DOANH NGHIỆP

Doanh nghiệp: Ai ở đâu ở đó ăn Tết là xu hướng của năm 2022

Kỳ Văn

Theo tổng giám đốc Saigon Co.op, năm nay sẽ không có làn sóng về quê ăn Tết như mọi năm. Tỷ lệ ai ở đâu ở đó để ăn Tết, vui chơi Tết là một xu hướng mới của năm 2022.

Tại tọa đàm chủ đề “TP.HCM bảo đảm nguồn hàng, giá cả ổn định dịp cuối năm” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng có 3 điểm tác động rất lớn đối với việc chuẩn bị của các doanh nghiệp trong mùa Tết năm nay.

"Thứ nhất, Tết năm nay chắc chắn du lịch từ TP.HCM, từ Việt Nam ra các nước rất khó khăn. Do đó, việc tiêu dùng Tết cũng như các hoạt động vui chơi giải trí chỉ ở phạm vi trong nước", ông nói.

Thứ hai, ông Đức đánh giá Tết Nguyên đán năm nay sẽ không tạo được làn sóng di chuyển như là công nhân về quê ăn Tết mà gần như tỷ lệ ai ở đâu ở đó để ăn Tết, vui chơi Tết là một xu hướng mới của năm 2022.

"Thứ ba, chúng tôi nghĩ rằng tình hình Tết năm nay sẽ linh hoạt theo từng địa phương vì tình hình dịch bệnh mỗi nơi mỗi khác. Chính vì vậy, về nhu cầu dự trữ hàng hóa, chuẩn bị Tết, đơn vị đã chuẩn bị để đảm bảo một cái Tết sung túc cho bà con theo phương châm thừa hơn là thiếu", ông cho biết.

Không lo tăng giá hàng hóa vào dịp Tết

Hiện nay, Saigon Co.op đang chuẩn bị trước, trong và sau Tết là khoảng 6.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm, những sản phẩm thiết yếu.

"Bà con không lo hàng hóa bị tăng giá vào dịp Tết, mặc dù cuối năm vừa qua, thị trường cũng có tăng giá nhưng với sự điều chỉnh, chuẩn bị trước về mặt nguồn hàng của siêu thị thì những hàng hóa trong Saigon Co.op không lo tăng giá", vị tổng giám đốc nhấn mạnh.

Doanh nghiệp chủ động dự trữ nguồn cung hàng hóa Tết theo phương châm thừa hơn là thiếu. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ông Phạm Văn Dũng - phó tổng giám đốc Công ty Vissan - cũng cho biết năm nay Công ty Vissan chuẩn bị nguồn hàng thực phẩm tươi sống là 2.800 tấn, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ; mặt hàng thực phẩm chế biến là 4.200 tấn, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ.

"Với sản lượng này, chúng tôi cam kết đủ cung ứng hàng cho người dân TP nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, công ty cũng chuẩn bị thịt heo đông lạnh khoảng 1.000 tấn, đóng gói 2 quy cách là 2 kg và 1 kg, dùng cho trường hợp nếu có biến động về nguồn thịt, chúng tôi sẽ đưa lượng hàng này ra thị trường để đáp ứng lượng hàng thiếu hụt đó", ông nói.

Theo ông, Vissan là một trong những doanh nghiệp bình ổn theo chỉ đạo của Sở Công Thương, chúng tôi cũng cam kết dịp trước, trong và sau Tết sẽ bình ổn giá thị trường, bảo đảm cung ứng nguồn hàng đầy đủ đến tay người tiêu dùng.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết tính đến nay các doanh nghiệp bình ổn, doanh nghiệp chủ lực sản xuất chuẩn bị hàng Tết, ở mức hơn 19.000 tỷ đồng.

Trong đó, riêng nguồn hàng hóa tham gia chương trình bình ổn giá của 80 doanh nghiệp với cam kết không tăng giá trong dịp Tết, lên đến 7.110 tỷ đồng, thậm chí ngược lại còn có chương trình khuyến mãi, giảm giá.

Doanh nghiệp lo ngại vấn đề logistics

Ông Phạm Văn Dũng cho biết trong suốt quá trình dịch bệnh vừa qua, một số chợ, kênh bán hàng đóng cửa, từ đó đã phát sinh nhiều điểm bán hàng tự phát.

"Đến thời điểm này, một số điểm bán tự phát vẫn còn trên địa bàn TP, điều này sẽ ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Đề nghị các ngành chức năng quản lý chặt hơn những điểm bán tự phát này", ông nói.

Bên cạnh đó, hiện nay dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Do đó, vấn đề lưu thông hàng hóa nếu không có sự phối hợp thì sẽ gặp nhiều khó khăn.

"Đề nghị Sở Công Thương TP.HCM sẽ là cầu nối với tất cả Sở Công Thương tại các tỉnh, thành phố để có sự liên kết, bảo đảm vấn đề logistics thuận lợi, không bị khó khăn như trước đây", ông nói.

Lượng hàng hóa chuẩn bị trước, trong và sau Tết trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm, những sản phẩm thiết yếu cho người dân. Ảnh: Phương Lâm.

Về lo ngại mua sắm Tết trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, ông Nguyễn Anh Đức cho biết Saigon Co.op đang chú trọng giải pháp mở cửa sớm hơn, đóng cửa muộn hơn.

"Thông thường 2 tuần cuối cùng của năm, chúng tôi mới tăng giờ mở cửa, nhưng năm nay ngay từ đầu năm vào thời điểm trước Tết 3 tuần đơn vị đã có những giãn cách phù hợp", ông nói.

Theo ông, ngoài việc giãn cách này, trong từng cụm dân cư sẽ có những ưu tiên hàng hóa để đi mua sắm theo đúng khung giờ đó để tránh tiếp xúc. "Thực ra việc phải áp dụng các giải pháp này khiến người tiêu dùng khá chùn chân, nhưng để hạn chế lây nhiễm chắc chắn người dân sẽ chọn giải pháp này", ông chia sẻ.