KINH TẾ

Bộ trưởng Nông nghiệp: Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn

Admin

"Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, đều của người nông dân làm ra", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu giải pháp.

Chiều 13/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế - xã hội (diễn ra trong 2 ngày 13 và 15/6).

Sáng cùng ngày, khi nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội bắt đầu đã có 90 đại biểu đăng ký phát biểu. Kết thúc buổi sáng, có 26 đại biểu phát biểu và 3 đại biểu tham gia tranh luận.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị trong buổi chiều, các đại biểu phát biểu giảm bớt các vấn đề đã trùng lặp.

Bộ trưởng Nông nghiệp: Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn

Giải trình trước trước Quốc hội về vấn đề giá thịt lợn cao sau nhiều câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết dịch tả lợn châu Phi hoành hành khiến xấp xỉ 6 triệu con lợn bị tiêu hủy trong nước là nguyên nhân cơ bản làm biến động giá. “Quy luật cung cầu chưa gặp nhau thì giá tăng”, ông Cường nói.

Theo kế hoạch phục hồi đàn, đến quý IV/2020, đàn lợn trong cả nước sẽ đạt số lượng 31 triệu con như trước khi bị dịch. Bộ trưởng cho biết ngành nông nghiệp đang tập trung đẩy nhanh quá trình tái đàn, tuy nhiên việc khôi phục đàn lợn phải bền vững khi nguy cơ dịch tả lợn quay lại rất cao.

Một vấn đề theo người đứng đầu ngành nông nghiệp là giá lợn giống hiện nay rất đắt và cần cơ chế hỗ trợ các hộ chăn nuôi. Ông đề nghị các địa phương có thể hỗ trợ người nông dân về vấn đề lợn giống. Ngoài ra, Bộ trưởng Cường cho rằng phải tập trung tuyên truyền để người dân lựa chọn thực phẩm đa dạng.

“Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, cũng đều của người nông dân làm ra. San sẻ các nhóm thực phẩm vừa tốt, vừa không gây áp lực lên một ngành hàng”, ông Cường nói.

Kết luận vấn đề, ông nhấn mạnh 3 nhóm giải pháp để giá thịt lợn không còn cao gồm tập trung tái đàn nhanh, khuyến cáo lựa chọn thực phẩm đa dạng, tăng cường kiểm soát khâu thương mại để không xảy ra hiện tượng trục lợi tăng giá. “Từng bước cố gắng để giá thịt lợn xuống mức hợp lý, làm sao cung cầu càng gặp nhau sớm, giá càng phù hợp nhất”, Bộ trưởng Cường phát biểu.

Đề nghị nghiên cứu thực tiễn sâu hơn khi xây dựng pháp luật

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, triển khai đúng tiến độ các dự án trên địa bàn đồng bằng Sông Cửu Long theo kế hoạch đã phê duyệt, sớm hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 120. Nhắc đến quy định bật đèn xe máy cả ngày của ngành giao thông, bà cho biết cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu thực tiễn sâu hơn khi xây dựng pháp luật.

“Các ý tưởng, sáng kiến xây dựng pháp luật cần sát với đời sống xã hội hơn, hạn chế các quy định khập khiễng. Các cơ quan trình dự án luật cần quan tâm vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội liên quan để sửa đổi, ban hành kịp thời”, nữa đại biểu nói.

Cân nhắc nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) tranh luận về giải pháp nới lỏng chính sách tài khoá như giãn thuế, ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỷ và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng như chiết khấu, tái chiết khấu và cấp vốn… nên thị trường lãi suất vừa qua đang được điều chỉnh theo theo hướng giảm.

Theo đánh giá của ông Tuấn, do ảnh hưởng của đại dịch, sự hấp thụ của nền kinh tế còn rất yếu thông qua chỉ tiêu và tăng trưởng tín dụng, mở rộng sản xuất. Vì vậy, việc thực hiện nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ song song cần có lộ trình phù hợp với sự hấp thụ của nền kinh tế, đảm bảo chỉ tiêu vĩ mô, đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế.

Nhiều vùng chỉ là các “câu lạc bộ vui vẻ”

Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Bắc Giang) đề cập nhiệm vụ “chuẩn bị cho tương lai” - quy hoạch và lập quy hoạch. Theo bà, quy hoạch là công cụ quan trọng của quản lý Nhà nước, đồng thời là cơ sở để các cấp, các ngành xây dựng chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư.

Đặc thù của xây dựng hoạch lần này là các cấp tiến hành đồng thời trong khi nguyên tắc quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên. Việc này sẽ gây khó khăn cho các địa phương. “Đây là một khó khăn, thách thức bởi xây dựng quy hoạch cấp tỉnh trong khi chưa có quy hoạch vùng, quốc gia. Mặt khác, Trung ương đang tính toán phân chia lại các vùng trong cả nước”, bà Hồng nói.

Song, nữ đại biểu đặt vấn đề làm sao tạo ra liên kết vùng để phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Các địa phương hỗ trợ nhau để tránh tình trạng nhiều vùng hiện nay chỉ là các “câu lạc bộ vui vẻ”. Từ đó, bà Hồng đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh quy hoạch vùng, quốc gia; chỉ đạo các bộ, ban, ngành ban hành khung định hướng phát triển quốc gia để các địa phương có cơ sở khi triển khai quy hoạch tỉnh.

Đồng thời, bà đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ phân vùng để tạo không gian phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ mới. “Cần thiết có thể mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng, đảm bảo sự gắn kết với các địa phương, lan toả động lực phát triển”, nữ đại biểu Bắc Giang góp ý.

Đại biểu không được vô cảm với nhân dân

Đại biểu Hoàng Đức Thắng của đoàn Quảng Trị nhấn mạnh diễn đàn Quốc hội là diễn đàn của nhân dân mà đại biểu là người đại diện. Đại biểu không được vô cảm với nhân dân, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

“Tôi dẫn các vụ án gây xôn xao dư luận và hoài nghi trong nhân dân là có thật. Tôi không đánh giá việc xử lý đúng hay sai. Đây phải chăng là thông điệp, kiến nghị để ngành tòa án, các cơ quan tư pháp rà soát lại có đúng như dư luận hay không. Nếu không đúng thì đó là điều hạnh phúc. Nếu chưa tốt thì phải làm cho tốt để thông tin lại cho dân”, ông Thắng phát biểu.

Nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ để phục hồi kinh tế

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) kiến nghị Chính phủ sớm báo cáo Quốc hội xem xét, điều một số chỉ tiêu của năm 2020 cho phù hợp với thực tiễn trước khó khăn về kinh tế, ngân sách do tác động của dịch Covid-19. Ông đồng thời đề nghị cần nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống cho bộ phận người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đại biểu Tiến cũng nêu ý kiến cần đẩy nhanh tiến độ tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ theo kế hoạch để không làm ảnh hưởng dự toán thu ngân sách 2020.

Theo đánh giá của người điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, chất lượng phát biểu nói chung khá tốt và tương đối toàn diện. Ông đề nghị chiều nay các đại biểu phát biểu sâu thêm về các vấn đề phiên thảo luận buổi sáng ít đề cập, giảm bớt các vấn đề đã trùng lắp.

Phó chủ tịch Quốc hội cho biết trong chiều nay, Đoàn Chủ tịch sẽ mời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ tham gia phát biểu.