không chỉ đơn thuần là hỗ trợ về tài chính và vật chất. Các chương trình còn hướng đến sự quan tâm trực tiếp về mặt tinh thần, mang tính dài hơi, xuyên suốt.

"Thông qua sự thăm hỏi trực tiếp, chúng tôi có dịp động viên, mong muốn các em luôn lạc quan hướng về tương lai, vượt mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu để đạt ước mơ và trở thành người có ích", ông David nói.

Cũng chính trong ý nghĩa đó, tập đoàn tổ chức cho con em của cán bộ công nhân viên của mình cùng đến thăm, giao lưu với các bạn nhỏ ở các mái ấm. "Tất nhiên, nỗ lực của riêng chúng tôi là không đủ. Hàng trăm mảnh đời cơ nhỡ đang cần thêm sự tiếp sức từ cộng đồng", ông David.