Cách đây 15 năm, một bộ ảnh chụp tại bãi rác Stung Meanchey (Phnom Penh, Campuchia) đã khiến cả thế giới chú ý khi vạch trần cuộc sống khó khăn của những người dân nghèo, hàng ngày phải nhặt rác để kiếm tiền mưu sinh.
Đáng chú ý nhất trong đó phải kể đến hình ảnh bé gái đội mũ màu đỏ, nở nụ cười rạng rỡ đi vòng quanh bãi rác với hy vọng nhặt được món đồ nào có giá trị để đổi lấy tiền nuôi gia đình. Chính tinh thần lạc quan và hoàn cảnh khó khăn của cô bé đã khiến người ta gọi cô với tên gọi thân thương là "Lọ Lem bãi rác".
Cách đây 15 năm, hình ảnh cô bé "Lọ Lem bãi rác" người Campuchia nhận về lượng quan tâm đông đảo trên mạng xã hội
Người dân nghèo và lao động cấp thấp thường đến bãi rác Stung Meanchey nhặt nhạnh các món đồ còn giá trị sử dụng để đổi lấy tiền mưu sinh
Tuổi thơ của "Lọ Lem bãi rác": Không được đi học, phải ăn thực phẩm thừa bị vứt đi
"Lọ Lem bãi rác" tên thật là Sophy Ron, sinh ra trong một gia đình lao động cấp thấp tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Tuổi thơ của Sophy Ron là những ngày tháng gắn liền với bãi rác Stung Meanchey - nơi từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự nghèo đói tại Campuchia.
Cả Sophy và những đứa trẻ sống gần đó đều làm nghề bới rác. Sáng nào chúng cũng dậy sớm, lội qua những núi rác hôi thối, chứa đầy mầm bệnh và virus. Nếu may mắn, chúng có thể kiếm được nhiều món đồ có giá trị và hôm đó cả nhà sẽ có cơm ăn. Còn nếu không, bữa ăn của cả nhà có thể là các thực phẩm ôi thiu được nhặt lại từ bãi rác Stung Meanchey.
Nói về cuộc sống khó khăn của những đứa trẻ lớn lên nhờ bãi rác như mình, Sophy từng tâm sự: "Tôi ăn, ngủ và làm mọi thứ trên bãi rác, nó mặc nhiên trở thành nhà của tôi. Tôi còn không nhận ra nó bốc mùi, không biết đó là chỗ bẩn thỉu". Với hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cô bé còn chưa từng nghĩ đến chuyện được đi học.
Túp lều lụp xụp đặt ngay trên đống rác khổng lồ là nơi Sophy và gia đình từng phải sinh sống trong những năm tháng nghèo khổ
Từ khi còn nhỏ, mỗi ngày, Sophy đều dậy sớm đi bới rác để kiếm tiền phụ giúp gia đình
Những tưởng tuổi thơ của Sophy sẽ mãi trôi qua trong vòng luẩn quẩn đói nghèo, thế nhưng bức ảnh chụp tại bãi rác Stung Meanchey đã thực sự thay đổi cuộc đời cô. Thời điểm đó Sophy mới chỉ 11 tuổi, cô bé mỉm cười đáp lại ngay khi thấy người đàn ông giơ máy ảnh. Và khoảnh khắc đó chính là khởi đầu cho cuộc đời mới của Sophy.
Sau khi bức ảnh nổi tiếng toàn cầu, Sophy đã được Quỹ trẻ em Campuchia (CCF) tạo điều kiện để đến trường. Thành tích học tập nổi bật của Sophy đã giúp cô có được học bổng toàn phần tại trường Cao đẳng Trinity (Úc), chuyên ngành Văn học.
Cuộc sống thay đổi thần kỳ sau 1 bức ảnh
Bẵng đi 15 năm, "Lọ Lem bãi rác" ngày nào đã lột xác thành thiếu nữ xinh đẹp và có cuộc sống trong mơ khiến bao người ngưỡng mộ. Được biết, do thường xuyên nhận được lời mời xuất hiện trên các chương trình truyền hình nên Sophy đã học cách trang điểm và ăn mặc chỉn chu giúp nhan sắc ngày càng thăng hạng.
Nhan sắc vô cùng xinh đẹp khi trưởng thành của "Lọ Lem bãi rác" năm nào
Sau 2 năm theo học tại Cao đẳng Trinity thuộc Đại học Melbourne, cô đã tốt nghiệp thủ khoa và vinh dự được chọn đọc diễn văn trong ngày lễ tốt nghiệp của trường. Chưa dừng lại ở đó, cô nàng còn nhận được học bổng toàn phần tại trường Đại học Melbourne - ngôi trường Đại học lâu đời thứ hai của nước Úc.
Hình ảnh Sophy đọc diễn văn trong buổi lễ tốt nghiệp với vị trí thủ khoa đầu ra của trường Cao đẳng Trinity (Úc)
Hiện tại, cô vẫn thường xuyên đi đi lại lại giữa Campuchia và Úc để theo đuổi việc học cũng như dành thời gian cho gia đình và các hoạt động xã hội. Ngoài ra, cô còn là nhà đồng sáng lập một công ty riêng và đang làm việc cho Quỹ Nhi Đồng Campuchia. Giờ đây, Sophy không còn là cô bé nhặt rác nghèo khổ năm nào mà đã trở thành biểu tượng truyền cảm hứng của nhiều người trẻ Campuchia.
Về phần gia đình Sophy, họ đã không còn phải đi nhặt rác mà chuyển về miền quê yên bình để sinh sống. Nhờ sự hỗ trợ từ các tổ chức, các chị em của Sophy cũng được đến trường và có cơ hội thay đổi cuộc đời.
Sophy nhận được quan tâm lớn từ truyền thông nhờ câu chuyện cuộc đời truyền cảm hứng
Không chỉ Sophy có cơ hội "đổi đời", các em của cô đã được tạo điều kiện đi học và không còn phải nhặt rác để kiếm sống