ĐỜI SỐNG

Bình Dương: Một bản án còn nhiều tình tiết khuất tất?

Admin

Như một số tờ báo đã phản ảnh, sau khi TAND tỉnh Bình Dương ra phán quyết phúc thẩm, gia đình ông Nguyễn Văn Minh cho rằng, có nhiều điểm chưa thuyết phục nên đã làm đơn đề nghị TAND TC xem xét lại...

Vi phạm tố tụng?

Theo đó, ông Nguyễn Văn Minh, trú tại tổ 6, khu phố 5, phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cho biết, vào ngày 20/7/2010, ông cùng vợ (bà Trần Thị Út) và bà Nguyễn Thị Số cùng làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ngày 21/7/2010 hợp đồng chuyển nhượng trên được UBND phường Uyên Hưng chứng thực với toàn bộ thửa 309 tờ bản đồ số 42. Ngày 19/8/2010, ông Minh được UBND huyện Tân Uyên (nay là thị xã Tân Uyên) cấp GCNQSDĐ đất theo đúng trình tự thủ tục.

Tuy nhiên, ngày 6/2/2012, con gái bà Số (chị Trương Thanh Phượng, SN 1990) đại diện cho mẹ làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Tân Uyên. Sau lần xét xử sơ thẩm đầu tiên bị cấp phúc thẩm huỷ án, đến tháng 4 năm 2019, Tòa án nhân dân Thị xã Tân Uyên tiến hành xét xử sơ thẩm lần 2. Tại bản án số 07/2019/DS-ST ngày 02 tháng 4 năm 2019 đã quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Trương Thanh Phượng là người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Số đối với ông Nguyễn Văn Minh, bà Trần Thị Út về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất.

Đồng thời chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Nguyễn Văn Minh, bà Trần Thị Út đối với nguyên đơn bà Nguyễn Thị Số: Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 21/7/2010 giữa bà Nguyễn Thị Số và ông Nguyễn Văn Minh, bà Trần Thị Út về việc chuyển nhượng diện tích đất thửa 309 tờ bản đồ số 42 tại phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương…

Về bản án sơ thẩm, ông Nguyễn Văn Minh cho rằng toà đã phân tích đúng sai trên cơ sở chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, tuy nhiên sau khi vụ việc được tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đem ra xét xử phúc thẩm thì gia đình ông không hoàn toàn đồng tình với bản án, vì cho rằng có quá nhiều vấn đề khúc mắc, cần làm rõ.

Thửa đất đang tranh chấp

Trong đó có việc, ông Minh cho rằng Tòa phúc thẩm đã không đánh giá chứng cứ có trong hồ sơ vụ án theo điều 108 luật tố tụng dân sự 2015 một cách khách quan. Cụ thể, tại dòng 26 trang 13 mục 6 của bản án Phúc thẩm số 266/2019/DS-PT ở phần nhận định tòa án nhận định rằng: Các văn bản số 702 ngày 28/8/2019 của Trung tâm Phát triển Qũy đất tỉnh Bình Dương; Văn bản số 247/TTPTQĐ-HC ngày 18/7/2019 của Trung tâm Phát triển Qũy đất thị xã Tân Uyên và số 2778/PTNMT-ĐĐ ngày 01/11/2019 của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Tân Uyên đã xác định toàn bộ thửa đất số 309 của bà Số nằm trong 2 dự án làm đường mới ĐT 746 nối dài từ đoạn dốc cây Quéo đến điểm giao với đường Thủ Biên – Cổng Xanh và dự án xây dựng đường từ ngã ba Mười Muộn đi ngã ba Tân Thành, diện tích thửa 309 có tranh chấp bị thu hồi 445,3m2 (diện tích theo giấy chứng nhận là 420m2). Tuy nhiên, đến phần quyết định thì lại cho rằng: Thửa đất 309, tờ bản đồ số 42 tại phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, tình Bình Dương do ông Nguyễn Văn Minh, bà Trần Thị Út đứng tên theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số vào sổ: CH 00393 cấp ngày 19/8/2010; hiện nay thửa đất 309 thuộc dự án quy hoạch giao thông, thuộc trường hợp bị thu hồi toàn bộ. Rõ ràng các văn bản trên chỉ ghi phần diện tích thu hồi và không thu hồi hết diện tích, nhưng toà tuyên thu hồi toàn bộ.

