Ngày 18/9/2020, chuyên trang Đầu tư tài chính Việt Nam dẫn lời đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đơn vị đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định số 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh Bất động sản, trong đó sẽ bổ sung làm rõ các nội dung của hợp đồng mua condotel.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, quyền và nghĩa vụ của người mua bất động sản là nhà, công trình xây dựng nói chung và bất động sản không phải là nhà ở, căn hộ nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn nói riêng được thực hiện theo các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về dân sự, pháp luật về đất đai.
Trước đó ngày 20/1/2020, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản hướng UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương để tăng cường quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh loại hình condotel.
Khó có thể cấp sổ đỏ cho condotel. |
Liên quan đến loại hình condotel, Bộ Xây dựng cũng từng có văn bản gửi tới sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn sử dụng đất đối với một số loại hình bất động sản mới và hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà, nhiều người cho rằng condotel sẽ được cấp sổ đỏ.
Khi nói về hướng xử lý vướng mắc pháp lý của condotel, ông Nguyễn Văn Đực - chuyên gia bất động sản cho rằng, cần phải đi vào bản chất của loại hình bất động sản này.
Nếu condotel được cấp "sổ đỏ" thì có thể dẫn tới nguy cơ, một căn được bán cho nhiều người. Điều này xảy ra rất nhiều tại các dự án căn hộ chung cư thì với condotel lại càng dễ xảy ra hơn.
Bởi khách hàng bỏ tiền mua condotel không thường xuyên ở tại căn hộ đó mà chỉ được chủ đầu tư sắp xếp lưu trú tại đó vài ngày trong năm theo cam kết, còn thời gian khác thì chủ đầu tư thuê đơn vị quản lý đứng ra vận hành.
Nếu "sổ đỏ" đó chỉ là giấy chứng nhận "viết tay" giữa chủ đầu tư và khách hàng thì điều này rất nguy hiểm. Còn nếu căn hộ condotel có được giấy chứng nhận do nhà nước cấp thì sẽ giải quyết được vấn này.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng, nếu cấp giấy chứng nhận công trình riêng cho từng căn condotel là không thể, vì khi đó vấn đề phap lý sẽ “rối như canh hẹ”.
Ông Tú cho biết thêm, condotel được đưa chung vào là công trình xây dựng không phải là nhà ở như các công trình khác. Điều này không có gì lạ bởi trên thực tế condotel không phải là nhà ở.
Như vậy, việc hướng dẫn cấp giấy chứng nhận cho condotel nêu trên không giải quyết được các vấn đề đảm bảo quyền lợi cho mà chỉ đảm bảo về mặt pháp lý dự án cho chủ đầu tư mà thôi.
Còn theo Bộ Công an, hiện nhiều địa phương không quản lý được hoặc buông lỏng xây dựng Codotel dẫn tới nhiều trường hợp chủ đầu tư mở bán dự án khi chưa đủ điều kiện, gây rủi ro cho người mua.
"Với tình hình này nếu cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho từng căn hộ sẽ phát sinh việc thế chấp quyền sở hữu tài sản tại các ngân hàng khác nhau, dẫn đến một tài sản được đảm bảo nhiều lần tại nhiều ngân hàng do hầu hết các dự án codotel đã thế chấp ngân hàng trước đó", đại diện Bộ Công an nêu.