ĐỜI SỐNG

Cha con chạy xe từ Quảng Bình vào TP.HCM chở F0, phát cơm từ thiện

Kỳ Văn

Hoàn thành 14 ngày cách ly sau thời gian tình nguyện ở Bắc Giang, Minh Trí nóng lòng muốn vào hỗ trợ TP.HCM. Không yên tâm để con đi một mình, ông Thông cũng lên đường vào Nam.

Cuối tháng 5, khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh thành phía bắc, Đặng Minh Trí (sinh năm 1997) một mình lái xe cứu thương từ Quảng Bình ra Bắc Giang xin hỗ trợ chống dịch.

Sau 2 tháng, dịch bệnh được kiểm soát thành công, Trí trở về nhà ở Đồng Hới (Quảng Bình). Sau 14 ngày cách ly, anh lại tiếp tục dọn đồ, chuẩn bị vào Sài Gòn xin làm tình nguyện.

Giống như lần trước ra Bắc Giang, chuyến đi này của Trí không được bố mẹ chấp thuận. Nhưng dù có thuyết phục bao nhiêu, hai bậc phụ huynh cũng biết mình không thể ngăn cản ý chí của con trai.

"Nếu con nhất quyết đi thì chuyến này phải để ba theo cùng", ông Đặng Tri Thông (59 tuổi), cha của Minh Trí, cuối cùng thỏa hiệp với con trai.

Hai cha con Trí chạy xe cấp cứu vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch.

Ngày chở F0, đêm phát cơm từ thiện

Cuối tháng 7, đoàn cán bộ y tế của tỉnh Quảng Bình lên đường vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch. Cả đoàn đi trên một chiếc xe giường nằm.

Theo sát chuyến xe này là chiếc xe cấp cứu 115 do cha con Trí thay nhau điều khiển. Sáng 28/7, đoàn xe vào đến TP.HCM.

Vừa đến nơi, hai cha con Trí cùng chiếc xe cấp cứu đã lao vào hỗ trợ chở vật tư y tế, y bác sĩ đến bệnh viện dã chiến và cả F0, F1 đi chữa trị, cách ly.

Những ngày sau đó, cả hai được phân công đến UBND quận 10 để nhận điều phối công việc. Trung bình mỗi ngày, Trí và bố chạy từ 7-9 chuyến xe/người.

Trong những cuộc trò chuyện đứt quãng với Zing vì bận công việc, Minh Trí nói: "Mùa này mọi năm, xe cấp cứu của gia đình mình chạy dịch vụ liên tục. Nhưng đây là lúc người dân miền Nam cần chiếc xe này hơn. Vào đây bố mình cũng mượn được thêm một chiếc xe nữa để hai cha con cùng chạy".

Ban ngày, cha con Trí chạy xe cấp cứu chở F0, buổi tối phát quà từ thiện cho người gặp khó khăn.

Thông thường, công việc chạy xe cấp cứu cho UBND quận 10 kết thúc lúc 17-18h. Tắm rửa, ăn uống xong xuôi, hai cha con Trí lại tiếp tục rong ruổi đi phát quà từ thiện cho người nghèo, vô gia cư ở các khu vực lân cận.

"Mình có chia sẻ việc nhận hỗ trợ bà con trong mùa dịch trên Facebook và nhận được rất nhiều phản hồi. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn mong muốn được giúp đỡ và cũng có những người là mạnh thường quân nhờ mình trao quà, cơm, suất ăn miễn phí đến bệnh viện dã chiến, khu cách ly, phong tỏa".

Mắc kẹt lại TP.HCM trong mùa dịch, gia đình 3 người của chị Trần Thị Thơm (sinh năm 1995) phải cố gắng cầm cự trong hai tháng qua mà không có bất kỳ nguồn thu nhập nào.

Tình cờ đọc được bài đăng của Trí, chị Thơm thử gọi điện nhờ giúp đỡ. Ngay tối hôm sau, cha con Trí chạy xe từ quận 10 sang Tân Phú để tặng quà cho cả xóm trọ của chị Thơm.

"Những món quà không lớn nhưng thực sự có ý nghĩa với gia đình mình lúc này. Sự nhiệt tình, tử tế của chú Thông và Trí khiến mọi người rất cảm động. Chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để cả hai được nghỉ ngơi, trở về với gia đình", chị Thơm nói.

Bao giờ hết dịch mới về

Khi được hỏi chuyến đi Sài Gòn lần này sẽ kéo dài bao lâu, Trí vẫn trả lời y hệt những gì anh nói lúc chuẩn bị ra Bắc Giang hơn 2 tháng trước: "Bao giờ hết dịch thì mình về thôi".

Lúc lên xe vào TP.HCM, cha con Trí đã xác định sẽ ở lại dài ngày vì biết tình hình dịch ở các tỉnh phía nam đang phức tạp và căng thẳng.

"Hiện TP.HCM ghi nhận số ca nhiễm mỗi ngày lên đến hàng nghìn, gấp nhiều lần thời điểm dịch bệnh đạt đỉnh ở Bắc Giang. Địa bàn cũng rộng và phức tạp hơn, song mình đã quyết định đi thì sẽ hỗ trợ hết mình".

Trước khi vào TP.HCM, Trí đã làm tình nguyện gần 2 tháng ở Bắc Giang.

Trí nhớ nhất là những lần chở bệnh nhi Covid-19. F0 là những em bé còn rất nhỏ tuổi, lọt thỏm trong bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình, vướng víu.

"Thấy các bé chật vật bước lên xe, mình thương lắm nhưng cũng không thể tới bế lên được vì các quy định an toàn. Mỗi lần nhận tin chở F0, mình chỉ mong sao không phải chứng kiến những cảnh đau lòng như vậy", Trí nói.

Sau thời gian làm tình nguyện tại Bắc Giang, Trí đã có chút kinh nghiệm về công tác chống dịch cũng như việc chở bệnh nhân F0.

Anh và bố cũng tự chuẩn bị phương tiện bảo hộ đầy đủ, nghiêm túc chấp hành các quy tắc an toàn khi tham gia làm nhiệm vụ.

"Vào tâm dịch mình cũng lo lắm. Nhưng giống như những gì đã làm được ở Bắc Giang, mình hy vọng sẽ góp sức giúp TP.HCM sớm vượt qua đại dịch".