DOANH NGHIỆP

Cổ đông chiến lược đề nghị bổ sung nội dung họp Đại hội cổ đông Eximbank

Admin

Một Đại hội được tổ chức "sòng phẳng" là mong muốn của nhiều cổ đông Eximbank, trong đó có nhà đầu tư chiến lược SMBC.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chiều ngày 7/12 vừa nhận được công văn của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).

Công văn soạn ngày 3/12 yêu cầu bổ sung nội dung vào Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 3 (AGM) dự kiến diễn ra ngày 15/12 tới đây tại Hà Nội.

Theo đó, cổ đông Nhật kiến nghị thực hiện nội dung thanh lọc HĐQT thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng thành viên, nhằm giảm số lượng thành viên HĐQT từ 9 người hiện nay xuống còn từ 5-7 người.

Đây không phải là nội dung quá xa lạ với cổ đông Eximbank. SMBC trong suốt hơn một năm qua đã nhiều lần yêu cầu tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường (EGM) để thanh lọc HĐQT, trước khi AGM 2020 bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới.

Dù vậy, trong khi AGM 2020 vẫn chưa thể tiến hành do thiếu điều kiện, thì EGM 2019 sau lần đầu bất thành ngày 30/6/2020, tới nay thậm chí chưa được tổ chức lại theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ.

SMBC đã có hơn một thập kỉ hiện diện tại Eximbank, và hiện là cổ đông lớn nhất, nắm 15% cổ phần với giá trị thị trường lên tới 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên tròn một năm qua, họ không có người đại diện trong HĐQT.

Vào ngày 9/12/2019, SMBC đã loại ông Yutaka Moriwaki khỏi vai trò người đại diện phần vốn. Trước đó nửa năm, thành viên người Nhật còn lại - ông Yasuhiro Saitoh cũng chịu cảnh tương tự. Công văn của SMBC gửi Eximbank ngày 17/5/2019 có đoạn: "SMBC không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động hoặc bỏ sót không hành động nào của ông Yasuhiro Saitoh với tư cách là thành viên của HĐQT hay bất kỳ chức vụ nào mà ông Yasuhiro Saitoh nắm giữ tại EIB".

Lý do SMBC loại bỏ 2 đại diện trong HĐQT Eximbank chưa từng được công bố. Biết rằng trong khi ông Moriwaki đã rời khỏi HĐQT, thì ông Yasuhiro Saitoh từ giữa năm 2020 đến nay được công bố là Chủ tịch HĐQT Eximbank.

HĐQT 9 người của Eximbank hiện có các ông Saitoh, Cao Xuân Ninh, Lê Minh Quốc, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Nguyễn Quang Thông, Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải và bà Lương Thị Cẩm Tú.

Trong đó, 6 người đầu được cho là một nhóm, thường xuyên có sự đồng thuận gần như tuyệt đối. Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định xử phạt hành chính với nhóm 6 thành viên này vì không tổ chức EGM theo triệu tập hợp pháp của SMBC.

3 người còn lại, đặc biệt là bà Lương Thị Cẩm Tú từng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank vào tháng 3/2019, trước khi vị trí này rơi vào cuộc chiến pháp lý tới nay vẫn chưa ngã ngũ. Nhóm bà Cẩm Tú không thừa nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Saitoh, hay trước đó là ông Cao Xuân Ninh, cũng như ông Lê Minh Quốc.

Nhóm này được cho là nhận được sự ủng hộ của nhiều cổ đông trung lập, thể hiện rõ nhất qua tỷ lệ 51,92% cổ đông tham dự EGM 2019 ngày 30/6/2020, tuy nhiên lại đặc biệt yếu thế trong HĐQT. Trong khi đó, nhóm 6 người còn lại đủ khả năng pháp lý để chi phối hoạt động của Eximbank.

Sau hai lần bất thành, lần một dưới 65% cổ phần tham gia, lần hai dưới 51%, AGM 2020 lần 3 không còn yêu cầu túc số tối thiểu, có nghĩa rằng nhóm bà Cẩm Tú được đánh giá là đang nắm lợi thế không nhỏ trong Đại hội thường niên diễn ra sau đây 1 tuần. Tất nhiên, Chủ tịch Saitoh cùng các cộng sự không phải là đã "hết cách", khi họ có thể tiếp tục xin hoãn như tại AGM lần 3 ngày 17/8 vì lý do dịch bệnh, hay không chấp thuận bổ sung nội dung của SMBC.