Ngày 9/12/2019, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 3163/QĐ-UBND cho phép Công ty Cổ phần Khoáng sản Thuận Phong (địa chỉ 79 đường 1F khu nhà Melosa Khang Điền, phường Phú Hữu, quận 9, TP Hồ Chí Minh) được nạo vét kết hợp tận dụng cát bồi lắng trong lòng hồ đập dâng Tà Pao, xã La Ngâu, huyện Tánh Linh, Bình Thuận.
Mục tiêu của dự án là nạo vét làm tăng dung tích nước của lòng hộ đập dâng, kết hợp tận dụng cát bồi lắng để tránh lãng phí tài nguyên, đáp ứng nhu cầu cát xây dựng đang thiếu hụt tại địa phương. Phạm vi cấp phép hoạt động của dự án 22,5ha. Trong đó chiều dài 6.820m dọc theo sông La Ngà, chiều rộng trung bình 22m, diện tích 3 bãi chứa là 7,5ha.
Theo Quyết định số 3163/QĐ-UBND, thời gian thực hiện nạo vét tối đa 5 năm, phương pháp nạo vét lộ thiên và khối lượng nạo vét là 180.048m3. Khi phóng viên tới địa điểm khai thác thì tận mắt chứng kiến có đến 7 tàu công suất lớn đang hì hục thộc “vòi rồng” xuống lòng hồ hút cát. Địa điểm tàu hút cát nằm áp sát gần bờ hồ Tà Pao. Những phương tiện này hoạt động hết công suất suốt ngày đêm.
Không những thế, tại 3 bãi tập kết của Công ty Thuận Phong được cấp phép, hoàn toàn không có máy móc thực hiện việc khơi thông, nạo vét lòng hồ, mà chỉ xuất hiện 3 đống cát khối lượng hàng ngàn m3 được tập kết. Mặc dù có camera giám sát và có trạm cân nhưng theo nhìn nhận của chúng tôi thì chỉ mang tính chất đối phó bởi có đến 3 bãi tập kết nhưng công ty này chỉ lắp đặt một trạm cân ở bãi số 3, 2 bãi gần đó không có trạm cân.
Một người sinh sống gần đó cho biết, tàu của Công ty Thuận Phong hoạt động khai thác gần như 24/24h, với 5-7 tàu, thậm chí có khi lên tới 10 tàu hút cát. Mỗi ngày xe tải ra vào vận chuyển cát nối đuôi nhau liên tục tỏa đi các hướng không chỉ phục vụ cho địa phương mà còn chở ra ngoài địa bàn như Xuân Lộc, Lâm Đồng… tiêu thụ.
Theo một chủ mỏ khai thác cát: Nếu làm một phép tính đơn giản, mỗi năm Công ty Thuận Phong được phép khai thác 36.000m3 cát. Như vậy, mỗi tháng chỉ khai thác được 3.000m3. “Với khối lượng khai thác 3.000m3/tháng, thì với 3 tàu hút cát của Công ty Thuận Phong, chỉ cần 3-5 ngày là khai thác đủ chỉ tiêu”.
Trước đó, Công ty Thuận Phong đã bị UBND tỉnh Bình Thuận đình chỉ khai thác một thời gian dài, đến cuối tháng 11/2021, ông Giáp Hà Bắc - Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh có Công văn số 2153 ý kiến về hoạt động nạo vét kết hợp tận thu khoáng sản của Công ty Thuận Phong gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Thuận.
Nội dung đề xuất, UBND huyện khẳng định: Tại thời điểm kiểm tra ngày 13/10/2021 do Sở NN&PTNN chủ trì, cùng các sở, ngành và đại diện UBND huyện Tánh Linh có ghi nhận thực tế Công ty Thuận Phong đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu của UBND tỉnh và yêu cầu của các sở, ngành như: Đã lắp đặt 9 camera giám sát tại 3 bãi tập kết; 1 trạm cân lắp đặt tại bãi tập kết số 3, có đường lên xuống trạm cân. Về phương tiện nạo vét trên thực địa đúng với số lượng phương tiện công ty đã đăng ký gửi về Sở NN&PTNN. Cụ thể, có 3 tàu hút cát, 3 xe múc cát và 2 xe ben; đã thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường…
Có đến 5 tàu đang thực hiện việc hút cát |
Theo đó, ngày 31/12/2021, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có Công văn số 5008 đồng ý cho Công ty Thuận Phong tiếp tục thực hiện nạo vét, tận thu cát bồi lòng hồ Tà Pao.
“Từ khi Công ty Thuận Phong được phép trở lại hoạt động, mức độ hoạt động rất khủng khiếp. Dự án nói nạo vét nhưng không thấy đơn vị cho máy vào nạo vét mà chủ yếu các “vòi bạch tuộc” trên tàu thộc sâu xuống lòng hồ hút cát. Càng hút thì càng sạt lở, nhiều diện tích hoa màu bị xâm lấn, buộc chúng tôi phải bán ruộng cho Công ty Thuận Phong để họ khai thác, vì không bán đi một ngày không xa người dân chúng tôi cũng mất đất”, một người dân bức xúc.
Ông Đặng Công Khanh - Chủ tịch UBND xã La Ngâu cho biết: “Công ty có giấy phép, đợt rồi ngưng nhưng mới đây được cho khai thác lại. Chính quyền xã không có quyền xuống kiểm tra hoạt động của công ty mà chỉ lâu lâu xuống kiểm tra các điểm khai thác xem có bị sạt lở hay không”.