KINH TẾ

Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường BĐS như thế nào?

Admin

Năm 2020, kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - đầu tư, trong đó có thị trường BĐS.

Cơ hội và thách thức

Tại Hội thảo thường niên cổ phiếu BĐS lần thứ 4 “Chiến lược đầu tư thời Covid 19” do Tạp chí Thương gia tổ chức ngày 18/11/2020, Ts. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết: “Dịch Covid-19 tác động rất nặng nề lên nền kinh tế thế giới, nền kinh tế của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, có một điều hết sức rõ ràng là Chính phủ Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh này. Đây chính là một điểm sáng cho thị trường Việt Nam.

Điểm sáng tiếp theo là việc Chính phủ có thể ổn định được mục tiêu kép, đó là vừa đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa dịch, vừa đảm bảo được sự tăng trưởng của GDP luôn dương thay vì âm như các nước khác. Mặc dù, trong vòng 10 năm trở lại đây, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tăng trưởng kinh tế của chúng ta khoảng 6 - 6,8 %. Thế nhưng, với tình hình như hiện tại thì những gì chúng ta đang đạt được là rất tốt”.

Ts. Sử Ngọc Khương cho hay, một điểm sáng khác của thị trường Việt Nam chính là BĐS công nghiệp mà lâu nay chúng ta chỉ nói đến một phần nào đó của phân khúc này mà không khắc họa được đầy đủ một bức tranh tổng thể.

Thị trường BĐS đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hiện nay, việc đầu tư quy mô lớn vào các BĐS công nghiệp ở Việt Nam không chỉ là xây dựng khu công nghiệp lớn mà còn là xây dựng các chuỗi hậu cần logistics khép kín, trong đó gồm chuỗi cung ứng, khu công nghiệp, hậu cần kho bãi... “Đây chính là bài toán lớn mà thị trường Việt Nam cần phải cân nhắc, nhất là sau khi gia nhập Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đặc biệt hơn, khi cán cân của nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển từ Trung Quốc đến các nước lân cận thì Việt Nam được xem là một điểm sáng khi mà cơ sở hạ tầng đang từng bước được thay đổi cùng với các thể chế chính sách đang mở rộng cánh cửa ra để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài”, Ts. Sử Ngọc Khương nhấn mạnh.

Hơn nữa, đích thân Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ vấn đề này trong các cái kỳ đại hội về việc mời gọi các nhà đầu tư đến tham gia vào lĩnh vực sản xuất dịch vụ ở Việt Nam. Do đó, bài toán lớn về BĐS công nghiệp ở đây chính là hình thành những chuỗi giá trị đầu tư khép kín, song song với hệ thống cảng biển nước sâu hiện có, mà hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải là một ví dụ điển hình.

BĐS sẽ tăng trưởng trở lại

Đánh giá những biến động của thị trường BĐS thời gian qua, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) thông tin, “Thị trường BĐS 5 năm qua có rất nhiều biến động, giai đoạn 2016-2017, thị trường BĐS phát triển rất tích cực, cả về quy mô thị trường, số lượng dự án, sản phẩm nhà ở và giao dịch. Bước sang giai đoạn 2018-2020, thị trường BĐS bị sụt giảm rất lớn cả về quy mô, số lượng dự án, số lượng sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường và số lượng giao dịch”.

Theo các chuyên gia thị trường BĐS, cả nước và Tp.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Đáng lưu ý là tình trạng “lệch pha cung - cầu” ngày càng rõ rệt, biểu hiện ở tình trạng rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, đi đôi với đó là thừa nguồn cung sản phẩm nhà ở cao cấp, sản phẩm lưu trú du lịch (condotel).

Riêng 10 tháng đầu năm 2020, thị trường BĐS bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường BĐS trong 3 năm gần đây. Thị trường bị sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Theo thống kê, có đến 923 doanh nghiệp BĐS giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch Covid-19, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác; ngân sách nhà nước bị giảm mạnh nguồn thu từ BĐS kể từ năm 2018 đến nay.

Mặc dù bị tác động bởi đại dịch nhưng giá bán nhà trên thị trường sơ cấp vẫn “neo” ở mức cao; giá nhà chỉ giảm trên thị trường thứ cấp (hầu hết do bán lại, chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ) và thị trường BĐS cho thuê; giao dịch bị sụt giảm dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản. Trong khi đó, đa số người tiêu dùng bị sụt giảm thu nhập làm giảm khả năng tạo lập nhà ở.

Đại dịch Covid-19 cũng đã tác động rất lớn đến phân khúc BĐS cho thuê (văn phòng cho thuê; nhà, mặt bằng cho thuê; trung tâm thương mại cho thuê); BĐS du lịch, condotel; môi giới BĐS và khoảng 35 ngành nghề có liên quan BĐS.

Tuy vậy, ông Lê Hoàng Châu cũng lạc quan dự báo, từ nay đến Tết Âm lịch Tân Sửu và năm 2021, thị trường BĐS cả nước và Tp.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, do có những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới. Riêng tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và thị trường BĐS Tp.HCM phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn, với những lực gia tốc mới.

“Tuy nhiên, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương trong khâu thực thi pháp luật, tháo gỡ ách tắc cho các dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại, để thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ đề ra, vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế vững chắc”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, theo ông Nguyễn Minh Khang - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư LDG, viễn cảnh về đầu tư BĐS trong 5 năm tới rất tốt, cho dù luật có thay đổi hay không thì các doanh nghiệp BĐS vẫn phải đầu tư. Còn về độ rủi ro của BĐS thì ông Khang cho rằng, điều tiết chính sách của Việt Nam đang rất tốt cho nên sẽ không có hiện tượng bong bóng BĐS như trước./.