DOANH NGHIỆP

Đề nghị vay hơn 30.000 tỷ đồng để “giải cứu” các doanh nghiệp hàng không

Kỳ Văn

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không đưa ra kiến nghị ngành ngân hàng cho các doanh nghiệp hàng không vay hơn 30.000 tỷ đồng để trang trải các khoản nợ phải trả. Trong đó Vietnam Airlines cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi 10.000 - 12.000 tỷ đồng, Vietjet trên 10.000 tỷ đồng, Bamboo 5.000 tỷ đồng, Pacific Airlines 5.700 tỷ đồng, Vietravel 1.000 tỷ đồng.

Tại cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước với các doanh nghiệp hàng không và các ngân hàng thương mại diễn ra vào chiều 28/9, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề cho biết, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến doanh thu ngành hàng không sụt giảm tới 80 - 90% từ cuối tháng 5/2021 đến nay.

Toàn bộ các đường bay thương mại quốc tế và đường bay nội địa đều bị dừng. Mỗi ngày các hãng hàng không phải chi hơn 100 tỷ đồng vì máy bay phải nằm chờ tại các cảng hàng không.

Ông Bùi Doãn Nề cũng cho biết, hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam lên tới 36.000 tỷ đồng, riêng Vietnam Airline là 20.000 tỷ đồng. Do vậy Hiệp hội kiến nghị ngành ngân hàng cho các doanh nghiệp hàng không vay hơn 30.000 tỷ đồng để trang trải các khoản nợ phải trả.

Trong đó Vietnam Airlines cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi 10.000 - 12.000 tỷ đồng, Vietjet vay trên 10.000 tỷ đồng, Bamboo 5.000 tỷ đồng, Pacific Airlines 5.700 tỷ đồng và Vietravel 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề xuất 2 gói vay cụ thể: Áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% như đã áp dụng với Vietnam Airlines cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng với thời hạn tối đa 3 năm.

Đồng thời, cho phép các hãng hàng không thuộc Hiệp hội được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù lãi suất 4%) với thời hạn 3 - 4 năm.

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không kiến nghị vay hơn 30.000 tỷ đồng để “giải cứu” các doanh nghiệp hàng không.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Bắc- Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, hiện nay, dư nợ tín dụng của các hãng hàng không tại các tổ chức tín dụng là khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 1%/năm, số tiền lãi được giảm khoảng 130 tỷ đồng, doanh số cho vay mới từ khi xảy ra dịch COVID-19 tới nay là 41.648 tỷ đồng. Từ đó có thể thấy các tổ chức tín dụng đã có những chính sách hỗ trợ rất lớn đối với các hãng hàng không.

Ông Nguyễn Thanh Tùng- Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, đến nay Vietcombank cấp tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không và hệ sinh thái lên đến 16.000 tỷ đồng.... Cũng theo ông Tùng, mặt bằng lãi suất Vietcombank cho các doanh nghiệp hàng không vay rất thấp, nếu tính các chi phí, trích lập dự phòng thì lãi suất cho vay với doanh nghiệp hàng không mang tính hỗ trợ.

Còn theo ông Trần Long- Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, tổng hạn mức mà BIDV cấp cho Vietnam Airlines và Bamboo là 3.300 tỷ đồng và hiện dư nợ cấp cho hai hãng này là 2.800 tỷ đồng.

Ngoài cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, BIDV cũng giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu với lãi suất rất ưu đãi cho doanh nghiệp. Nếu cộng thêm các chi phí như bảo hiểm tiền gửi, dự trữ bắt buộc… thì giao dịch ký quỹ (margin) là âm.

Về phía các ngân hàng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cũng chia sẻ, ngành ngân hàng đã làm hết khả năng của mình thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho không chỉ các hãng hàng không mà cả các doanh nghiệp và người dân. Ông Hùng hy vọng sẽ có sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành có liên quan để có thể trợ giúp các hãng hàng không nhiều hơn trong tương lai.

Từ những kiến nghị trên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy dư nợ tín dụng hiện nay đối với các hãng bay khoảng 24.000 tỷ đồng. Số này chiếm tỷ lệ nhỏ so với dư nợ 9,8 triệu tỉ đồng của toàn nền kinh tế, và so với khoảng 3,5 - 4 triệu tỷ đồng dư nợ các doạnh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch COVID-19. Phó Thống đốc cũng cho rằng, ngân hàng cũng là 1 ngành kinh tế, ngân hàng cũng là doạnh nghiệp, các ngân hàng hiện cũng rất khó khăn.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục theo dõi diễn biến lãi suất của thị trường và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cân đối, xem xét tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Từ đó, sẽ xem xét, điều chỉnh nới "room" tăng trưởng tín dụng trên cơ sở các Tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn, thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn và tự chịu trách nhiệm về quyết định cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại ưu tiên cho các hãng hàng không vay. Vì đây là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và khả năng dịch được khống chế, hoạt động bay trở lại được thì sẽ hồi phục nhanh. Cùng với việc ưu tiên vốn cho các hãng bay, các ngân hàng nên giảm lãi suất cho vay đối với các hãng hàng không, trong đó chủ động mạnh dạn cho vay tín chấp.

Theo Phó thống đốc, thời gian tới, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp nghiên cứu để đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không và sớm trình lên Chính phủ.