Khỏe & Đẹp ĐỜI SỐNG TIÊU ĐIỂM

Cẩn trọng khi sử dụng thuốc xịt mũi cho trẻ trên chợ mạng

Admin

Hàng loạt sản phẩm xịt mũi được giới thiệu có công dụng điều trị sổ mũi, ngạt mũi... cho trẻ được bán tràn lan trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm này lại không rõ ràng, người tiêu dùng cần lưu ý khi mua dùng.

Thay đổi thời tiết khi giao mùa là một trong những nguyên nhân gây các bệnh mũi, họng. Tình trạng sổ mũi, ngạt mũi thường gây cảm giác khó chịu và thường gặp ở tất cả mọi người, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Sổ mũi, ngạt mũi thường kéo dài từ vài tuần đến cả tháng khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Để chấm dứt tình trạng này nhiều người đã tự mua thuốc nhỏ mũi về dùng. Vì tác dụng tức thời làm thông thoáng mũi khiến nhiều người lầm tưởng và lạm dụng thuốc như “thần dược” có thể dẫn đến tình trạng lệ thuộc thuốc, dùng kéo dài hay quá liều gây tổn thương niêm mạc gây ra tình trạng sung huyết hồi phát, rát mũi, khô mũi, nguy cơ gây bội nhiễm và tái phát bệnh nhiều hơn…

Cụ thể, tại gian hàng tên “Mai Hoàng” đăng bán thuốc xịt mũi Lasam với giá 18 nghìn đồng. Loại thuốc này được giới thiệu có thành phần gồm nước tinh khiết, tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu long não, nipagin... do đó có công dụng làm sạch vết thương trong mũi, trị sổ mũi, ngạt mũi, ngăn ngừa viêm mũi dị ứng...

Theo hướng dẫn sử dụng, chỉ cần xịt trực tiếp vào mũi và dùng khăn thấm sạch hoặc xịt vào khăn, bông để ngoáy mũi trực tiếp sẽ giải quyết được các vấn đề đang gặp phải.

Tiếp theo là địa chỉ “Healthcare” cũng bán thuốc xịt mũi tên Kinat với 2 loại màu hồng và xanh. Thuốc xịt mũi Kinat được quảng cáo dành cho cả trẻ sơ sinh, thuốc có công dụng hỗ trợ điều trị các bệnh về mũi, nếu sử dụng hàng ngày sẽ ngăn ngừa bệnh tai, mũi, họng. Thuốc xịt Kinta đang được bán với giá 27 nghìn đồng/1lọ.

Cẩn trọng khi sử dụng thuốc xịt mũi cho trẻ trên chợ mạng.

Hay tại gian hàng khác bán thuốc xịt Jimingtang, được giới thiệu là hàng Trung Quốc. Người bán cho biết, nếu trẻ gặp phải tình trạng viêm xoang, viêm mũi dị ứng, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi... thì chỉ cần xịt 3-4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 3-4 giờ sẽ xử lý dứt điểm và ngăn ngừa tái phát.

Ngoài ra, rất nhiều loại thuốc xịt mũi khác giới thiệu hàng xách tay, chính hãng từ Nhật, Úc, Mỹ... cũng được đăng bán trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, khi được hỏi về giấy tờ, nguồn gốc sản phẩm trên thì người bán hàng lại không chứng minh được. Do đó, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua dùng.

Theo chuyên gia y tế, các loại thuốc nhỏ mũi thông thường giúp trẻ dễ thở, giảm sung huyết, giảm chảy nước mũi thường chứa thành phần là các chất co mạch như Naphazolin, Xylometazolin, Ephedrin, Oxymetazolin… Tuy nhiên, các thuốc trên có những loại chống chỉ định với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hoặc phải sử dụng hàm lượng thấp tùy thuộc độ tuổi của trẻ. Vì vậy, nếu tự ý dùng thuốc sai liều, sai hàm lượng, dùng thuốc có chống chỉ định với trẻ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi trẻ ngạt mũi mà chưa xác định được nguyên nhân cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ. Tốt nhất nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng để tìm nguyên nhân gây bệnh, tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc, dùng đúng liều lượng, số lần dùng trong ngày và không quá số ngày bác sĩ đã chỉ định, không sử dụng thuốc nhỏ mũi của người lớn cho trẻ nhỏ. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, cha mẹ cần tăng cường chế độ dinh dưỡng và giữ môi trường sống xung quanh trẻ sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, kín gió, ấm vào mùa đông, có thể dùng máy tạo hơi ẩm không khí giúp trẻ giảm khô mũi, giảm cơn khò khè trong mùa đông.

Đã có rất nhiều sự việc do lạm dụng thuốc xịt mũi để lại hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như trường hợp bé H.N. (Hà Nội) được gia đình đưa đi khám bệnh do hiện tượng mặt mũi phính tròn mà không phải do tăng cân. Trước đó, bé bị ngạt mũi, gia đình cho đi khám bệnh và được kê đơn một loại thuốc xịt mũi.

Sau khi dùng thuốc, tình trạng ngạt mũi của bé được cải thiện rõ rệt. Từ đó gia đình coi đây như một "thần dược", trở thành thuốc đầu tay mỗi khi bé ngạt mũi, khụt khịt... Dần dần trở thành thói quen không thể thiếu, người lớn còn xịt mũi "dự phòng" ngay cả khi bé không bị ngạt mũi.

Sau khi khám lâm sàng cùng các kết quả xét nghiệm, TS. Hoàng Kim Ước, Chuyên gia Nội tiết - Đái tháo đường đã chẩn đoán bé bị suy tuyến thượng thận do lạm dụng thuốc xịt mũi có chứa dexamethason.