Trong 24 giờ qua (từ 16h ngày 8/1 đến 16h ngày 9/1), Việt Nam ghi nhận 15.779 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 28 ca nhập cảnh và 15.751 ca ghi nhận trong nước (giảm 762 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.217 ca trong cộng đồng).
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. (Nguồn: TĐ) |
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (11), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.899.575 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 19.253 ca nhiễm).
Hải Phòng huy động xe tham gia cấp cứu F0
Theo ngành y tế Hải Phòng, ngày 9/1, toàn thành phố đã ghi nhận thêm 842 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca mắc lên 15.491 F0.
Cụ thể, tại 14/15 quận, huyện của thành phố Hải Phòng có 842 F0, trong đó 131 trường hợp F1, 1 trường hợp là thuyền viên lấy mẫu tại thuyền, 574 trường hợp tự đi làm xét nghiệm, còn lại là các trường hợp test nhanh dương tính và trường hợp sàng lọc tại công ty thuộc các khu công nghiệp của An Dương và Thủy Nguyên.
Hải Phòng đã ghi nhận thêm 2 F0 tử vong, nâng số ca tử vong lên 21 trường hợp. Số F0 diễn biến nặng là 48 ca, hồi phục xuất viện 6.815 ca.
Trước diễn biến số ca F0 tiếp tục tăng và thành phố lên cấp độ dịch 4, thành phố Hải Phòng đã cho dừng hoạt động nhiều tuyến vận tải khách nội tỉnh, liên tỉnh.
Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng cũng gửi văn bản đến cơ quan, đơn vị liên quan đề nghị đáp ứng phương tiện, lái xe, thực hiện phương án nâng cao năng lực vận chuyển cấp cứu người bệnh Covid-19 theo từng cấp độ trên địa bàn thành phố.
Cụ thể: Đối với mức độ 500 F0/100.000 dân, sẽ huy động và sử dụng là 16 xe khách từ 4 đến 7 chỗ, dự phòng 1 xe 27 chỗ dùng cho những ổ dịch lớn; mỗi xe cần tối thiểu 2-3 lái xe.
Mức độ 1.000 F0 /100.000 dân, huy động và sử dụng 25 xe khách từ 4 đến 7 chỗ, dự phòng 1 xe 27 chỗ dùng cho những ổ dịch lớn, mỗi xe cần tối thiểu 2 đến 3 lái xe.
Đối với mức độ 3.000 F0/100.000 dân, huy động và sử dụng 60 xe khách từ 4 đến 7 chỗ, dự phòng 1 xe 27 chỗ dùng cho những ổ dịch lớn, mỗi xe cần tối thiểu 2 đến 3 lái xe.
Sở GTVT đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn thành phố nếu đáp ứng được các tiêu chí nêu trên thì xây dựng dự toán kinh phí thuê phương tiện theo đơn giá tính gồm kinh phí thuê lái xe và các chi phí phát sinh khác gửi về Sở GTVT trước ngày 12/1 để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
93% F0 ở Hà Nội thuộc tầng 1
Bản tin Covid-19 TP. Hà Nội phát đi tối 9/1 cho thấy trong 24 giờ qua Thủ đô ghi nhận 2.811 ca bệnh, phân bố tại 405 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc nhiều nhất từ trước tới nay ở Hà Nội.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 70.958 ca.
Trong gần 1 tháng nay, Hà Nội chủ yếu phát hiện ca dương tính qua test nhanh. Lượng F0 phát hiện qua test RT-PCR từ 500-700 ca/ngày. Tính từ ngày 15/12/2021 đến nay, đã có 28.316 trường hợp dương tính được xác định bằng test nhanh kháng nguyên tại 30 quận, huyện, thị xã.
Tới hết ngày 8/1, toàn thành phố có gần 44.000 F0 đang được điều trị. Trong đó có tới gần 34.000 F0 điều trị tại nhà và gần 7.000 F0 điều trị tại cơ sở thu dung của Hà Nội và quận/huyện. Như vậy, có gần 93% F0 ở Hà Nội thuộc tầng 1.
Sơn La thành lập thêm khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19
Từ đầu năm 2022 đến nay, số F0 ở Sơn La tiếp tục tăng, nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng ở mức cao.
