Dọa nạt khách hàng kiểu giang hồ
Tháng 5/2011, ông Nguyễn Văn Minh (thôn 2, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) kí hợp đồng thế chấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng thửa đất 194m2 cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) để vay 900 triệu đồng.
Tuy nhiên, do làm ăn khó khăn trong khi phải trả lãi vay quá cao (có giai đoạn lên tới 21%/năm), đồng thời phải gánh nhiều khoản phí khác, gia đình ông Minh không đủ khả năng trả nợ lãi ngân hàng. Lãi mẹ đẻ lãi con cộng với số tiền phạt vi phạm hợp đồng, đến tháng 3/2021, Techcombank thông báo dư nợ quá hạn của ông Minh là hơn 2 tỷ đồng (trong đó có lãi phạt hơn 960 triệu đồng).
Ông Nguyễn Văn Minh cho biết, sau khi ngân hàng giải ngân khoản vay, gia đình ông đã trả nợ gốc được 217 triệu đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, gia đình đã 4 lần làm đơn xin giảm lãi phạt và thực hiện cam kết trả dần làm nhiều đợt.
Đến nay, số nợ gốc còn lại của gia đình ông Minh tại Techcombank là 433 triệu đồng và khoảng 450 triệu tiền lãi ròng. Tuy nhiên, Techcombank yêu cầu ông Minh phải trả đúng 1,2 tỷ đồng (gồm cả tiền phạt, lãi và tiền gốc).
Chiều 13/5/2021, trong khi dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, hai người xưng danh là cán bộ của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank AMC) dẫn 5 người lạ mặt vào nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Minh.
“Khi đến, 5 người lạ mặt nghênh ngang sục xạo xung quanh nhà tôi để quay phim, chụp ảnh. Tôi yêu cầu các anh đến làm việc không có sự đồng ý của tôi thì không được làm như vậy. Sau đó, 5 người kia ngồi ở 5 vị trí góc nhà, sân cổng còn anh Trung và một người nữa ngồi làm việc với vợ chồng tôi”, ông Nguyễn Văn Minh tường thuật trong đơn tố cáo Techcombank AMC đòi nợ vay theo kiểu xã hội đen.
Đơn tố cáo được ông Nguyễn Văn Minh gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Giám đốc Công an TP Hà Nội; Trưởng Công an huyện Thạch Thất; Giám đốc Ngân hàng Techcombank – Techcombank AMC và các cơ quan báo chí.
Tài liệu được ông Minh gửi kèm đơn tố cáo thể hiện: tại buổi làm việc chiều 13/3, ông Đặng Hoàng Trung (cán bộ ngân hàng Techcombank AMC) có lời lẽ thách thức, đe dọa như giang hồ: “Nếu hôm nay không trả đủ 1,2 tỷ (VNĐ) thì ngân hàng sẽ cắm 5 người ở lại gia đình để trông giữ, kê biên tài sản”.
Thấy dấu hiệu bất thường, ông Minh hỏi ông Trung 5-6 người đi cùng đoàn có phải cán bộ ngân hàng không? Lúc đầu ông Trung nói họ là cán bộ ngân hàng. Tuy nhiên, khi gia đình ông Minh yêu cầu cho xem giấy tờ tùy thân để chứng minh thì 5 người này không xuất trình giấy tờ. Ông Đặng Hoàng Trung nói 5 người đi bảo vệ cán bộ ngân hàng.
Ông Minh hỏi cán bộ ngân hàng: “Chú có làm gì căng thẳng để cháu phải mang theo một đội quân đến như thế này?"
Ông Trung nói: “Cháu nói là bên cháu đến, chứ không phải mình cháu đến. Bây giờ con số 1,2 tỷ gia đình không chấp nhận đúng không? Vậy bây giờ thì đúng chức trách của bọn cháu là thu giữ tài sản. Bọn cháu buộc phải chốt người ở lại đây để thực hiện quyền trông giữ và quản lý tài sản của ngân hàng”.
Ông Nguyễn Văn Minh cho biết: “Anh Trung đã làm cho mẹ, vợ con và các cháu tôi sợ hãi, hoảng loạn tinh thần, phải gọi điện cho anh em con cháu xa gần đến cứu giúp”.
Tại buổi làm việc chiều ngày 13/5, ông Trung tiếp tục có những lời lẽ thách thức: “Cháu xử lý ở Thạch Thất nhiều rồi. Như ở Đại Đồng, có hộ nợ gốc hơn 600 triệu mà sau phải trả 1,2 tỷ ngân hàng không đồng ý. Có những gia đình trong nhà họ không có cái gì luôn, bán nhà trả 1,2 tỷ ngân hàng không đồng ý”.
5 người lạ mặt đi cùng cán bộ ngân hàng bỏ trốn khỏi trụ sở UBND xã Chàng Sơn?
