“Madam, madam, làm ơn giúp tôi oxy…!”, một người đàn ông nói tiếng Anh trọ trẹ qua lớp khẩu trang, hớt hải chạy đến nơi xe của nhóm thiện nguyện Nhất Tâm đang ngồi nghỉ.
Chị Trần Thanh Hải (38 tuổi) là thành viên của nhóm đã tiếp chuyện người này. Người đàn ông đưa ra hình ảnh của chị mình là người Philippines bị nhiễm Covid-19 đang thở khó, trình bày là do thấy xe chở bình oxy nên tìm đến hỏi.
Không bỏ qua người nước ngoài nào cần giúp đỡ
Đến một ngôi nhà có cánh cổng màu cầu vồng ở đường Tân Quy (quận 7), chị Hải chợt nhận ra đây là địa chỉ mình từng tặng thực phẩm vào ngày 21/8. 8 giáo viên người Philippines đang lưu trú ở đây, họ nhắn tin lên trang Facebook của nhóm thiện nguyện Nhất Tâm xin cứu trợ.
Chị Hải kể 8 giáo viên sống chung trong căn nhà nhỏ, nấu ăn chung để tiết kiệm chi phí. Họ đã thất nghiệp gần 4 tháng, vẫn phải chi trả sinh hoạt thường ngày và gia hạn visa. Những giáo viên này đã đăng ký các gói hỗ trợ nhưng chưa nhận được.
“Vì cùng nghề dạy tiếng Anh, tôi hiểu đồng lương và tình cảnh của họ nếu thất nghiệp ngần ấy thời gian. Tôi và chồng không bỏ qua những trường hợp này”, chị Hải bày tỏ.
Anh Mauritz và chị Thanh Hải đến tận nhà nhóm giáo viên người Philippines để hỗ trợ thực phẩm. Ảnh: NVCC. |
Lần này, chị Hải cùng một thành viên hướng dẫn lắp đặt và sử dụng bình oxy cho người đàn ông. Sau đó, khi nhóm liên hệ để thu lại bình oxy thì người đàn ông cho biết chị mình đã mất. Người này cũng xin hỗ trợ thêm thực phẩm vì nhà còn 4 trẻ em.
Chị Hải và chồng mình là Mauritz Pretorius (32 tuổi, người Nam Phi) lại tức tốc đến tặng thực phẩm và 500.000 đồng từ quỹ nhóm, đồng thời kêu gọi được mạnh thường quân tặng thêm 5 triệu đồng cho những giáo viên Philippines. Đây chỉ là một trong những trường hợp người nước ngoài tìm đến vợ chồng chị Hải.
“Ngày ngày chúng tôi đều nhận được tin xin hỗ trợ từ người nước ngoài. Mauritz thường phụ trách liên lạc với họ, hỏi kỹ từng hoàn cảnh và địa chỉ, rồi chuẩn bị phần thực phẩm phù hợp mang đến. Anh ấy còn tự lái xe máy chở đi khi không có ôtô của nhóm”, chị Hải kể.
Quận 7 và quận 1 có nhiều trường hợp người nước ngoài gặp khó liên hệ xin trợ giúp; gia đình Philippines ở một chung cư quận Tân Phú nhắn xin hỗ trợ nhu yếu phẩm và tiền, hay những người nước ngoài lang thang liên hệ thì hai vợ chồng Mauritz cũng gọi video để tìm đến tận nơi.
Bất kể họ ở nơi nào trong thành phố, xe của nhóm thiện nguyện đi được đến đâu thì cặp đôi này sẽ cố giúp bằng được.
Chị Hải còn kể chồng mình cứ thấy người nước ngoài trên đường, dù có lỡ chạy xe đi qua xa cỡ nào thì cũng quay lại để tặng bánh ngũ cốc, sữa và tiền mặt.
Vợ chồng anh Mauritz tặng người nước ngoài bánh ngũ cốc và sữa thay vì gạo, vì đây là món hợp khẩu vị họ hơn. Ảnh: NVCC. |
Anh chồng ngoại quốc thích làm thiện nguyện
Chị Trần Thanh Hải và anh Mauritz Pretorius đều là giáo viên dạy tiếng Anh. Hai vợ chồng chung sống với nhau từ tháng 12/2019 ở quận 7. Cũng từ đó, Mauritz bắt đầu làm từ thiện trong suốt 2 năm rưỡi ở TP.HCM.
“Cứ 3 ngày mùng đầu tháng âm lịch, anh ấy lại theo đi phát cơm tại Bệnh viện Phục hồi chức năng quận 8. Từ chiều hôm trước đã đến phát phiếu cơm để sáng mùng 1 bà con có thể nhận cơm”, chị Thanh Hải kể.
Từ năm ngoái đến năm nay, vợ chồng Mauritz làm thiện nguyện theo nhóm Nhất Tâm ở TP.HCM cũng như ở tỉnh khác. Nhất là các đợt giãn cách xã hội, lần nào cũng tham gia cật lực. Có khi hai người đi nguyên ngày vừa khát vừa đói, nhưng vẫn đồng lòng làm xong mới nghỉ.
Nghe bà con than phiền nhóm chỉ tặng những nhà bên ngoài mà bỏ qua nhà trong hẻm, Mauritz bèn phóng xe máy chở từng bao gạo, thuốc, sữa và bình oxy vào từng hẻm đến nơi có bệnh nhân và người khó khăn.
Đợt giãn cách này, Mauritz may mắn vì vẫn có thể dạy học trực tuyến. Anh dạy cả ngày vào thứ 2, 4 và 6. Những hôm này, từ 21h đến 4-5h sáng hôm sau, anh sẽ đi làm thiện nguyện. Những ngày còn lại, anh đi theo nhóm từ sáng đến chiều về, để kịp dạy tiết học lúc 17-20h.
Mauritz Pretorius thường mặc áo nhà chùa khi tham gia làm thiện nguyện, xắn tay làm mọi việc cùng vợ. Ảnh: NVCC. |
Mauritz là người yêu trẻ con. Trong một lần đi từ thiện ở vùng cao, chị Hải phải phá lên cười khi chồng mình mua hết xe bán kem cho những đứa trẻ. Anh bảo trên đó không có kem nên làm thế cho các bạn nhỏ vui.
“Giờ anh ấy mê bình oxy và gạo hơn tôi rồi, vì suốt ngày ôm chúng. Ảnh trên mạng anh ấy toàn chụp cùng vợ, mà giờ thấy để hình ôm bình oxy”, chị Hải hài hước nói về chồng mình.
Mauritz Pretorius tâm sự rằng anh thích làm từ thiện không bởi lý do gì. "Tôi cảm thấy mình cần góp sức làm gì đó cho người dân ở đất nước mình yêu quý. Những nụ cười mừng rỡ, những lời cảm ơn khi người khó khăn nhận được sự giúp đỡ khiến tôi hạnh phúc", Mauritz bày tỏ.