Quảng Ninh là một trong địa phương tiên phong, sáng tạo trong ban hành cơ chế, đề án nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc. Từ đó tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Tại Quảng Ninh hiện có 42 DTTS với trên 162.000 người, sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, song lại là những địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua tỉnh đã triển khai đúng, đủ, kịp thời các chính sách để nâng cao đời sống cho người dân vùng DTTS.
Các tuyến đường ngõ, xóm tại các thôn của xã Bắc Sơn (TP Móng Cái) đều được bê tông hóa, sạch đẹp. Ảnh: Thái Hải
Đơn cử như tại Bắc Sơn (TP Móng Cái), đây là xã biên giới đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Xã có đồng bào DTTS chiếm đa số, chủ yếu là đồng bào Dao, Sán Dìu…, năm 2020 thu nhập bình quân mới đạt 53,8 triệu đồng/người, đến cuối năm 2023 đạt 75,2 triệu đồng/người. Đời sống, diện mạo của vùng biên cương nơi đây thay đổi rõ rệt. Bắc Sơn giờ không còn những con đường gập ghềnh, đường đất lầy lội, thay vào đó là đường bê tông đi vào từng ngõ, xóm.
Xã đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập; phát triển các cây trồng lợi thế như: Cây dược liệu, trà hoa vàng, chùm ngây, tạo vùng nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến trong và ngoài địa bàn; phát triển kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp, kết hợp chăn nuôi, trồng trọt và các dịch vụ khác; phát triển kinh tế lâm nghiệp...
Theo ông Nguyễn Văn Cảnh (thôn Pẹc Nả) phấn khởi nói: "Xã hiện không còn nhà ở tạm, nhà dột nát nữa. So với trước đây, đời sống của người dân được nâng lên rất nhiều".
Gia đình bà Chìu Xi Múi (dân tộc Dao Thanh Y, thôn Phình Hồ), chuyển từ nơi khác đến Bắc Sơn. Thời gian đầu rất khó khăn; những năm gần đây gia đình bà được hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế, nên cuộc sống tốt hơn trước. Bà Múi chia sẻ: "Không chỉ được vay vốn, gia đình tôi còn được cán bộ xã hướng dẫn cải tạo lại vườn tạp, trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao, nhờ đó có thu nhập khấm khá hơn".
Đường tỉnh 342 rút ngắn thời gian di chuyển từ huyện Ba Chẽ tới TP Hạ Long và sang tỉnh Lạng Sơn.
Còn tại Bình Liêu, đây là địa phương có tỷ lệ người DTTS cao nhất tỉnh, chiếm khoảng 96% dân số. Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy về “Phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", lồng ghép các chương trình MTQG đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 70,35 triệu đồng/năm (tăng 62,9% so với năm 2020); tăng trưởng kinh tế trên 13,7%; hạ tầng giao thông đồng bộ, cơ sở giáo dục khang trang. Bình Liêu là huyện DTTS, miền núi, biên giới đầu tiên trong nước đạt chuẩn NTM.
Chị Bùi Thị Hương (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) cho biết: "Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp đường đến tận thôn, bản, rừng sản xuất, bà con đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện. Trường học được đầu tư xây mới khang trang, học sinh đi học yên tâm. Những hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà ở tạm, nhà dột nát. Đời sống văn hóa tinh thần ngày càng được nâng cao, người dân chúng tôi rất phấn khởi".
Theo ông Tô Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) : Xã có hơn 95% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Nghị quyết số 06-NQ/TU như luồng gió mới, tạo động lực để người dân tích cực lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều hộ nghèo đã làm đơn xin thoát nghèo, hơn 340 hộ chủ động vay vốn Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế. Đến nay xã không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân trên 68 triệu đồng/người/năm. Năm 2020 xã đạt chuẩn NTM, năm 2024 đang rà soát xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Khánh thành Hệ thống trạm xử lý nước sạch hồ chứa nước Khe Mười tại thôn Khe Sâu (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ). Ảnh: Bình Minh
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2015-2020, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/5/2013 của Tỉnh ủy về công tác dân tộc, tỉnh đã cụ thể hóa các chương trình, chính sách, đề án, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, nhất là vùng đặc biệt khó khăn thông qua các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh.
Từ các nguồn vốn ngân sách tỉnh, nguồn xã hội hóa gần 1.800 tỷ đồng, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 696 công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và tăng điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần cải thiện rõ rệt diện mạo nông thôn, miền núi, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh. Đến hết năm 2019, Quảng Ninh không còn xã đặc biệt khó khăn, còn 12 thôn đặc biệt khó khăn.
Giai đoạn 2021-2024, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi; đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND "Về phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".
UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng Đề án và các chương trình cụ thể, trong đó giao các địa phương thực hiện 414 dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu do ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư. Đến nay 100% xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, bản được bê tông hóa theo tiêu chí NTM; 64/64 xã có trạm y tế đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% số hộ dân ở các xã, thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, 98% số hộ dân tại xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Đến hết năm 2021 tỉnh không còn thôn đặc biệt khó khăn.
Cùng với quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, các cơ chế, chính sách, nhất là về y tế, giáo dục, văn hóa, nhà ở, điện, nước sinh hoạt, giải quyết việc làm, tín dụng chính sách xã hội... được tỉnh xây dựng, triển khai đảm bảo kịp thời. Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được duy trì và phát huy hiệu quả, góp phần nhanh chóng hiện thực hóa các chính sách dân tộc bằng kết quả, định lượng cụ thể, hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, con người của tỉnh nói chung, đồng bào DTTS nói riêng, cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 73,348 triệu đồng/người/năm, tăng 29,648 triệu đồng so với năm 2020; cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chiến lược đồng bộ, hiện đại; chú trọng khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tạo ra từ các hệ thống giao thông chiến lược, đồng bộ để thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, nội vùng, hình thành các vùng động lực, hành lang phát triển mới.
Lê Quân (t/h)