Tại phiên thảo luận dự án Luật Điện ảnh sửa đổi ở Quốc hội, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề phân loại, kiểm duyệt phim và làm thế nào để thu hút các đoàn phim quốc tế đến Việt Nam.
Tiền kiểm cản trở hoạt động phổ biến phim
Về vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng chỉ có thể chọn một trong 2 phương án, tiền kiểm hoặc hậu kiểm.
“Tôi nhất trí với phương án hậu kiểm và cũng nhất trí với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục là song song với quyết định này thì cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim, quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành phổ biến phim, quy định cụ thể các hành vi vi phạm và tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thông tin”, bà Hoa nói.
Về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh tại Điều 10, đại biểu này nhấn mạnh cần cấm những hành vi kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện những chi tiết, cách thức thực hiện hình ảnh, âm thanh, lời thoại trong phim. Tuy nhiên, theo bà Phương Hoa, cần loại trừ những trường hợp các nội dung đó thể hiện không quá phản cảm, nhằm lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai.
Các đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều ý kiến góp ý với Luật Điện ảnh. Ảnh minh họa: Phim Lật mặt: 48h. |
“Không nên ngăn cấm một cách tràn lan để góp phần xây dựng nền điện ảnh hướng tới chân thiện mỹ. Hơn nữa, các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới cũng đang thể hiện theo cách này.
Một vấn đề nữa cần phải lưu ý là hạn chế đến mức thấp nhất hình ảnh nhân vật là những người thành đạt trong xã hội, người hùng, thậm chí là các soái ca trên màn ảnh. Những người này là thần tượng của nhiều thanh thiếu niên, thể hiện cảnh hút thuốc lá hoặc uống rượu trong phim, gây cách hiểu lệch lạc, gián tiếp cổ xúy cho việc hút thuốc lá, uống rượu bia”, đại biểu đến từ Nam Định trình bày.
Đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) đồng ý với phương án các tổ chức, cá nhân phổ biến phim sẽ tự phân loại và chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm và xử lý vi phạm nếu có. Theo đại biểu này, phương án tiền kiểm không phù hợp với xu thế hiện nay, sẽ làm cản trở hoạt động phổ biến phim của các tổ chức, cá nhân phát hành phim.
Đối với những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, đại biểu Khang Thị Mào chia sẻ: “Trên thực tế, một tác phẩm điện ảnh thường phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội. Bên cạnh miêu tả mặt chính diện thì còn những mặt phản diện. Do đó, việc quy định những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh là rất khó. Tôi đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm về việc xúc phạm, bôi nhọ văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số. Hiện nay, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều YouTuber, video đóng hài kịch, sử dụng tên hoặc dùng lời nói, cử chỉ của người dân tộc thiểu số không đúng với thuần phong mỹ tục của các dân tộc thiểu số, gây bức xúc trong xã hội”.
Đóng góp ý kiến vào nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng đồng tình tổ chức, cá nhân phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim và chịu trách nhiệm. Quy định này phù hợp với bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và chuyển đổi số hiện nay.
Tuy nhiên, bà Việt Nga cho rằng quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hàng năm hoặc đột xuất là chưa phù hợp. Phim trên không gian mạng có tốc độ tiếp cận và phổ biến rất nhanh.
Bà Nga nhận định: “Việc kiểm tra, phân loại phim trên không gian mạng phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và thường trực chứ không thể kiểm tra định kỳ hay theo kế hoạch hàng năm. Cho nên, tôi đề xuất xây dựng các kênh tiếp nhận thông tin phản hồi về việc phân loại phim và nội dung phim trên không gian mạng chưa phù hợp với thuần phong, mỹ tục, quy định pháp luật để kịp thời xử lý, hạn chế sự lan truyền, gỡ bỏ những bộ phim có ảnh hưởng xấu đến tâm lý và nhận thức của khán giả”.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) bày tỏ phương án hậu kiểm khả thi và phù hợp hơn, tuy nhiên ban soạn thảo cần rà soát kỹ các quy định để thống nhất với nội dung tại Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An ninh mạng, Luật Khoa học và Công nghệ. Từ đó, định hướng có chính sách quản lý phù hợp với phim dạng số hoặc các ứng dụng mới trong tương lai, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khác thống nhất xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để giám sát, kiểm soát những nội dung xấu, độc hại ngay từ khi được phát tán trên mạng.
