Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, nằm ở phía Đông Bắc Thủ đô Hà Nội, thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng. Năm 1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Hà Bắc cũ. Lúc đó, tổng sản phẩm kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Ninh đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 3 triệu đồng/năm. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh.
Trải qua 27 năm, nhờ đường lối phát triển đúng đắn, Bắc Ninh đã “lột xác” ngoạn mục. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 63,5 triệu đồng/năm (tăng 21 lần so với 1997); quy mô GRDP cũng tăng vọt ước đạt 220.000 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước. Trong ảnh là ngã 6 thành phố Bắc Ninh.
Tuy có diện tích nhỏ nhất cả nước, dân số chỉ khoảng 1,48 triệu người xếp thứ 22/63 tỉnh thành (số liệu 2022) nhưng Bắc Ninh lại là địa phương nhiều năm liên tiếp đứng thứ 2 cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Điển hình là năm 2023 con số này đạt hơn 40 tỷ USD, chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh. Trong ảnh là Khu công nghiệp VSIP.
Để đạt được thành tích trên, tỉnh Bắc Ninh đã dành nhiều công sức trong việc phát triển công nghiệp. Và sau nhiều năm, Bắc Ninh được coi là “Thủ phủ công nghiệp” với rất nhiều khu, cụm công nghiệp lớn như: Khu công nghiệp Yên Phong, Khu công nghiệp Yên Phong II, Cụm công nghiệp đa nghề Đông Thọ… Trong đó, Khu công nghiệp Yên Phong có nhà máy Samsung với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, chiếm 49% tổng số vốn đầu tư của công ty này tại Việt Nam.
Sự xuất hiện của Samsung cũng đã kéo theo nhiều thay đổi lớn. Về cơ cấu kinh tế, Bắc Ninh năm 1997 là một tỉnh thuần nông, khi nông nghiệp chiếm đến 45%. Tuy nhiên đến năm 2023, khu vực nông nghiệp chỉ chiếm chưa đến 3%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 72%; dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm khoảng 25%.
Không chỉ chuyển dịch cơ cấu kinh tế,
Cuối năm 2023, Quy hoạch tỉnh tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Theo đó, Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế, một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới. Trong ảnh là Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc.
Cũng theo quy hoạch, đến năm 2030, Bắc Ninh sẽ có thêm 2 thành phố là Tiên Du và Yên Phong. Trong ảnh là thị trấn Chờ, huyện Yên Phong.
Đi cùng phát triển kinh tế, tỉnh Bắc Ninh còn lưu giữ nhiều nét của vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời. Đây là địa phương được gọi là vùng đất “trăm nghề” với nhiều làng nghề có lịch sử tồn tại hàng trăm năm như: Làng rèn Đa Hội, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ Đồng Kỵ, đúc nhôm Văn Môn… Trong ảnh là làng mây tre đan xã Xuân Lai, huyện Gia Bình.
Tỉnh Bắc Ninh còn được thiên nhiên ưu ái với vô vàn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp cùng nhiều công trình kiến trúc cổ xưa. Nổi bật nhất phải kể đến là Chùa Phật Tích nằm ở phía Nam của Núi Phật Tích, huyện Tiên Du. Chùa Phật Tích sở hữu tượng Đức Phật bằng đá lớn nhất đời nhà Lý và đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Vào lúc sáng đèn, sự sầm uất của Bắc Ninh càng được thể hiện. Trong ảnh là ngã 6 thành phố Bắc Ninh nơi giao nhau của các tuyến đường lớn, cũng là khu vực tập trung của các cơ quan hành chính, trung tâm thương mại và các thương hiệu, công trình nổi bật bậc nhất của tỉnh Bắc Ninh.
Năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đặt ra nhiều mục tiêu, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế như: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 5-6% so với ước thực hiện năm 2023; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 75 tỷ USD; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 31.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng/người/năm…