Sau khi tiếp nhận trình báo của gia đình ông Minh, gần 18h ngày 13/5, lãnh đạo UBND xã Chàng Sơn, Công an xã Chàng Sơn và trưởng thôn 2 đã có mặt tại hiện trường xảy ra vụ việc.
Trước hành vi của cán bộ Techcombank AMC cùng nhóm người lạ mặt, ông Nguyễn Hữu Thịnh - Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn, nói: “Chính quyền xã không đồng ý việc nhóm người của ngân hàng về đây. Thứ nhất, các anh làm mất an ninh trật tự. Thứ hai, là liên quan đến công tác phòng, chống dịch của địa phương. Các anh chẳng thông qua chính quyền là không đúng quy định của pháp luật”.
Trong đơn tố cáo Techcombank - Techcombank AMC đòi nợ vay theo kiểu xã hội đen, ông Nguyễn Văn Minh viết: "Khi công an xã vào làm việc tại nhà có lập biên bản, nhưng 5 người kia chỉ khai tên trong biên bản làm việc, không xuất trình được giấy tờ tùy thân để chứng minh danh tính.
Đến hồi 20h cùng ngày, công an xã yêu cầu tất cả 7 người kia cùng tôi ra trụ sở UBND xã làm việc. Ra đến trụ sở công an xã, tôi và hai cán bộ ngân hàng làm bản tường trình. Khi tôi làm xong bản tường trình thì không thấy 5 người (lạ mặt đi cùng 2 cán bộ ngân hàng - PV) kia đâu. Tôi được trả lời mấy người kia xin ra ngoài đi vệ sinh và đã bỏ trốn”.
"Techcombank còn đâu tình người?"
Trao đổi với PV NNVN, bà Đỗ Thị Bằng (vợ ông Minh) bức xúc: “Khi Techcombank bán khoản nợ vay của gia đình tôi cho Techcombank AMC, gia đình tôi không hề hay biết. Ngân hàng cũng không gửi thông báo cho gia đình”. Không những thế, Techcombank còn niêm yết công khai khoản nợ xấu của gia đình tôi tại trụ sở UBND xã. Từ đó, gia đình bà Bằng dính tai tiếng và không thể vay mượn được người trong làng.
Khi nhắc đến nhóm người lạ mặt đi cùng cán bộ của ngân hàng, ông Minh cho biết: “Tôi nghi ngờ rằng đây là đội đi đòi nợ thuê cho ngân hàng. Họ ăn mặc gần giống với trang phục của cảnh sát cơ động. Nhiều người trong làng không hiểu rõ chuyện, cứ nghĩ nhà tôi phạm tội gì nghiêm trọng lắm nên cảnh sát mới đến nhà”.
Còn bà Bằng cho rằng, Techcombank đã cậy quyền, o ép, dồn khách hàng vào con đường cùng, làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của gia đình mình, đồng thời gây mất trật tự tại địa phương. “Xã hội đen bây giờ cũng không làm như thế. Techcombank còn đâu tình người? Trong lúc gia đình tôi đang cố gắng lo tiền và đã hợp tác thương lượng với ngân hàng để lo trả nợ, không muốn xảy ra to tiếng và tranh chấp, ra Tòa như Điều 8 của bản Hợp đồng thế chất tài sản lúc tôi ký vay tiền của ngân hàng quy định: “Nếu có tranh chấp mà hai bên không thống nhất giải quyết được thì các bên có quyền khởi kiện ra Tòa để giải quyết...”. Nhưng Techcombank và anh Trung hành xử như vậy là vi phạm hợp đồng, không có đạo đức nghề nghiệp”.
Thói đòi nợ kiểu xã hội đen
Trước đó, Báo NNVN từng có bài viết: “Ngân hàng Techcombank đòi nợ kiểu... xã hội đen!”. Cụ thể, năm 2012, gia đình bà Trần Thị Hương ở tổ 47, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trị giá 8 tỷ đồng để vay nợ 3 tỷ đồng tại Techcombank.
Do làm ăn không thuận lợi nên bà Hương không đủ khả năng trả nợ lãi ngân hàng. Tính đến tháng 9/2018 số tiền bà Hương nợ Techcombank đã lên tới 6,1 tỉ đồng.
Năm 2018, gia đình bà Hương đã bị một nhóm người đến chiếm giữ tài sản. Những người này khủng bố tinh thần bằng cách ngày đêm đe nẹt, chửi bới mẹ con bà Hương, ném chất bẩn vào bếp nhà bà.
Có những lúc tranh chấp lên đến đỉnh điểm, nhóm người lạ dùng vũ lực cưỡng chế mẹ con bà ra khỏi nhà. Để rồi, ngày 10/9/2018, UBND phường Dịch Vọng Hậu buộc phải có văn bản gửi Ngân hàng Techcombank với nội dung “Đề nghị không cưỡng chế bà Hương và những người ở trong nhà bà Hương ra khỏi chỗ ở của gia đình bà khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án có thẩm quyền”.