TIÊU ĐIỂM

Chuyển đổi số mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong thời đại dịch?

Admin

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) được đàm phán, ký kết và phê chuẩn trong khoảng thời gian từ năm 2012 và kết thúc vào năm 2020. Khoảng thời gian này cũng chính là khoảng thời gian bùng nổ của công nghệ, của kinh tế số và quan trọng nhất chính là thúc đẩy nhu cầu về chuyển đổi số. Vậy chuyển đổi số là gì và chuyển đổi số mang lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp?


Phiên thảo luận với sự tham gia của đại diện cơ quan chức năng, các hiệp hội thương mại điện tử, đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến. Ảnh: K.M.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2020, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất, nhập khẩu theo hai mô hình: Doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C). Trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu, kinh tế số càng phát huy thế mạnh.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi về xu hướng xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tuyến, các hành động cần triển khai để phát huy lợi thế của thương mại điện tử, nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, hạn chế cao nhất trở ngại và ảnh hưởng từ Covid-19.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay, 6 thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu đã được thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến và kết nối với hệ thống một cửa quốc gia. Ngoài ra, còn có 11 thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến cấp độ 4. Chuyển đổi số đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức.

Theo ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling, trên nền tảng của Amazon từng có doanh nghiệp siêu nhỏ khởi nghiệp chỉ với 2 thành viên nay đã lớn mạnh, xuất khẩu hàng hóa tới 30 quốc gia và mở 4-5 nhà máy. Tuy nhiên, thương mại điện tử không phải là “cây đũa thần”. Nó đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư chuyên nghiệp, đội ngũ chuyên trách… mới có thể thành công.

Chia sẻ kinh nghiệm đẩy mạnh chuyển đổi số, bà Trần Thị Hoài Tú, Giám đốc xuất khẩu Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn khẳng định, nền tảng số đã giúp doanh nghiệp thay đổi cách thức kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa. Nhờ kết nối với nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu là Alibaba và đầu tư mạnh để ứng dụng nền tảng số với chiến lược chi tiết, bài bản, có lộ trình nhất quán, doanh nghiệp này đã mở rộng thị trường xuất khẩu, với lượng hàng xuất khẩu chiếm khoảng 20% lượng hàng hóa sản xuất trong năm 2020.

Bên cạnh đó, xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể hy vọng từ việc thực thi Hiệp định EVFTA, đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18,000 tỷ USD. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

“Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây”, Thứ trưởng nói.



Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP

Theo Báo cáo Kinh tế số 2019 tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), kinh tế số chiếm khoảng 4,5-15,5% GDP toàn cầu. Nhiều công nghệ tiên phong đã thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh, bao gồm blockchain, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, in ba chiều, Internet vạn vật, robot và tự động hoá, điện toán đám mây. Ba thành phần trụ cột tạo nên nền kinh tế số là các nền tảng số (digital platform), dữ liệu số (digital data) và thương mại điện tử.

Tại Việt Nam, Sách Trắng Việt Nam và Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C). Xét trên phạm vi toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng rất nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại điện tử trong những năm gần đây.