TIÊU ĐIỂM

Đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%, thành phố chiếm 13% GDP cả nước tình hình kinh tế ra sao?

Tuyết Trang

Tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng nhấn mạnh, với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, giáo dục, là cực tăng trưởng của đất nước trong những năm qua, việc phát triển Hà Nội có vai trò quyết định đến kinh tế đất nước.

Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, quy mô GRDP Hà Nội năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 1.297 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2022, chiếm khoảng 13% quy mô GDP cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 151,1 triệu đồng, tăng 6,5%. Cơ cấu GRDP năm 2023: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,97%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 23,65%; khu vực dịch vụ chiếm 64,06%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,32% (cơ cấu GRDP năm 2022 tương ứng là: 2,08%; 24,03%; 63,22% và 10,67%).

Sang năm 2024, theo Cục Thống kê Hà Nội, kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng, thu ngân sách đạt khá, an sinh xã hội được đảm bảo. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,77%; khu vực dịch vụ tăng 5,84%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,94%.

Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội

Liên quan đến tình hình thu – chi ngân sách Nhà nước, báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội cho hay, Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 5 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 227,3 nghìn tỷ đồng, đạt 55,6% dự toán pháp lệnh năm và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Thu nội địa 215,9 nghìn tỷ đồng, đạt 57% và tăng 12,9%; thu từ dầu thô 1,6 nghìn tỷ đồng, đạt 53,7% và tăng 36,9%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 9,8 nghìn tỷ đồng, đạt 36,3% và tăng 6,1%.

Trong khi đó, chi ngân sách địa phương 5 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 37,2 nghìn tỷ đồng, đạt 25,4% dự toán năm và tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi thường xuyên 21,8 nghìn tỷ đồng, đạt 38,1% và tăng 13,6%; chi đầu tư phát triển 15,4 nghìn tỷ đồng, đạt 19% và tăng 32,3%.

Về thu hút FDI, 5 tháng đầu năm 2024, toàn Thành phố thu hút 1.120 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 92 dự án với số vốn đạt 1,025 tỷ USD; 64 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 36,8 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 86 lượt, đạt 57,9 triệu USD.

Cũng trong khoảng thời gian này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội ước tính đạt 7,16 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 4,19 tỷ USD, tăng 10,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,97 tỷ USD, tăng 3,6%.

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được HĐND Thành phố thông qua đã đặt ra 24 chỉ tiêu quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội trong năm 2024. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) được đặt mục tiêu từ 6,5 - 7%, và GRDP bình quân đầu người đạt khoảng từ 160,8 - 162 triệu đồng.

Hà Nội đặt mục tiêu thu nhập bình quân 45.000 - 46.000 USD/người

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 6 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 6 mục tiêu về môi trường; 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 1 mục tiêu về quốc phòng, an ninh.

Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500-14.000 USD; diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10-12m2/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%...

Cùng với đó, xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: Văn hóa và di sản; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Quy hoạch còn xác định 4 đột phá phát triển, bao gồm: Đột phá về thể chế và quản trị; đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.