Khỏe & Đẹp ĐỜI SỐNG

Covid-19 sáng 18/11: Bình quân 1 triệu người có 10.709 ca nhiễm; số ca tử vong chiếm 2,2%; nhiều địa phương sẵn sàng cho kịch bản dịch bùng phát

Kỳ Văn

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.055.246 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Covid-19 sáng 18/11: Số ca mắc mới tiếp tục tăng tại nhiều địa phương; bình quân 1 triệu người có 10.709 ca nhiễm; số ca tử vong chiếm 2,2%.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.055.246 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.709 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.050.185 ca, trong đó có 872.053 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (451.113), Bình Dương (245.321), Đồng Nai (79.926), Long An (36.925), Tiền Giang (21.951).

Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19

Số bệnh nhân khỏi bệnh: Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 3.873; Tổng số ca được điều trị khỏi: 874.870.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.338 ca.

Từ 17h30 ngày 16/11 đến 17h30 ngày 17/11 ghi nhận 67 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (26), Bình Dương (12), An Giang (7), Tây Ninh (4), Long An (4), Cần Thơ (3), Sóc Trăng (3), Bình Thuận (2), Bạc Liêu (2), Hà Nội (1), Vĩnh Long (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Đồng Tháp (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 82 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.337 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tình hình xét nghiệm

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 113.507 xét nghiệm cho 280.186 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 24.466.573 mẫu cho 64.994.812 lượt người.

Các địa phương sẵn sàng kịch bản khi dịch bùng phát

Trước diễn biến mới của dịch bệnh, tỉnh Hải Dương điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, đối với huyện Ninh Giang tạm thời phong tỏa nghiêm ngặt xã Tân Phong và phong tỏa hẹp 2 xóm thuộc xã Kiến Quốc và Đông Xuyên có xuất hiện F0. Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Giang thành lập Tổ công tác của xã, thôn để đảm bảo đời sống người dân tại các khu phong tỏa.

UBND tỉnh Hải Dương quyết định thành lập cơ sở 2, cơ sở 3 thuộc Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, sử dụng nguyên trạng Phòng khám Đa khoa khu vực Tuy Hòa thuộc Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang với quy mô 70 giường bệnh và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Ninh Giang với quy mô 150 giường bệnh để điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tại Thừa Thiên - Huế, dù đã nỗ lực giám sát chặt chẽ dịch tễ của các công dân khi trở về địa phương nhưng vì ý thức người dân chưa cao nên những ngày gần đây, diễn biến dịch Covid-19 tại Thừa Thiên - Huế đang trở nên phức tạp.

Để ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch ở địa phương, tỉnh đang gấp rút chuẩn bị và sẵn sàng đưa vào hoạt động các khu thu dung, điều trị F0 triệu chứng nhẹ, không triệu chứng trong vài ngày tới.

Bên cạnh Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà, Công ty Cổ phần Hello Quốc tế Việt Nam (Khu Công nghiệp Tứ Hạ và nhà xưởng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Bảo Thành (phường Tứ Hạ) đang dần hoàn thiện để trở thành trung tâm thu dung, điều trị người bệnh triệu chứng nhẹ, không triệu chứng của Thừa Thiên - Huế, với tổng quy mô khoảng 900 giường bệnh.

Trong khi đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã yêu cầu các địa phương đã xuất hiện ổ dịch phải nhanh chóng triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; “thần tốc” truy vết, xét nghiệm, test nhanh, kịp thời phát hiện, phát hiện sớm các trường hợp F0 trong cộng đồng, chặn đứng đà lây lan, khoanh vùng gọn nhất, khóa chặt các ổ dịch, tuyệt đối không để ổ dịch trở thành đợt dịch; hạn chế tối đa số ca mắc mới, số ca trở nặng và không để tử vong.

Các địa phương có ổ dịch như Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Tiên Yên khẩn trương tập trung phân tích, xác định cụ thể nguyên nhân mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn, đánh giá sát, đúng tình hình nhằm khoanh vùng gọn nhất, “thần tốc” xét nghiệm, nhanh chóng cô lập ca bệnh, chặn đứng nguồn lây, khóa chặt ổ dịch trong thời gian ngắn nhất; không để dịch âm thầm lây lan rộng tại các khu vực trường học, khu đông dân cư, nhà máy, xí nghiệp, khu vực miền núi cao.

