Trong vòng 24h (từ 16h ngày 22/11 đến 16h ngày 23/11), Việt Nam ghi nhận 11.132 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó, có 6 ca nhập cảnh và 11.126 ca ghi nhận trong nước (tăng 827 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 6.010 ca trong cộng đồng).
Hà Nội bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh 15-17 tuổi. |
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.143.967 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 11.607 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.138.836 ca, trong đó có 908.493 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (459.123), Bình Dương (277.406), Đồng Nai (83.385), Long An (37.554), Tiền Giang (24.056).
Hơn 2 triệu trẻ em đã được tiêm vaccine Covid-19
Tối 23/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, tính đến 17h cùng ngày, có 13 quận, huyện, thị xã: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Long Biên, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Quốc Oai, Hoài Đức, Đan Phượng, Sơn Tây, Phú Xuyên triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 15-17 tuổi tại 79 điểm trường.
Kết quả trong ngày đầu tiên đã thực hiện tiêm được 33.618 mũi cho học lớp 10, 11, 12.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, cho biết, thành phố triển khai tiêm cho hơn 300 nghìn học sinh từ 15-17 tuổi của 286 trường Trung học phổ thông, trường liên cấp, trường dạy nghề và giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
Đợt tiêm này diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/11 và tiêm vét vào ngày 25/11.
Tất cả học sinh khi đến tiêm đều được kiểm tra sức khỏe, tư vấn về các phản ứng sau tiêm. Đối với những trường hợp có vấn đề về sức khỏe hay chưa tiêm được sẽ được chuyển lên bệnh viện để tiêm sau.
Trước đó, Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh và tư vấn kỹ cho học sinh về loại vaccine cũng như lợi ích khi tiêm vaccine Covid-19. Với mục tiêu đảm bảo an toàn cao nhất, tại mỗi điểm tiêm được bố trí phòng cấp cứu và xe cứu thương.
Hà Nội có 791.921 trẻ từ 12-17 tuổi, trong đó có 519.547 trẻ từ 12 -14 tuổi và 272.374 trẻ từ 15-17 tuổi. Thủ đô phấn đấu trong quý IV/2021 và quý I/2022 sẽ tiêm vaccine Covid-19 cho toàn bộ trẻ trong độ tuổi này.
Cùng với Hà Nội, từ 23/11, Hải Dương cũng bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi, nâng tổng số tỉnh tiêm vaccine cho trẻ ở nước ta lên 26.
Trước đó ngày 22/11, Hải Dương phân bổ 52.650 liều vaccine Pfizer cho 12 địa phương để tiêm cho trẻ em từ 15-17 tuổi. Theo kế hoạch, đợt tiêm này, Hải Dương phấn đấu hoàn thành trước 30/11, ưu tiên học sinh trong vùng dịch.
Ngày 22/11, Cần Thơ bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ. Theo kế hoạch, tổng số trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn thành phố là 112.746 trẻ; trong đợt đầu tiên sẽ tổ chức tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 tuổi, với tổng số 36.888 trẻ. Còn lại đợt tiếp theo sẽ tiêm cho các em từ 12-15 tuổi là 75.858 trẻ.
Dự kiến thời gian tiêm sẽ tổ chức từ ngày 22 đến 26/11 hoặc cho đến khi hết đối tượng trẻ em trong độ tuổi.
Như vậy đến ngày 23/11 đã có 27 tỉnh, thành phố tiêm vaccine cho trẻ. 24 tỉnh trước đó đã tiêm gồm: Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.
Hơn 2 triệu trẻ em ở 27 tỉnh/thành phố đã được tiêm vaccine mũi 1, trong đó có gần 6.000 trẻ đã tiêm đủ 2 mũi. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là hơn 22% dân số từ 12 -17 tuổi.
Việt Nam tổng hợp thành công hợp chất để sản xuất thuốc điều trị Covid-19
Mới đây, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu tổng hợp thành hợp chất Nitazoxanide ở quy mô pilot dùng để sản xuất thuốc điều trị Covid-19 ở thể nhẹ và trung bình.
Thành công của Viện Hóa học góp phần vào nỗ lực chung của các nhà khoa học Việt Nam trong nghiên cứu thuốc, vaccine và sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo GS.TS. Nguyễn Văn Tuyến - Viện trưởng Viện Hóa học, quy trình tổng hợp Nitazoxanide đạt hiệu suất cao qua 2 bước phản ứng từ nguyên liệu giá rẻ. Đây là loại thuốc generic giá rất rẻ, sử dụng đường uống, an toàn và phù hợp để thực hiện ở điều kiện Việt Nam.
Nitazoxanide có hoạt tính kháng virus phổ rộng diệt được nhiều virus khác nhau. Đặc biệt có hoạt tính chống lại SARS-CoV-2 được nuôi cấy trên tế bào vero cell6 với IC50 2 μM.
Ngoài ra, Nitazoxanide có khả năng tăng cường phản ứng miễn dịch, cải thiện phổi và các tổn thương trên nhiều cơ quan của cơ thể nên thuốc có thể được sử dụng hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19 mắc bệnh đi kèm, đặc biệt là cơn bão cytokine.
Hiện nay, trên thế giới đã và đang thực hiện 29 thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân Covid-19, trong đó có 8 thử nghiệm đã kết thúc và chứng minh Nitazoxanide có thể được sử dụng an toàn để điều trị sớm Covid-19 ở thể nhẹ và trung bình, làm giảm tải lượng virus, giảm số bệnh nhân phải nhập viện.
Nitazoxanide cũng được chứng minh sử dụng hiệu quả để điều trị bệnh nhân mang thai và điều trị dự phòng với các nhân viên y tế hiệu quả.
