ĐỜI SỐNG TIÊU ĐIỂM

Bộ Công an khuyến cáo người dân phân biệt "pháo nổ" và "pháo hoa" để tránh vi phạm pháp luật

Admin

Bộ Công an cho biết Nghị định 137/2020 của Chính phủ đã có sự phân biệt rõ ràng giữa pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa. Việc sử dụng pháo phải tuân thủ những điều kiện, quy định cụ thể, các loại pháo nào được phép sử dụng đang là vấn đề được nhiều người dân quan tâm.

Bộ Công an cho hay, gần đến thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, những vi phạm pháp luật về pháo diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép. Đây là các hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường.

Chỉ tính riêng từ ngày 15/12/2022, sau 6 tuần thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các địa phương đã bắt giữ 588 vụ, 766 đối tượng, thu 16.570 kg pháo; trong đó có 17 vụ, 29 đối tượng chế tạo, sản xuất pháo trái phép thu 252,7 kg pháo.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo, nhưng gần Tết, nhiều thanh thiếu niên vẫn mua nguyên liệu thuốc nổ trên mạng xã hội rồi học cách tự chế pháo để sử dụng trái phép, gây ra hậu quả khôn lường.

Điển hình vào ngày 25/12/2022, tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, 5 học sinh đặt mua các hóa chất làm pháo nổ qua mạng xã hội và tự chế tạo pháo để bán. Quá trình thực hiện đã gây ra nổ lớn, làm 2 em tử vong và 1 em bị thương nặng.

Ngày 4/1/2023, lực lượng Công an xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 6 thanh thiếu niên (tuổi đời từ 13 đến 15 tuổi) đều trú tại xã Đắk Nia có hành vi tàng trữ, chế tạo pháo trái phép, thu giữ 45 quả pháo cùng một số vật dụng liên quan...

Các đối tượng vận chuyển 90 kg pháo nổ trái phép bị Công an Đồng Nai phát hiện, bắt giữ vào ngày 29/12/2022.

Bộ Công an nhấn mạnh, theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (có hiệu lực từ ngày 11/01/2021), người dân cần phân biệt rõ ràng giữa pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa.

Đối với pháo nổ (bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ), đây là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ. Các loại này bị nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, hoặc chiếm đoạt, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng giao theo quy định.

Còn đối với pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng. Với loại này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì có thể mua loại pháo này tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (thuộc Bộ Quốc phòng) để sử dụng dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi...

Để tránh vướng lao lý hoặc xảy ra sự cố liên quan đến các loại pháo trái phép, Bộ Công an khuyến cáo mọi người không nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp được cho phép).

Đối với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng, người dân chú ý khi dùng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự, sử dụng khi được phép, bảo đảm an toàn và chỉ mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh theo quy định.

Theo Bộ Công an, nếu người dân phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm quy định về phòng, chống pháo nổ, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định.

Lượng pháo tự chế bị lực lượng chức năng thu giữ.

Từ xử phạt hành chính tới xử lý hình sự

Bộ Công an cho biết, các hành vi vi phạm về pháo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013 của Chính phủ. Mức tiền phạt thấp nhất là 500.000 đồng, mức tối đa là 40.000.000 đồng.

Cụ thể, lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng pháo hoa không còn giá trị sử dụng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; sử dụng các loại pháo mà không được phép bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;

Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép các loại pháo bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Bên cạnh bị phạt tiền, toàn bộ số pháo là tang vật sẽ bị tịch thu theo quy định. Nếu đốt pháo nổ, pháo hoa nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản do hành vi đốt pháo gây ra.

Các hành vi phạm tội liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo có thể sẽ bị xử lý hình sự theo các tội quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015...