Trong 24 giờ qua (từ 16h ngày 10/1 đến 16h ngày 11/1), Việt Nam ghi nhận 16.035 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 16 ca nhập cảnh và 16.019 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.236 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.691 ca trong cộng đồng).
Bộ Y tế thông tin về các cảnh báo, thận trọng khi dùng thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir. (Nguồn: Reuters) |
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 31 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.930.428 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 19.564 ca nhiễm).
3 trường hợp mắc Covid-19 biến thể Omicron tại Đà Nẵng đã ra viện
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh thông tin, Đà Nẵng ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron; các trường hợp này đã có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, ra viện ngày 10/1, đang được theo dõi sức khỏe tại nhà.
Theo đó, trên hai chuyến bay nhập cảnh Đà Nẵng từ Malaysia trong ngày 23-24/12/2021 (mỗi chuyến bay chở trên 180 người), đã có 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Do nghi ngờ có thể mắc biến chủng Omicron, lãnh đạo thành phố đã quyết định chuyển 4 người này từ Bệnh viện Dã chiến số 1 (Ký túc xá phía Tây, quận Liên Chiểu) tới Bệnh viện Hòa Vang để điều trị riêng biệt; tổ chức theo dõi, xét nghiệm những người phục vụ tại sân bay trong thời điểm có những người từ Malaysia nhập cảnh. Thành phố cũng gửi 4 mẫu xét nghiệm của các trường hợp này đến Viện Pasteur Nha Trang để giải trình tự gen.
Ngày 10/1, Viện Pasteur Nha Trang đã có kết quả khẳng định 3/4 mẫu dương tính với SARS-CoV-2 nói trên nhiễm biến chủng Omicron.
Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng Phạm Trần Xuân Anh cho rằng, hiện trên thế giới chưa nghiên cứu rõ người nhiễm chủng Omicron có diễn biến bệnh nặng hơn các biến chủng khác. Biến thể Omicron lây lan nhanh hơn các biến chủng khác nhưng biến chứng nhẹ hơn.
Trước mắt, để ứng phó với biến chủng này, cần triển khai tiêm đủ vaccine phòng Covid-19 và tiêm mũi 3; người dân thực hiện nghiêm biện pháp 5K của Bộ Y tế.
Từ 13h ngày 10/1 đến 13h ngày 11/1, Đà Nẵng ghi nhận 543 ca mắc Covid-19, trong đó có 346 ca cộng đồng.
Hơn 3.000 công nhân ở Nghệ An tạm dừng làm việc khi công ty phát hiện gần 90 F0
Ngày 11/1, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông (TP. Vinh, Nghệ An) Trần Anh Tấn cho biết, một nhà máy đóng trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động trong ngày sau khi xuất hiện nhiều ca F0.
Ca mắc Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Công ty cổ phần may Minh Anh Kim Liên (Khu công nghiệp Bắc Vinh, đóng tại xã Hưng Đông, từ ngày 5/1. Liên tiếp những ngày sau đó, tại công ty này ghi nhận thêm nhiều ca F0.
Ông Trần Anh Tấn thông tin: "Đến hôm nay, đã có 87 công nhân của công ty này được xác định mắc Covid-19, ngành chức năng tổ chức truy vết hơn 300 F1, đều là công nhân của nhà máy".
Nhiều biện pháp nhằm khoanh vùng, khống chế, dập dịch đã được lãnh đạo công ty và Ban chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 địa phương triển khai. Các công nhân được xét nghiệm sàng lọc; tổ chuyền, bộ phận đã xuất hiện nhiều F0 và F1 tạm nghỉ để phòng dịch; công ty bố trí khu vệ sinh riêng cho dây chuyền chưa có ca nhiễm; phân ca làm việc riêng biệt, sau mỗi ca làm lại tiếp tục khử khuẩn, vệ sinh... để đảm bảo công tác phòng, chống dịch và không gián đoạn quy trình, tiến độ sản xuất.
Công ty cổ phần Minh Anh Kim Liên có quy mô 3.200 công nhân, trong đó công nhân đi về các huyện lân cận hằng ngày chiếm số lượng lớn. Do vậy, công tác phòng, chống lây lan dịch Covid-19 sang các địa bàn dân cư cũng được triển khai nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Công ty quyết định tạm dừng hoạt động 3 ngày, kể từ ngày 11/1.
Cụ thể, bên cạnh tạm dừng hoạt động 3 ngày để khử khuẩn toàn bộ nhà xưởng, công ty sẽ phân luồng các nhóm nguy cơ, nguy cơ cao, nhóm an toàn để bố trí sản xuất trở lại. Cùng với đó, kịch bản hoạt động phù hợp với tình hình thực tế để chủ động trong chống dịch, không để "đứt gãy" chuỗi sản xuất của nhà máy cũng đã được xây dựng.
Trong thời gian này, công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho toàn bộ công nhân và người lao động trong công ty sẽ được đẩy nhanh tiến độ.
Bộ Y tế thông tin về các cảnh báo, thận trọng khi dùng thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir
Chiều 11/1, Bộ Y tế cho biết, đến nay chưa có thông tin về quyết định chính thức từ Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) hoặc Cơ quan quản lý Dược Ấn Độ về việc "loại thuốc Molnupiravir khỏi danh mục thuốc điều trị Covid-19 do lo ngại tác dụng phụ".
Bộ Y tế cho biết vừa qua, một số báo có đăng tải thông tin về việc Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) "loại thuốc Molnupiravir khỏi danh mục thuốc điều trị Covid-19-19 do lo ngại tác dụng phụ".