Vĩnh Phúc xuất hiện ổ dịch lớn
Theo thông tin từ UBND huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), xã Trung Kiên đang phải đương đầu với làn sóng dịch Covid-19 lớn nhất từ trước tới nay ở địa phương này. Dịch diễn ra nhanh, mạnh và có chiều hướng lan rộng phức tạp, khó lường do chùm ca bệnh trong cộng đồng có liên quan đến 2 đám cưới và học sinh các trường học trên địa bàn.
Số ca dương tính liên tục tăng cao, số F1 qua truy vết lớn đã khiến cho chính quyền và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã Trung Kiên phải chuyển trạng thái phòng dịch lên mức độ rất cao.
Ngay sau khi ghi nhận 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 35 trường hợp nghi ngờ dương tính được phát hiện, truy vết trong ngày 19/11, xã Trung Kiên nhận định số ca F0 vẫn có thể tồn tại trong cộng đồng, cần thiết phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch.
Xã đã thành lập 5 chốt kiểm soát tại 4 thôn, gồm: Thôn Lưỡng, Miếu Cốc, Phần Xa và thôn Chùa. Đồng thời, đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung, trong đó có hơn 100 học sinh, ra quyết định cách ly tại nhà đối với các trường hợp F2.
Huyện Yên Lạc đã ban hành quyết định thiết lập tạm thời vùng cách ly y tế đối với xã Trung Kiên để xét nghiệm tầm soát, truy vết dịch tễ tiếp xúc với F0 ra khỏi cộng đồng. Đến nay, xã Trung Kiên đã cơ bản bóc tách được các trường hợp F0 trong cộng đồng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, xã đã ghi nhận tổng số hơn 80 ca F0 trong cộng đồng. Trong số này, có 36 trường hợp được phát hiện trong cộng đồng và có kết quả khẳng định PCR ngay trong ngày đầu lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. Các ca còn lại được phát hiện sau khi đã thực hiện cách ly tập trung.
Địa phương cũng truy vết được tổng số gần 700 trường hợp F1 và nhiều trường hợp F2 có liên quan.
Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh trên, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đã yêu cầu người dân tạm thời hạn chế ra khỏi nhà.
Để ngăn chặn, khống chế hiệu quả dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện ngay một số biện pháp tạm thời đối với đám cưới, đám hỏi, đám hiếu và các hoạt động tập trung đông người từ ngày 23/11.
Theo đó, huyện Yên Lạc yêu cầu người dân tạm thời hạn chế ra khỏi nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết, hạn chế tiếp xúc với người khác, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K và giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.
Trường hợp đi ra ngoài, bắt buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách trong tiếp xúc và không được tập trung đông người. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải ngay lập tức liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn khám, chữa bệnh; tuyệt đối không được tự mua thuốc điều trị khi có biểu hiện ho sốt, khó thở.
Đối với đám tang thì tổ chức không quá 30 người tham gia, hạn chế tối đa số người phục vụ, người đến thăm, viếng, tham dự lễ tang, an táng. Những người tham dự lễ tang phải đảm bảo giữ khoảng cách theo quy định tối thiểu 2m, luôn đeo khẩu trang trong suốt quá trình tổ chức lễ tang. Thời gian tổ chức lễ tang không quá 24 giờ kể từ khi tử vong. Mỗi đoàn viếng không quá 3 người.
Đồng thời tạm dừng các hoạt động thể dục thể thao trong nhà, các hoạt động thể thao ngoài trời tập trung trên 10 người. Dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ được phép bán mang về).
Thừa Thiên-Huế, Nghệ An ghi nhận số ca mắc trong một ngày cao nhất từ trước tới nay
Tối 23/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh ghi nhận thêm 159 trường hợp có kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Trong 159 ca mắc mới này, phát hiện tại khu cách ly 21 ca, khu phong tỏa 6 ca, chốt kiểm soát 1 ca, F1 đang cách ly 37 ca, F2 đang cách ly tại nhà 1 ca và tại cộng đồng 93 ca.
Các ca mắc Covid-19 này đều có địa chỉ nơi ở chủ yếu tại TP Huế và một số huyện, thị xã trên địa bàn. Như vậy, đây là ngày Thừa Thiên-Huế ghi nhận số ca mắc trong một ngày cao nhất từ trước tới nay.
Toàn tỉnh hiện có 2555 ca F0, đang điều trị 1085 ca, đã được điều trị khỏi 1465 ca và có 5 ca tử vong. Người thuộc diện F1 đang cách ly tập trung là 589, F1 cách ly tại nhà là 3855 và F2 cách ly tại nhà là 2359.
Cũng trong chiều 23/11, CDC Nghệ An cho biết, trong 12 giờ (từ 6h-18h ngày 23/11), Nghệ An ghi nhận 82 ca mắc mới tại 11 địa phương, trong đó, có 46 ca cộng đồng, 1 ca trong khu vực phong tỏa, 1 ca phụ xe đường dài, 34 ca đã được cách ly từ trước.
Đáng chú ý trong các ca mắc ngoài cộng đồng có tới 36 em học sinh THCS, THPT ở hai địa phương (Tân Kỳ 35 em, Thanh Chương 1 em).
Ông Thái Hải Đăng – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ cho biết, hiện Trung tâm đang tập trung xét nghiệm, làm việc xuyên đêm để phát hiện sớm nhất các F0 trong cộng đồng. Đồng thời, khẩn trương truy vết các trường hợp liên quan.
Như vậy, trong 24 giờ qua, Nghệ An ghi nhận tổng cộng 132 ca mắc mới, có 57 ca cộng đồng.
Tích luỹ từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 3.855 BN mắc Covid-19 ở 21 địa phương. Số BN điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 2.911 BN. Lũy tích số BN tử vong: 26 BN. Số BN hiện đang điều trị: 918 BN.