Đến ngày 8/12, hơn 6,8 triệu người TP. HCM tiêm mũi 2. (Nguồn: SK&ĐS) |
Là địa phương đầu tiên cả nước triển khai tiêm mũi 3, các quận huyện ở Thành phố đã rà soát người trên 50 tuổi, bệnh nền, lực lượng chống dịch… để tiêm từ hôm nay.
Theo kế hoạch tiêm mũi 3, thành phố tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, có tình trạng suy giảm miễn dịch (người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong 6 tháng...) đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày.
Người từ 50 tuổi trở lên được ưu tiên tiêm trước.
Đối với liều nhắc lại, thành phố sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 6 tháng.
Nhóm được ưu tiên là người bệnh nền, cần chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Lộ trình tiêm dự kiến chia thành hai giai đoạn: Đợt một từ ngày 10/12 đến hết năm nay tập trung tiêm cho người suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày và người tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng. Đợt hai suốt năm 2022, thành phố tổ chức tiêm cho các nhóm ưu tiên và toàn bộ người trên 18 tuổi.
Ở Hà Nội, nhiều người dân test nhanh tại nhà có kết quả dương tính SARS-CoV-2 đã tự "vượt tuyến" lên cơ sở chuyên điều trị F0 nặng, gây tình trạng quá tải.
Tình trạng này xảy ra trong nhiều ngày qua tại Bệnh viện Thanh Nhàn, vốn được phân công nhiệm vụ là "tuyến cuối" điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Hà Nội.
ThS.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Bệnh viện Thanh Nhàn thông tin: "Trong tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội, có tình trạng người dân khi có dấu hiệu ho sốt đã tự mua test nhanh để xét nghiệm SARS-CoV-2 tại nhà. Sau khi có kết quả dương tính, thay vì thông báo với chính quyền địa phương, y tế cơ sở, những người này lại đến thẳng đến Bệnh viện Thanh Nhàn".
Theo thống kê sơ bộ, có những ngày, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận hơn 20 trường hợp nêu trên.
BS Hường cảnh báo tình trạng người dân tự test nhanh dương tính không thực hiện theo đúng quy trình thu dung, điều trị mà "vượt tuyến" lên cơ sở được phân công điều trị bệnh nhân nặng có thể gây nhiều hệ lụy.
Hà Nội hiện phân thành 3 tầng điều trị dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ. Cụ thể:
Tầng 1 dành cho trường hợp bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình. Những trường hợp ở tầng này được điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.
Tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao. Những trường hợp này điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2.
Tầng 3 dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao. Những trường hợp này được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Sơn Tây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và các bệnh viện trung ương.