Kết luận của tòa không khớp với thực tế?

Ông Minh cho rằng, tòa phúc thẩm nhận định một đằng nhưng quyết định lại có phần mâu thuẫn, bởi trong hồ sơ vụ án không có cơ sở chứng cứ nào xác định hay kết luận rằng diện tích tranh chấp bị là bị thu hồi toàn bộ và cũng không có căn cứ nào nói diện tích hu hồi là 445.3m2. Kết luận trên không đúng với thực tế quyền sử dụng đất thực tế tại các bút lục BL475 và BL462,461 và các văn bản trả lời của các cơ quan chuyên môn.

Theo đó, tại dòng 13-16 trang 5 bản án sơ thẩm số 07/2019/DS-ST ngày 2/4/2019 ghi: Hiện nay, một phần thửa đất tranh chấp thuộc dự án làm mới đường…Còn tại văn bản số 702/TTPTQĐ-BTGPMB ngày 28/8/2019 của trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Dương có đoạn: 214,6m2 (trong đó có 71m2 đất ODT, 92.9m2 đất nông nghiệp cây lâu năm, 50.7m2 đất hàng lang an toàn đường bộ) và 12.6m2 đất trồng cây lâu năm thuộc một phần thửa đất 309 tờ bản đồ số 42 đang phát sinh tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bên nguyên đơn bà Nguyễn Thị Số với bên bị đơn là ông Nguyễn Văn Minh, bà Trần Thị Út với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Ngô Văn Quờn bà Nguyễn Thị Nhỏ thuộc 1 phần thửa đất 309 nằm trong dự án xây dựng đường từ ngã ba Mười Muộn đi ngã ba Tân Thành.

Hiện nay, mọi việc càng rõ ràng hơn khi Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Tân Uyên đã xác định phần diện tích còn lại sau khi thu hồi có diện tích là 36,7m2 tại công văn số 3087/CNTU-LT ngày 07/11/2022 đã chứng minh thêm rằng toà án tuyên toàn bộ diện tích thửa 309 tờ bản đồ số 42 bị thu hồi toàn bộ là hoàn toàn trái với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Minh cũng cho rằng, kết luận của tòa Phúc thẩm nhưng không có chứng cứ trong hồ sơ vụ án và cũng không có ý kiến trả lời của các cơ quan chuyên môn cũng không có đương sự nào yêu cầu.

Cụ thể, tại dòng 15-17 của bản án tòa tuyên: Giá trị quyền sử dụng đất (gồm đất nông nghiệp và đất ở) còn lại của thửa đất 309 (diện tích thực tế do cơ quan có thẩm quyền xác định) và tài sản trên đất của bà Nguyễn Thị Số và gia đình bà Số được nhận tiền bồi thường; gia đình bà Số được hưởng quyền lợi (tái định cư) của người có nhà, đất bị thu hồi theo quy định của pháp luật.

Ông Minh Bức xúc: “Toà tuyên gia đình bà Số được hưởng quyền lợi (tái định cư) của người có nhà đất bị thu hồi theo quy định của pháp luật. Trong khi đó không có đương sự nào yêu cầu giải quyết việc tái định cư là vượt quá yêu cầu khởi kiện. Điều khó hiểu nữa là, cùng được toà phúc thẩm chia đất ở và đất nông nghiệp như nhau, trong khi bà Nguyễn Thị Số thì được toà án phán quyết được tái định cư còn chúng tôi thì không, mặc dù trong hồ sơ vụ án không có căn cứ nào nói về việc tái định cư cho đương sự. Và không có văn bản nào của cơ quan chuyên môn xác định bà Số đủ điều kiện tái định cư. Mặt khác việc xác định điều kiện tái định cư không phải nhiệm vụ của toà án và cũng không có đương sự nào yêu cầu”. Hơn nữa việc diện tích thửa 309 tờ bản đồ số 42 chỉ thu hồi một phần, thì phần diện tích còn lại phải chia đều 2 bên nhưng bà Số vừa được tái định cư theo phán quyết của toà vừa được hưởng phần diện tích còn lại sau khi thu hồi là bất hợp lý.

