Không thể sử dụng vốn đầu tư công
Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, trên địa bàn hiện có 74 chợ các loại. Trong đó, Sở Công Thương quản lý 4 chợ hạng 1 (chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa và chợ Đầu mối Hòa Cường); Sở NN&PTNT quản lý 1 chợ hạng 1 (chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang); các quận/huyện, xã/phường quản lý 67 chợ và 2 doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý 2 chợ.
Qua thời gian dài khai thác, nhiều chợ lớn ở Đà Nẵng đang xuống cấp nhưng việc đầu tư nâng cấp, xây dựng mới gặp nhiều vướng mắc.
Qua thời gian dài khai thác, nhiều chợ tại Đà Nẵng đang xuống cấp, một số công trình xây dựng trong chợ không còn phù hợp. Nổi lên trong đó là chợ Cồn, chợ Mới; chợ Hà Thân, chợ Chiều, chợ Mai, chợ Mân Thái (quận Sơn Trà), chợ Quán Hộ (quận Thanh Khê)… phải sửa chữa, cải tạo hàng năm nhưng chỉ mang tính tạm thời, không đồng bộ, chủ yếu khắc phục những hư hỏng nhỏ.
Tuy nhiên, Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết công tác quản lý, đầu tư phát triển chợ hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, vẫn còn sự chồng chéo, bất cập của các quy định liên quan hướng dẫn công tác quản lý và phát triển chợ, dẫn đến việc đầu tư xây mới các chợ đã xuống cấp không thể thực hiện được.
Cụ thể, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Văn Trừ, Nghị định 02/2003/NĐ-CP và Nghị định 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ (là cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác quản lý, phát triển chợ hiện nay) qua gần 20 năm triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế; không còn phù hợp với tình hình thực tế, gây lúng túng cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo Quyết định 26/2020/QĐ-TTg, nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước bố trí cho lĩnh vực thương mại gồm có: chợ dân sinh, chợ đầu mối… Tuy nhiên, Nghị định 114/2009/NĐ-CP phân loại chợ dân sinh là chợ hạng 3 (do xã, phường quản lý). Do vậy các chợ hạng 1, hạng 2 không thuộc nhóm các đối tượng được phân bổ vốn đầu tư công nên việc sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng các chợ này hiện nay chưa thực hiện được.
Đồng thời không thể sử dụng vốn đầu tư công từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập để đầu tư. Do lẽ, hiện nay các chợ trên địa bàn hầu hết do ngân sách nhà nước đầu tư, giá thu dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ đối với tiểu thương do UBND TP Đà Nẵng quy định, trong đó kết cấu giá chưa tính khấu hao tài sản cố định để tích lũy đầu tư.
Với tình hình tài chính hạn hẹp của Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập cũng như của các BQL chợ quận, huyện thì chỉ đáp ứng được yêu cầu sửa chữa quy mô nhỏ, thường xuyên, định kỳ; không bảo đảm cho các hạng mục hoặc công trình sửa chữa quy mô lớn cũng như xây dựng mới công trình chợ.
Kêu gọi đầu tư xã hội hoá cũng gặp vướng
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Trừ, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 quy định hạ tầng thương mại không nằm trong lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP. Vì vậy không thể kêu gọi nhà đầu tư theo hình thức PPP để đầu tư xây dựng chợ.
Cùng với đó, các quy định hiện hành cũng khiến việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng chợ thông qua hình thức đấu thầu dự án sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất trở nên không khả thi. Cụ thể, tại Đà Nẵng, đa số các chợ hạng 1, hạng 2 đều có vị trí đắc địa, ở trung tâm TP, giá trị lô đất cao.
Nếu lựa chọn nhà đầu tư để trực tiếp đầu tư, quản lý, khai thác chợ thì đơn giá dịch vụ khai thác cho thuê mặt bằng, kios, quầy, sạp của chủ đầu tư sẽ rất cao, hơn 5 lần (do chi phí đầu tư xây dựng và tiền sử dụng đất lớn; thời gian điều chỉnh giá thuê nhanh nhằm thu hồi vốn đầu tư…) so với chợ do ngân sách nhà nước đầu.
“Sự chênh lệch quá lớn về giá mặt bằng giữa chợ nhà nước và chợ tư nhân đầu tư sẽ phát sinh nhiều vấn đề an sinh xã hội và đơn thư khiếu nại”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Văn Trừ nói.
Đối với chợ hạng 3 do xã, phường quản lý, ông Nguyễn Văn Trừ cho biết có cơ sở hạ tầng xây dựng từ lâu, qua thời gian dài sử dụng mặc dù được thường xuyên nâng cấp, sửa chữa nhưng nhiều hạng mục như mái tôn, hệ thống điện, hệ thống nước, hệ thống cống thoát nước đã xuống cấp, hư hỏng.
Việc đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp các chợ hạng 3 cần nguồn kinh phí lớn, tuy nhiên vốn đầu tư đối với các dự án này chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước; còn kêu gọi đóng góp từ tiểu thương hoặc từ nhà đầu tư không thể thực hiện được, nhất là một số chợ thuộc khu vực ngoại thành, nông thôn miền núi.