Đề xuất bổ sung thêm nhóm T21 khi phân loại phim
Tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) bày tỏ trăn trở về vấn đề phân loại phim, quy định tại Điều 33. Ông đề nghị bổ sung thêm nhóm T21 (phim phổ biến đến người xem từ 21 tuổi trở lên). Theo ông, việc này sẽ tạo điều kiện để các nhà làm phim khai thác ý tưởng rộng hơn, phát triển thị trường phim trong nước và xuất khẩu. Đồng thời số lượng phim nhập khẩu được phép chiếu cũng tăng lên. Đơn vị phổ biến phim vẫn có quyền phân loại lại độ tuổi theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh gợi ý bổ sung phân loại phim theo thể loại như chính kịch, hài, lãng mạn, hành động, kinh dị, khoa học viễn tưởng… Sau đó, văn bản dưới luật sẽ phân loại phim theo độ tuổi.
Ông lấy ví dụ dự thảo hiện có quy định cấm phim nội dung trái tự nhiên, nhưng đối với thể loại phim khoa học viễn tưởng thì khó tránh được yếu tố này.
“Quy định yếu tố kinh dị trong phim kinh dị cũng cần đánh giá khác so với yếu tố kinh dị trong phim hài. Hay yếu tố bạo lực trong phim chính kịch cũng phải khác so với phim hành động. Hay phim về giáo dục giới tính thì yếu tố tình dục trong phim cũng phải đánh giá khác với các thể loại khác”, ông Cảnh nêu ý kiến.
Giải pháp để thu hút nhà làm phim quốc tế đến Việt Nam
Một nội dung khác trong dự thảo Luật Điện ảnh được các đại biểu quan tâm, bàn luận là cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng điều này còn khó khăn. Nhiều đoàn làm phim muốn đến khai thác bối cảnh Việt Nam nhưng rồi lại chọn Thái Lan, Philippines.
“Phim Kong: Skull Island đặt tại Việt Nam cho thấy sức hút và hiệu quả của việc quảng bá du lịch. Nhưng để quay phim ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu thẩm định kịch bản. Phim của họ quay ở nhiều nước, chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Ta yêu cầu viết kịch bản thì rất khó. Chính vì vậy, tôi đề xuất nếu coi điện ảnh là một ngành công nghiệp thì các hoạt động về dịch vụ điện ảnh cần tháo gỡ thủ tục hành chính”, đại biểu đến từ Trà Vinh nói.
Kong: Skull Island sử dụng bối cảnh tại Việt Nam. Ảnh: Kong: Skull Island. |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đồng tình yêu cầu cung cấp kịch bản bằng tiếng Việt là rào cản cho các nhà sản xuất phim quốc tế.
“Khi cung cấp kịch bản có thể ảnh hưởng đến việc giữ bí mật ý tưởng của bộ phim, dẫn đến xảy ra trường hợp xâm phạm quyền tác giả của kịch bản phim. Điều này tạo nên tâm lý e ngại đối với các đoàn làm phim có mong muốn sử dụng dịch vụ làm phim tại Việt Nam. Cho nên, tôi đề nghị có phần quy định phân loại cụ thể, tùy trường hợp mà hồ sơ cấp phép có thể yêu cầu hoặc không yêu cầu kịch bản phim bằng tiếng Việt”, bà Nga trình bày.
Theo quan điểm của đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh), thiên nhiên Việt Nam đẹp hùng vỹ nhưng chúng ta chưa có các chính sách ưu đãi và thủ tục thuận lợi. Chính sách cũng không được quy định một cách rõ ràng, minh bạch để các bên có thể tham khảo trong quá trình đưa ra quyết định.
Bà Vân nói: “Theo tôi, Việt Nam nên tham khảo chính sách ưu đãi của Thái Lan, đất nước láng giềng có điều kiện khí hậu, địa lý và văn hóa gần với Việt Nam. Thái Lan đã rất thành công với chính sách kêu gọi của mình. Năm 2018, lần đầu tiên Thái Lan áp dụng chính sách ưu đãi từ 15 đến 20% hoàn thuế cho các đoàn làm phim nước ngoài thì ngay trong năm đó, họ đã thu hút được 714 đoàn làm phim quốc tế đến quay và mang lại doanh thu là 98 triệu USD”.
Từ đó, bà Trần Thị Vân đề nghị cần bổ sung quan điểm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh vào sự cần thiết sửa đổi luật để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình xây dựng luật.
Đại biểu cho rằng Việt Nam cần có chính sách, tạo thủ tục thuận lợi, hạn chế các thủ tục rườm rà, không rõ ràng (đang là nguyên nhân gây cản trở cho hoạt động điện ảnh).