Tuy nhiên, theo trang tin india.com đăng tải ngày 5/1 trích dẫn ý kiến của TS Bhargava, Tổng giám đốc ICMR (đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng phác đồ điều trị Covid-19 tại Ấn Độ) về việc cơ quan này đến nay vẫn chưa cập nhật thuốc Molnupiravir vào danh sách các thuốc điều trị Covid-19 theo phác đồ của ICMR do quan ngại về một số phản ứng phụ như đột biến gen, tổn hại đến cơ và xương có thể dẫn tới các nguy cơ cho việc mang thai và cho trẻ em. Trang này không hề đưa thông tin ICMR loại Molnupiravir ra khỏi danh sách các thuốc điều trị Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc.
Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.
Hậu Covid-19, F0 triệu chứng nhẹ mắc di chứng kéo dài
Nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ với các triệu chứng cơ bản như sốt, ho, đau cơ, nhưng khi hết bệnh vẫn phàn nàn về những di chứng "hậu Covid" như mất ngủ, chán ăn, "thở thôi cũng mệt", rối loạn kinh nguyệt...
Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, với người mắc SARS-CoV-2, tổn thương phổi là tổn thương nặng nhất.
Ngoài ra, có những tổn thương khác như bệnh nhân điều trị hồi sức lâu có thể bị yếu cơ. Trong quá trình điều trị Covid-19, bệnh nhân cũng có thể bị đột quỵ do tình trạng tăng đông.
Không dừng lại đó, nhiều F0 dù đã âm tính vẫn còn cảm giác đau nhức, mệt mỏi nhiều.
BS. Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau khi khỏi bệnh Covid-19, một số người bị đau nhức cơ thể, đau khớp, đau đầu, tay chân, đau lưng...
Rất nhiều người phàn nàn tình trạng mệt mỏi, cảm giác suy kiệt, bải hoải toàn thân sau mắc Covid-19. Thậm chí, có bệnh nhân sau khỏi Covid-19 nhiều tháng nhưng "thở thôi cũng mệt, sức khoẻ đi xuống trầm trọng". Có người trở lại công việc sau khi khỏi bệnh nhưng "làm việc 1 ít thôi đã choáng váng con mắt".
Theo BS. Khanh, tình trạng này ở người từng nhiễm SARS-CoV-2 cũng như nhiễm các virus khác (như thương hàn hay sởi), có người bị mệt mỏi vài ngày, có khi lại vài tuần, thậm chí hằng tháng.
Có nhiều vấn đề làm tình trạng mệt mỏi nhiều hơn và kéo dài hơn như thiếu ngủ; lo lắng, căng thẳng, stress; càng chán nản lại càng mệt mỏi; thậm chí có người nhiều việc và ham việc, muốn chứng minh mình đã khoẻ nên lao vào công việc... nên càng mệt mỏi.
Theo BS Khanh, F0 sau khi khỏi bệnh, nếu mệt mỏi thì nên nghỉ ngơi, không nên gắng sức mà cần làm việc chậm rãi, từ tốn. Ngủ đủ giấc, điều độ, thư giãn bằng thiền hay tâp yoga cũng rất hợp lý.
Sau khi mắc Covid-19, cơ thể mệt mỏi do hậu nhiễm trùng, cần năng lượng tạo kháng thể, người bệnh nặng có khi kéo dài 6 tháng. Do đó, cần tiết kiệm năng lượng, không nên "ham công tiếc việc" không lượng sức.
Đặc biệt, dinh dưỡng sau khi khỏi bệnh rất quan trọng, cần thực hiện điều độ, tránh tình trạng tăng cân béo phì. Nếu tình trạng mệt mỏi tăng nặng, kéo dài suốt nhiều tuần thì nên đi khám bệnh.
Yên Bái lấy mẫu xét nghiệm người dân trở về quê ăn Tết
Tỉnh Yên Bái vừa có công văn yêu cầu các địa phương trong tỉnh rà soát số lượng người về quê ăn Tết và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 1 và thứ 3 với tất cả người trở về địa phương này vào dịp Tết Nguyên đán 2022.
Theo đó, tỉnh Yên Bái yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn thực hiện rà soát tới tất cả các hộ gia đình để nắm được số lượng người thân ngoại tỉnh về nghỉ Tết.
Các trạm y tế tuyến xã đảm bảo trực 24/24h để tiếp nhận thông tin khai báo y tế của người dân, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tầm soát (vào ngày thứ nhất và ngày thứ 3) đối với toàn bộ người dân ngoại tỉnh về địa phương trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Ngoài ra tỉnh này cũng yêu cầu các huyện, thị xã chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cách ly, điều trị F0 thể nhẹ tại nhà và triển khai trạm y tế lưu động để hỗ trợ người cách ly điều trị tại nhà.
Từ ngày 27/11/2021 đến nay, Yên Bái đã ghi nhận 861 ca bệnh, trong đó điều trị khỏi 483 ca.
Số ca mắc ở Hà Nội tăng “chóng mặt”, gần 500 ca nặng, nguy kịch
Sở Y tế Hà Nội tối 11/1 thông tin, trong 24 giờ qua TP ghi nhận 2.884 ca Covid-19 mới, trong đó có 718 ca trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Hà Nội phát hiện hơn 2.700 ca/ngày.
Số mắc cộng dồn tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 76.674 ca.
Tính đến hết ngày 10/1, toàn thành phố có hơn 48.500 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly; trong đó có 38.685 người (chiếm gần 80%) đang điều trị tại nhà; số còn lại điều trị tại cơ sở thu dung thuộc tầng 1; tại bệnh viện tầng 2 và 3.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong hơn 4.000 F0 điều trị tại bệnh viện ở Hà Nội (gồm bệnh viện Trung ương và bệnh viện của Hà Nội) có 467 trường hợp nặng, nguy kịch (tăng 17 ca so với ngày trước đó).