ĐỜI SỐNG TIÊU ĐIỂM

Cô gái tuổi teen rơi từ máy bay vẫn sống sót suốt 11 ngày trong rừng rậm Amazon

Admin

Cô gái 17 tuổi là người duy nhất sống sót sau vụ tai nạn máy bay kinh hoàng ở vùng Amazon cách đây 50 năm.

Juliane Diller là người sống sót duy nhất trong vụ tai nạn máy bay ở Amazon năm 1971. Ảnh: Getty

Chuyến bay của Juliane Koepcke dự kiến kéo dài chưa đầy một giờ. Cô và mẹ đã lên máy bay ở Lima, Peru, để đến Pucallpa, một thành phố cảng chạy dọc theo sông Ucayali. Điểm đến cuối cùng của họ là Panguana, một trạm nghiên cứu sinh học trong rừng rậm Amazon, nơi cô đã sống trong nhiều năm với cha mẹ mình, Maria và Hans-Wilhelm Koepcke, cả hai đều là những nhà động vật học.

Một điều bất ngờ đã xảy ra. Khi đang bay cao trên bầu trời Peru, máy bay gặp bão. Sự hỗn loạn bao trùm, mọi người la hét và hoảng loạn. Từ một chiếc ghế bên cửa sổ ở hàng ghế sau, Juliane nhìn thấy một tia sét đánh vào cánh phải của máy bay. Chiếc máy bay lao thẳng xuống đất.

Bà nói với New York Times vào năm 2021: "Điều tiếp theo tôi biết là tôi đã rơi khỏi cabin. Tôi nằm ở bên ngoài".

Đó là đêm Giáng sinh năm 1971. Tất cả mọi người trên chuyến bay đều đã chết trừ Juliane. Bà đã rơi khoảng hơn 3.000m. Người ta cho rằng bà vẫn còn sống là nhờ một hàng ghế mềm làm đệm khi ngã.

Sau cú ngã, bà bị bong gân đầu gối, gãy xương đòn, chấn thương ở vai phải và bắp chân trái, mắt sưng húp. Bây giờ, nhiệm vụ của bà là sống sót một mình trong khu rừng hẻo lánh.

Trong cuốn hồi ký năm 2011 (When I Fell From the Sky), bà viết: "Tôi nằm đó cho đến sáng hôm sau. Người tôi hoàn toàn ướt sũng, đầy bùn đất. Trời đã mưa suốt một ngày đêm".

Bà cho biết tiếng chim và ếch nhái xung quanh rất quen thuộc. "Tôi nhận ra âm thanh của động vật hoang dã từ Panguana và biết rằng mình đã sống sót sau vụ tai nạn", bà nói.

Juliane chỉ có một túi kẹo để ăn, và vào ngày Giáng sinh, bà lên đường đi bộ qua Amazon, mạo hiểm chạm trán với đủ loại động vật, thực vật chết người, côn trùng và bệnh tật.

Đó là mùa mưa nên không có trái cây, không có cách nào nhóm lửa. Bà uống nước từ dòng sông, và trong 11 ngày, bất chấp những khó khăn chồng chất, bà đã đến nơi an toàn.

50 năm sau

Đối với nhiều người, việc quay lại nơi mình gặp tai nạn có thể là thách thức cực kỳ khó khăn. Nhưng Juliane, giờ là Tiến sĩ Juliane Diller, đã quay lại đây làm việc.

Sau vụ tai nạn, Tiến sĩ Diller chuyển đến Đức và học tiến sĩ sinh học, sau đó trở thành một nhà động vật học được kính trọng giống như cha mẹ bà.

Vào năm 1989, bà kết hôn với Erich Diller, một nhà côn trùng học chuyên nghiên cứu về ong bắp cày ký sinh.

Năm 2000, bà đảm nhận vị trí giám đốc trạm nghiên cứu Panguana và trở thành người tổ chức chính cho các chuyến thám hiểm quốc tế tại đây.

Bà nói: "Rừng đã cứu tôi. Trong chuyến đi bộ 11 ngày, tôi đã tự hứa với mình. Tôi thề rằng nếu còn sống, tôi sẽ cống hiến cuộc đời mình cho một mục đích có ý nghĩa là phục vụ thiên nhiên và nhân loại".

Tuy nhiên, những ký ức vẫn ám ảnh bà. "Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc tôi phải chấp nhận rằng thực sự chỉ có mình tôi sống sót và mẹ đã qua đời", bà nói.

Giờ đây, mọi thứ đã tốt hơn và Panguana không ngừng phát triển, ngày càng nghiên cứu nhiều hơn về thế giới tự nhiên.

Năm 2021, dưới sự giám sát của Tiến sĩ Diller, trạm đã tăng cường tiếp cận cộng đồng bản địa, xây dựng một ngôi trường mới và nâng cao nhận thức về những tác động, cả ngắn hạn và dài hạn, mà con người gây ra đối với đa dạng sinh học của Trái đất.

"Tôi rất biết ơn vì những gì đã đạt được", bà nói.