Theo đó, việc xem xét điều kiện bồi thường, giá trị bồi thường, điều kiện tái định cư, bồi thường bằng tiền hay bồi thường bằng việc giao đất là do hội đồng bồi thường và các cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện/ tỉnh thực hiện theo quy định tại quyết định 51/QĐ-UBND ngày 18/12/2014 của UBND Tỉnh Bình Dương.

Mâu thuẫn hơn, sau khi bản án được tuyên, dù nguyên đơn và bị đơn được toà tuyên hưởng diện tích quyền sử dụng đất tương đương nhau nhưng Bà Số được hưởng tất cả các quyền của người có đất bị thu hồi bao gồm cả quyền tái định cư (được tái định cư nhưng thu hồi không phải thu hồi trắng và phần đất còn lại không thu hồi vẫn được tiếp tục sử dụng) trong khi đó ông Minh bà Út chỉ được chia tiền lấy từ số tiền bồi thường cho bà Số và cũng không được biết gì về chính sách bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Minh, Việc làm trên không bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật tại điều 74 luật đất đai 2013.

Việc bản án phúc thẩm còn quá nhiều mâu thuẫn nêu trên đã rõ nhưng còn nhiều mâu thuẫn hơn sau khi bản án được tuyên. Sau khi bản án phúc thẩm được UBND thị xã Tân Uyên không tiến hành mời các bên đương sự lên để xác định diện tích bị thu hồi và các chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Mà tiến hành làm việc đơn phương với ông Thái Thanh Hải (là luật sư với vai trò là đại diện theo uỷ quyền của bà Phượng con bà Số) và toà án (không có sự tham gia của gia đình ông Minh) để xác định giá trị bồi thường cho bà Số, cấp đất tái định cư cho bà Số, phần diện tích không bị thu hồi đang tiến hành thủ tục cấp lại giấy chứng nhận cho bà Số. Sau đó mới chia tiền bà Số được bồi thường cho ông Minh theo diện tích mà toà tuyên (nhưng chỉ chia tiền, còn quyền lợi tái định cư và phần diện tích còn lại sau khi thu hồi bà Số mặc nhiên được hưởng). Ông Minh cho rằng, số tiền mà ông Minh được hưởng bị tác động rất lớn khi vị trí đất thay đổi, loại đất thay đổi; hơn nữa giá đất bồi thường năm 2020 nhưng được áp theo giá đất 2012 là hoàn toàn trái với các quy định hiện hành làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Ông Minh. Bên cạnh việc bản án dân sự phúc thẩm có nhiều điều bất hợp lý đã được ông Minh gởi đơn đề nghị giám đốc thẩm ở cấp trên, việc xác định bồi thường không hợp lý và bất công cũng đã được ông Minh khởi kiện tại toà án Nhân dân tỉnh Bình Dương với mong muốn được xem xét thấu đáo, tránh phức tạp về sau.

Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, luật sư Trần Đình Dũng thuộc Đoàn luật sư Tp Hồ Chí Minh cho biết: Toà án chỉ giải quyết những yêu cầu mà đương sự có yêu cầu theo nguyên tắc quyền quyết định của đương sự. Tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, qui định “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

Nếu như Toà án xét xử vượt ra ngoài phạm vi yêu cầu của đương sự thì đó được xem là vi phạm nghiêm trọng tố tụng dân sự. Trong trương hợp này, Toà cấp trên và Viện kiểm sát nhân dân trong thời hạn luật định cần xem xét để kháng nghị huỷ bản án nếu bản án đó đã có hiệu lực pháp luật. Phía đương sự cũng có quyền gửi thông báo việc vi phạm đến người có thẩm quyền giải quyết xem xét lại việc vi phạm tố tụng.

Phương Nam (tổng hợp)