Luỹ kế từ ngày 5/10/2021 đến nay, toàn tỉnh Sơn La ghi nhận 1.771 F0, trong đó 815 ca đã được điều trị khỏi bệnh, 955 ca đang điều trị, 1 ca tử vong (do suy kiệt tuổi già). Các huyện ghi nhận số ca F0 nhiều là: Mai Sơn, Mộc Châu, Mường La, Phù Yên và thành phố Sơn La.
Do số ca mắc tăng cao nên UBND tỉnh Sơn La đã thành lập thêm Khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn thành phố Sơn La, thuộc Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh.
Quy mô khu điều trị cách ly bệnh nhân Covid-19 có 400 giường bệnh, Thực hiện tổ chức thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị người bệnh mức độ nhẹ; chuyển những trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng cần can thiệp đến Khu điều trị cách ly bệnh nhân Covid-19 thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La để theo dõi và tiếp tục điều trị.
TP. Hồ Chí Minh mở rộng chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao
Ngày 9/1, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh có thông báo kết quả về "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" sau một tháng triển khai.
Theo đó, thành phố đã lập danh sách 639.972 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó phát hiện 25.642 người chưa tiêm vaccine (chiếm 4,0%). Xét nghiệm tầm soát phát hiện 5.437 người mắc Covid-19 (chiếm 0,8%).
Bên cạnh đó, ban chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên 2 lần đối với những người thuộc nhóm nguy cơ theo danh sách trên địa bàn, mỗi lần cách nhau 3 ngày (nếu lần 1 âm tính).
Các đơn vị cũng khuyến khích thành viên các hộ gia đình làm xét nghiệm nhanh cho người thuộc nhóm nguy cơ. Trường hợp không tự làm xét nghiệm được, trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng thực hiện xét nghiệm cho người thuộc nhóm nguy cơ.
Trong hai đợt xét nghiệm đã phát hiện 5.437 người mắc Covid-19. Trạm y tế và trạm y tế lưu động đánh giá, phân loại có 4.670 F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà (86,4%) và 4.471 F0 được sử dụng ngay thuốc kháng virus; 767 ca F0 được chuyển đến cơ sở điều trị để được chăm sóc, điều trị (13,6%).
Tất cả danh sách người F0 thuộc nhóm nguy cơ được chuyển đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để thực hiện tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ, bao gồm chăm sóc cả các bệnh nền.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh việc chăm sóc và điều trị, các trung tâm y tế đã triển khai tiêm vaccine ngay cho những người thuộc nhóm nguy cơ, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong đi lại sẽ được tiêm vaccine tại nhà.
Tính đến ngày 8/1, có 18.007 người thuộc nhóm nguy cơ (70,2%) chưa tiêm đã được thuyết phục và tiêm vaccine.
Sở Y tế cho biết, trong thời gian thực hiện các hoạt động trọng tâm của chiến dịch, bước đầu đã phát hiện ra những người nguy cơ cần được can thiệp ngay góp phần giảm tử vong.
Thành phố sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của chiến dịch cho đến hết năm 2022, theo đó, đối tượng người thuộc nhóm nguy cơ sẽ được mở rộng theo chỉ đạo của Bộ Y tế (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vaccine phòng Covid-19).
Song song đó, mỗi tháng, thành phố sẽ thực hiện xét nghiệm tầm soát 1 lần cho người thuộc nhóm nguy cơ nêu trên và đợt 1 năm 2022 sẽ hoàn tất trong tháng 1/2022.
Cả nước đã tiếp nhận 206,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19Bộ Y tế cho biết từ tháng 3/2021 đến hết ngày 4/1, Việt Nam đã tiếp nhận 206,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Số vaccine đã được phân bổ cho các địa phương, đơn vị đạt 176,8 triệu liều. Số còn lại khoảng 29,7 triệu liều (mới tiếp nhận) đang được Bộ Y tế tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng để xuất xưởng.
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa tiến độ tiêm chủng để trong tháng 1/2022, hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi và trong quý I/2022, hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Về tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên, ngày 6/1, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thăm dò, khảo sát việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm từ các địa phương trong nước, chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em để đến trường học trực tiếp.
Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản đề nghị Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc mua vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.