Khỏe & Đẹp ĐỜI SỐNG

Chưa dậy thì, trẻ tiêm vaccine Covid-19 có thể bị vô sinh?

Kỳ Văn

Lo ngại ảnh hưởng tới sức khỏe trong tương lai luôn là băn khoăn của người dân trước khi tiêm vaccine. Nỗi lo này còn trở nên lớn hơn với phụ huynh có con nhỏ chuẩn bị được tiêm.

Xuyên suốt thời gian Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh Covid-19, tin đồn vaccine có thể gây vô sinh, ảnh hưởng tới thai nhi xuất hiện.

Đến nay, khi Việt Nam đang tiến tới việc tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi, những nghi vấn đó trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm.

Vaccine không ảnh hưởng tới sinh sản, nội tiết hay di truyền

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết virus (SARS-CoV-2) có thể tích hợp vào hệ gene của người. Bản thân quá trình nCoV nhiễm vào cơ thể, chúng cũng tương tác với hệ thống gene của chúng ta.

“Điều này nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc tiêm vaccine vào cơ thể. Nguyên nhân là virus ‘thật’ khi tấn công chúng ta sẽ để lại những tàn tích còn sót lại tại các cơ quan, tế bào nhiễm chúng. Điều này khiến hệ miễn dịch của con người tạo ra những cuộc tấn công không cần thiết đến cơ quan đó, dẫn đến tổn thương lâu dài về sau”, ông giải thích.

Trẻ em tại TP.HCM được gia đình đưa đi khám Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong khi đó, vaccine, dù được sản xuất theo công nghệ mRNA hay vector, với cơ chế “bắt chước” virus, đưa vật liệu di truyền của nCoV vào cơ thể để sản xuất ra gai của virus này. Các hạt gai đó sẽ tạo ra miễn dịch cho người được tiêm.

Tiến sĩ Thái khẳng định: “Quá trình này xảy ra trong thời gian ngắn với lượng vật liệu cố định (theo liều). Do đó, cơ thể sẽ không bị quá tải. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các mRNA sẽ tự tiêu hủy và hoàn toàn không tích hợp với hệ gene của con người”.

Điều này đồng nghĩa vaccine sẽ không để lại những di chứng dài, ảnh hưởng tới chức năng sinh sản, nội tiết hay di truyền.

Cũng có quan điểm còn cho rằng hạt gai virus tạo ra từ vaccine có thể vẫn tồn tại trong cơ thể thêm một thời gian. Tuy nhiên, tiến sĩ Thái cho hay tình huống này thấp hơn rất nhiều so với khi nhiễm SARS-CoV-2 tự nhiên.

“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những biểu hiện lâm sàng hay biến cố bất lợi liên quan vaccine thấp hơn nhiều so với nhiễm virus tự nhiên. Ví dụ, nhiễm nCoV gây nguy cơ viêm cơ tim cao gấp hàng nghìn lần so với việc tiêm vaccine. Vậy chúng ta có lý do gì để sợ hãi vaccine khi biết rằng việc nhiễm virus tự nhiên còn nguy hại hơn nhiều”, tiến sĩ Thái khuyến cáo.

Chưa tiêm vaccine, nhiều trẻ có thời gian dương tính lâu

Tiến sĩ Phạm Quang Thái cho biết khi tham gia vào mạng lưới thầy thuốc đồng hành hỗ trợ các gia đình có trẻ nhỏ là F0 gần đây, ông nhận thấy rất nhiều bé dương tính trong thời gian dài, khác hẳn với người lớn.

“Rất ít F0 là người lớn dương tính trên 10 ngày. Phần lớn bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và khỏi nhanh. Tuy nhiên, ở nhóm trẻ em, nhiều bé sốt cao tới 39-40 độ C, thở khò khè, thậm chí một số trường hợp khó thở, SpO2 tụt, phải hỗ trợ hô hấp. Thời gian đào thải virus ở các bé này cũng rất lâu. Nhiều ca tới ngày thứ 15 vẫn dương tính”, ông chia sẻ.

Lượng bệnh nhi tới khám Covid-19 tại TP.HCM tăng lên nhanh trong thời gian gần đây. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo vị chuyên gia, nguyên nhân là cơ thể trẻ nhỏ chưa được tập dượt với “giả tác nhân” như vaccine. Do đó, khi nhiễm nCoV, cơ thể các bé sẽ có phản ứng như sốt, ho, đào thải virus lâu.

Ngoài ra, sau một thời gian từ ngày âm tính, có thể lên tới hàng tháng, trẻ lại có các dấu hiệu liên quan hậu Covid-19 như vấn đề về hô hấp, cơ xương khớp, thần kinh, giảm khả năng nhớ, tập trung,...

Ông khẳng định: “Hiện nay, chúng ta nhận thấy đa số trẻ mắc Covid-19 thường diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa giai đoạn sau các bé sẽ an toàn. Do vậy, lứa tuổi này vẫn cần được tiêm phòng vaccine Covid-19”.

Liên quan vấn đề tái nhiễm nCoV, tiến sĩ Thái khẳng định nguy cơ này vẫn có thể xảy ra dù trẻ đã tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng khi nhiễm, tái nhiễm hay di chứng hậu Covid-19 ở trẻ đã tiêm vaccine sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.

“Những người đã tiêm vaccine, dù trước hay sau khi nhiễm nCoV, đều sở hữu miễn dịch rất mạnh. Nhờ đó hạn chế tái nhiễm. Nếu có, biểu hiện cũng sẽ rất nhẹ”, vị chuyên gia khẳng định.

Một số phụ huynh cũng lo lắng việc vaccine tiêm cho trẻ được sản xuất trong thời gian ngắn và cấp phép khẩn cấp. Tiến sĩ Thái cho rằng tâm lý này là dễ hiểu. Tuy nhiên, lo lắng đó không dựa trên cơ sở khoa học mà hoàn toàn mang tính truyền miệng.

“Công nghệ mRNA vaccine Pfizer sử dụng đã được nghiên cứu từ nhiều năm trước. Điểm ưu việt của công nghệ này là nhà nghiên cứu, sản xuất có thể thay ‘lõi’, đặc hiệu cho SARS-CoV-2”, ông giải thích.

Từ đó, công nghệ này có thể được thực hiện trong phòng thí nghiệm, giúp thời gian nghiên cứu, sản xuất nhanh hơn nhiều so với việc nuôi cấy truyền thống.

Cũng bởi vậy, việc sản xuất vaccine Pfizer, loại được tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, không có tình trạng “đốt cháy giai đoạn”. Chúng được thử nghiệm lâm sàng kỹ càng và đảm bảo yếu tố khoa học.

Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm khuyến cáo: “Là những phụ huynh có con trong độ tuổi được tiêm vaccine, chúng ta cần tìm phương án tốt nhất cho con em mình. Tiêm vaccine Covid-19 là việc làm có ý nghĩa lớn, giảm gánh nặng bệnh tật liên quan nCoV ở cả hiện tại và sau này. Do đó, mỗi người dân cần cân nhắc, lắng nghe thông tin chính thống để đưa ra quyết định”.