Tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng...
... và tác phẩm bị phát hiện sao chép tại một khách sạn ở Sa Pa
Để đẩy lùi vấn nạn này, theo Thứ trưởng, cần quyết liệt, rốt ráo các giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài cũng như những giải pháp cấp thiết ngay trước mắt, không để mãi kéo dài thực trạng tranh thật- tranh giả lập lờ đánh lận như bấy lâu nay.
Biến tướng quá nhiều
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, vấn nạn tranh giả đang tồn tại như một “ung nhọt” làm tổn hại đến uy tín, danh dự của nền mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, để giải quyết vấn nạn này còn có quá nhiều thách thức, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các thành phần của thị trường mỹ thuật phải liên kết với nhau, quyết liệt, rốt ráo, hổng chỗ nào phải tìm giải pháp lấp chỗ đó.
Mảng đấu giá tranh đang bộc lộ nhiều mảng tối và đây cũng là khoảnh đất để tranh giả tiếp tục hoành hành. Lãnh đạo Bộ cho rằng, nếu không giải quyết được những vấn đề này thì sẽ rất khó phát triển được công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực mỹ thuật. Vì vậy, không thể thấy khó mà không làm. Có nhiều giải pháp dự kiến sẽ được tính đến như triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về đấu giá tranh, ở đó đưa ra những đánh giá tổng thể và các giải pháp nhằm từng bước khắc phục vấn nạn tranh giả.
Ông Hoàng Minh Đức, Trưởng Phòng Mỹ thuật (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTTDL) chia sẻ, thị trường mỹ thuật với sự tồn tại ngổn ngang của tranh giả, tranh nhái đang đặt ra quá nhiều thách thức cho công tác quản lý. Trong khi đó, các thành phần của thị trường này, bao gồm các nhà sưu tập, người chơi tranh, kể cả chủ sở hữu và tác giả tranh cũng chưa có nhận thức đầy đủ về vấn đề tôn trọng bản quyền. “Việc thẩm định thật- giả đối với tác phẩm mỹ thuật tại Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn khi người có nhu cầu thẩm định thì hiếm, quy trình thẩm định cũng chỉ chủ yếu bằng kinh nghiệm của các chuyên gia, thẩm định bằng mắt, kiến thức thủ công chứ chưa có sự tham gia nhiều của các phương tiện máy móc hiện đại, chuyên nghiệp. Điều đó ít nhiều khiến cho độ tin tưởng đối với công tác thẩm định chưa cao...”.
Đồng tình với nhận định thị trường tranh Việt đang tồn tại sự lập lờ trắng đen, thật giả, họa sĩ Ngô Quang Dương, Giám đốc Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh thuộc Bộ VHTTDL chia sẻ, việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giám định với vai trò như một “trọng tài” trong các hoạt động liên quan đến các lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng bức thiết của xã hội, song trên thực tế, trong hơn một năm sau khi ra đời, có hơn 10 trường hợp đã tìm đến Trung tâm rồi lại về. Lý do là họ không muốn thông qua việc giám định lại phát hiện mình đã bỏ tiền thật ra để mua tranh giả. Rất nhiều trong số những tranh được đưa đến Trung tâm được làm giả lộ liễu, nhìn qua bằng mắt cũng phát hiện ra chứ chưa cần đến sự hỗ trợ của máy móc.
“Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này bắt nguồn từ sự tồn tại của một thị trường tranh thiếu định hướng. Nhiều nhà sưu tập không am hiểu tường tận về mỹ thuật, họ chỉ biết đến tranh của các họa sĩ thời Đông Dương và cho đó là chuẩn mực duy nhất của nền mỹ thuật Việt, nhiều nhu cầu tập trung vào đó khiến cho mảnh đất làm tranh giả của các danh họa thời Đông Dương ngày càng màu mỡ, nuôi sống và làm giàu cho biết bao người”, họa sĩ Ngô Quang Dương nói.
Tác phẩm xâm phạm bản quyền sau đó đã bị huỷ
Tháo gỡ những nút thắt
PGS. TS Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường mỹ thuật Việt cần tập trung tháo gỡ 3 nút thắt mấu chốt là hệ thống trung tâm triển lãm, hệ thống trung tâm giám định và hệ thống sàn đấu giá. “Chúng ta đang khuyết thiếu cả ba mấu chốt này. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những định hướng cho vấn đề nhận thức về bản quyền mỹ thuật bị hổng quá lớn. Đặc biệt trong giám định, cần có sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, máy móc và tổng hợp các yếu tố khoa học: Khoa học lịch sử, khoa học nghệ thuật và khoa học tự nhiên. Không thể chỉ bằng mắt thường mà có thể thuyết phục và tạo sự tin tưởng cho thị trường mỹ thuật được...”, theo ông Lê Văn Sửu.
Bên cạnh đó, nếu phát triển một hệ thống trung tâm triển lãm đủ để trưng bày các tác phẩm mỹ thuật từ truyền thống đến đương đại cũng như xây dựng và phát triển một hệ thống sàn đấu giá chuyên nghiệp thì chắc chắn sẽ góp phần cơ bản cho việc thúc đẩy một thị trường tranh lành mạnh, đẩy lùi vấn nạn tranh giả. “Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy nước nào có thị trường tranh tốt thì đều có các sàn đấu giá lớn, chuyên nghiệp”, Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật chia sẻ.
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Nguyễn Hằng Nga cũng chia sẻ những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật. Theo đó, thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả trong mỹ thuật chủ yếu dựa trên cơ sở tự nguyện và cam kết của người nộp hồ sơ. Do đặc thù, việc các tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm thường chỉ đưa đến Cục ảnh chụp tác phẩm chứ không trực tiếp đưa tranh đến cũng là khó khăn cho việc thẩm định hồ sơ. Ở một khía cạnh khác, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đề cập đến giải pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của họa sĩ, người làm nghề. Các nhà sưu tập cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm đối với sự phát triển lành mạnh của thị trường mỹ thuật. Trên thực tế, có nhiều người biết mười mươi là tranh giả nhưng vẫn tìm mọi cách đẩy bức tranh đó ra thị trường.
Đồng tình với các ý kiến cho rằng giải quyết vấn nạn xâm phạm bản quyền trong mỹ thuật là rất khó khăn, Thứ trưởng Tạ Quang Đông lưu ý các cơ quan, đơn vị chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ, bổ khuyết cho nhau để khắc phục những nan giải đặt ra lâu nay. Về giải pháp, cần tính đến những giải pháp mang tính chiến lược và giải pháp cấp thiết đặt ra trước mắt. “Chúng ta cần tính toán, khắc phục những vấn đề như đào tạo đội ngũ có trình độ, chuyên nghiệp về các hoạt động giám định, phục chế tác phẩm mỹ thuật; siết chặt hơn nữa quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận bản quyền đối với tác phẩm mỹ thuật, tránh tạo lỗ hổng cho tranh giả có thể tồn tại. Đặc biệt, cần tính toán để về lâu dài thị trường mỹ thuật Việt Nam sẽ tháo gỡ được những nút thắt về thiếu hệ thống triển lãm, trưng bày; thiếu hệ thống giám định và các sàn đấu giá, qua đó nhằm nâng cao chất lượng, tính định hướng cho sự phát triển của nền mỹ thuật...”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông lưu ý.