Đồng thời, thực hiện triệt để việc theo dõi, điều trị các ca F0 thể nhẹ, không triệu chứng, cách ly F1 tại nhà, tuyến y tế cơ sở; trong đó, lưu ý các trường hợp F0 là trẻ em dưới 18 tuổi, người có bệnh nền chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi và người già có bệnh nền; trường hợp trở nặng phải chuyển điều trị tại Bệnh viện số 1, thành phố Móng Cái.

Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Y tế với các địa phương để kiểm điểm tiến độ triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, không để vaccine tồn kho

Chiều 17/11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để kiểm điểm tiến độ triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19. Hội nghị kết nối trực tuyến đến các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị.

Tính đến chiều 17/11, cả nước đã phân bổ 129,6 triệu liều vaccine phòng Covid-19, đã tiêm trên 102 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó mũi 1 là khoảng 65,3 triệu liều và mũi 2 là khoảng 36,8 triệu liều; tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt khoảng 88,2%, tiêm đủ 2 mũi đạt 50,9% ở người trên 18 tuổi. Có 17 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17.

Tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, qua theo dõi và giám sát công tác tiêm chủng cho thấy, tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương nhanh, đảm bảo yêu cầu, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương tiêm chậm, còn để vaccine đã được phân bổ tồn tại kho bảo quản vaccine khu vực, kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC). Một số tỉnh chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu tiêm chủng, làm ảnh hưởng đến việc cập nhật tiến độ chung của toàn quốc.

Một số tỉnh tuy chưa đạt yêu cầu về tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cho người trên 18 tuổi nhưng đã tiêm cho trẻ em. Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn đầy đủ về tiêm vaccine cho trẻ em, sử dụng liều, loại vaccine, khoảng cách các mũi tiêm, tuy nhiên vẫn có những địa phương còn lúng túng khi triển khai…

Trong thời gian gần đây (từ 15/10-14/11), Bộ Y tế đã liên tục ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để nhanh chóng đạt được tốc độ bao phủ mũi 1 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên các đối tượng từ 50 tuổi trở lên và người có bệnh nền) và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương phải báo cáo dự trù nhu cầu vaccine trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022, tuy nhiên mới chỉ có hơn một nửa các tỉnh, thành gửi báo cáo.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiêm chậm, “kêu thiếu vaccine” và nhập liệu chậm làm rõ thêm thông tin. Về cơ bản các địa phương chưa báo cáo đều cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin ngay và trong thời gian chậm nhất là 2 ngày sẽ có báo cáo gửi về Bộ Y tế, đồng thời sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiêm chủng, đẩy nhanh nhập liệu… Lãnh đạo một số địa phương cũng cho biết sẽ kiểm tra lại tiến độ tiêm chủng, cũng như việc báo cáo nhu cầu vaccine của đơn vị chuyên môn, nếu chậm trễ ở khâu nào sẽ xử lý nghiêm…

Tính từ 16h ngày 16/11 đến 16h ngày 17/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.849 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 9.839 ca ghi nhận trong nước (tăng 198 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 4.956 ca trong cộng đồng). Cụ thể:

- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (1.337), Đồng Nai (664), Bình Dương (601), An Giang (527), Tiền Giang (526), Bình Thuận (489), Đồng Tháp (489), Bà Rịa - Vũng Tàu (428), Kiên Giang (396), Tây Ninh (376), Sóc Trăng (364), Bạc Liêu (323), Vĩnh Long (290), Cà Mau (233), Hà Nội (218), Bình Phước (217), Đắk Lắk (188), Bến Tre (180), Long An (153), Trà Vinh (152), Cần Thơ (145), Khánh Hòa (144), Hà Giang (134), Bắc Ninh (107), Thừa Thiên Huế (96), Hậu Giang (94), Bình Định (87), Hải Dương (81), Bắc Giang (79), Quảng Ninh (79), Nghệ An (77), Quảng Nam (70), Thái Bình (60), Nam Định (51), Đà Nẵng (37), Quảng Ngãi (36), Ninh Thuận (34), Đắk Nông (32), Quảng Bình (29), Thanh Hóa (29), Tuyên Quang (25), Ninh Bình (19), Hà Nam (18), Phú Thọ (17), Cao Bằng (16), Quảng Trị (15), Hà Tĩnh (14), Phú Yên (13), Hưng Yên (12), Vĩnh Phúc (11), Hải Phòng (7), Kon Tum (7), Hòa Bình (6), Thái Nguyên (3), Điện Biên (3), Lào Cai (1).

- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (-307), Tiền Giang (-145), Cà Mau (-107).

- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (+154), Bà Rịa - Vũng Tàu (+128), Đắk Lắk (+100).

- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 8.831 ca/ngày.