ĐỜI SỐNG

Cuộc sống nhiều đổi thay của gia đình 3 người lùn ở Hưng Yên

Kỳ Văn

Một ngôi nhà mới khang trang được cất lên trên nền nhà cũ; 3 thành viên cao không quá 1 mét cũng có việc làm đủ để trang trải cuộc sống…

Nhà mới, công việc mới

Đến thôn Nội Lễ (xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) hỏi thăm nhà bà Bình lùn chẳng ai không biết. Người ta biết đến bà chỉ vì bà lùn, không chỉ mình bà Bình lùn mà ngay cả em trai, con trai bà cũng lùn. Bên cạnh đó, gia đình bà còn là một trong những hộ nghèo nhất của thôn, xã.

Gia đình người lùn chị Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thành Công và Nguyễn Văn Lâm (từ trái qua phải). Ảnh chụp năm 2017

Không nghèo sao được khi cả gia đình 3 người chẳng lấy ai cao quá 1 mét, cơ thể khiếm khuyết, sức lực có hạn, làm việc gì cũng khó. Thế nhưng bao năm qua, họ vẫn nương tựa vào nhau, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.

3 thành viên bao gồm: Bà Nguyễn Thị Bình (SN 1963) và con trai Nguyễn Thành Công (SN 2001) cao chưa đầy 0,8 mét. Anh Nguyễn Văn Lâm (SN 1986) – em trai cùng cha khác mẹ của bà Bình cao chừng một mét.

Năm 2017, PV từng ghé thăm ngôi nhà của bà Bình. Ngôi nhà cấp 4, ba gian đã cũ kỹ; tường bong tróc từng mảng; mái ngói xô lệch, hở từng mảng lớn phải che lại bằng bạt. Trời nắng không sao nhưng hễ trời mưa, cả gia đình phải di chuyển hết chỗ này đến chỗ khác, thau, chậu được huy động hết để hứng nước…

Cuối 9/2022, khi tôi quay lại, cũng trên mảnh đất ấy thế nhưng thay vì ngôi nhà cũ kỹ thì nay là một ngôi nhà mới kiên cố, khang trang, mái tôn sừng sững trước mắt. 5 năm, đã có quá nhiều thay đổi trong gia đình bà Bình.

Trên nền nhà cũ, một ngôi nhà mới được chính quyền và mạnh thường quân xây lên cho gia đình chị Bình

Khi tôi đến, chỉ có Nguyễn Thành Công ở nhà. Công chia sẻ, mẹ Công (tức bà Bình) nay đã 60 tuổi hằng ngày đi quanh làng nhặt nhạnh, thu mua đồng nát. Thu nhập không đáng là bao nhưng vẫn có đồng ra đồng vào.

Anh Lâm (tức cậu của Công) trước đây chỉ quanh quẩn ở nhà, ai thuê gì làm nấy. 2 năm gần đây, anh được một người quê Nghệ An đưa vào miền Nam đi bán hàng rong theo một hội người khuyết tật, cứ đi 3 tháng lại về chừng nửa tháng thăm nhà. Công việc ổn định, thu nhập đủ để trang trải cho bản thân.

Về phần mình, Công dù đã 21 tuổi nhưng vẫn trong hình hài một cậu bé. Đã nhiều năm qua, Công không cao thêm nữa. Người khác học hết lớp 9 là 14 tuổi, còn Công khi ấy đã 17-18 tuổi. Biết mình không được như các bạn, gia đình lại khó khăn nên học hết lớp 9 thì Công nghỉ học.

Công may mắn được một người ở thành phố Hưng Yên nhận, dạy cho nghề làm vàng mã. Học nghề xong, hơn 1 năm nay Công về nhà nhận làm thuê lại cho chủ cửa hàng ấy.

“Hàng là làm theo đơn người ta đặt, nguyên vật liệu người ta cũng chở đến, cứ hết lại gọi, còn em chỉ lấy công làm lãi. Mặt hàng em làm chủ yếu là các kiệu, cũng có làm các nhà lầu, xe hơi, hình nhân… nhưng không nhiều.

Công trả theo sản phầm mà làm kiệu có khi mất 1-2 ngày mới xong một chiếc nên thu nhập cũng không cao, cũng có những đợt chơi dài vì không có đơn đặt hàng. Tuy nhiên, với em có cái nghề và có thu nhập đã là quá tốt rồi vì với thân hình này em không biết làm gì hơn”, Công bộc bạch.

Về phần ngôi nhà, Công bảo, ngôi nhà này được xây cách đây hơn 2 năm. Nhà được chính quyền thôn, xã và các mạnh thường quân góp tiền để xây. Từ ngày có nhà mới, em ngủ yên giấc hơn vì không phải lo lắng mỗi khi trời mưa bão.

Cả nhà lùn vì di chứng chất độc màu da cam

Nói thêm về gia đình bà Bình, cả 3 người trong gia đình bà đều bị di chứng của chất độc màu da cam. Bà Bình và anh Lâm lây nhiễm từ người cha do ông từng tham gia chiến tranh, còn Công di truyền từ mẹ (tức bà Bình).

Chàng trai 21 tuổi Nguyễn Thành Công giờ đã có công ăn việc làm để đỡ đần gia đình

Mọi người kể lại, lúc mới sinh họ đều bụ bẫm, phát triển như những đứa trẻ bình thường. Chỉ đến khi lớn lên, đến tuổi trưởng thành thấy các bạn cùng trang lứa ai cũng lớn lên còn 3 người họ cứ mãi vậy, họ mới nhận ra mình không được bình thường. Tuy nhiên, họ chẳng có cách nào chống lại số phận.

Bố mẹ đều mất sớm, lại xuất thân trong gia đình thuần nông nên của hồi môn các cụ để lại cho bà Bình, anh Lâm chỉ có 3 sào ruộng. Thế nhưng với thân hình bé hạt tiêu, mỗi lần xuống ruộng là bùn ngập ngang thân người nên 2 người chẳng thể cấy cày gì được.

Từng có khoảng thời gian do quá đói khát, 2 chị em Bình -Lâm phải dắt tay nhau đi ăn xin, ai cho gì ăn nấy, tối ngủ vỉa hè hoặc ngoài chợ cho qua ngày. Trong lúc túng bí nhất thì bà Bình lại mang bầu Công.

Dù biết khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng bà Bình vẫn muốn sinh Công ra. Bà muốn đánh cược với ông trời để mong có một đứa con lành lặn, khỏe mạnh, mong có chỗ dựa về sau nhưng số phận vẫn trêu đùa bà. Công di truyền từ mẹ nên thân hình cũng còi cọc, thấp bé.

Làm vàng mã - công việc phù hợp với sức vóc của Công để em có thu nhập

Biết được hoàn cảnh gia đình nên Công cũng rất chăm ngoan, chịu khó, là một đứa trẻ vâng lời. Hằng ngày, ngoài làm vàng mã, Công cơm nước, đỡ đần, chăm sóc mẹ những lúc đau ốm.

Ở cái tuổi 21 – quãng thời gian đẹp nhất của đời người thì Công hằng ngày chỉ quanh quẩn ở nhà. Có lẽ chỉ gia đình mới là nơi Công cảm thấy ấm áp và được bao bọc nhất. Em không phải chịu sự nhòm ngó của xã hội ngoài kia.