Các giải pháp đồng bộ
Tại diễn đàn "Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững" diễn ra ngày 19/8 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, những khó khăn trong kinh doanh cùng với tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 đã khiến các DN dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của DN.
Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 nhằm xây dựng DN Việt Nam mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế.
"Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, mỗi doanh nhân, DN cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức, chủ động nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội đổi mới và sáng tạo, có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới, xây dựng uy tín và thương hiệu của DN Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế", ông Phòng nói.
Chia sẻ giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong mở rộng và khai thác thị trường quốc tế, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, đã có nhiều DN tận dụng được lợi ích từ các cam kết mở cửa thị trường FTA mà Việt Nam đã ký kết. Theo số liệu của Bộ Công Thương, hàng năm, đã có hơn 1 triệu bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi được cấp, với trị giá khoảng 61,19 tỉ USD, tăng khoảng 15% về trị giá, tăng 10% về số lượng bộ C/O hàng năm.
Theo ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cần phải có các giải pháp đồng bộ.
Cơ hội và thách thức từ các FTA là song hành và khá rõ ràng. Tuy nhiên, các FTA chỉ có thể mang lại lợi ích thực sự cho nền kinh tế khi cộng đồng DN có thể phát huy tối đa vai trò và năng lực của mình trong quá trình thực thi các hiệp định.
Do vậy, để tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh DN cần phải các giải pháp đồng bộ. Theo đó, cần đón đầu và tận dụng cơ hội về dòng vốn dịch chuyển đầu tư, đặc biệt là dòng vốn đầu tư của các nước ra khỏi Trung Quốc, Hongkong... Chú trọng khai thác thị trường Trung Quốc bởi Trung Quốc. Khai thác cơ hội ở các thị trường Việt Nam đã có FTA đặc biệt là EU, Hoa kỳ... theo các hướng khác nhau.
Ngoài ra, DN cần phải hết sức chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của sản phẩm. Hải quan các nước có FTA và các cơ quan liên quan của Việt Nam rất chú ý việc kiểm tra nghiêm ngặt về xuất xứ hàng hóa.
Thêm vào đó, để tận dụng tối đa ưu đãi của 15 FTA, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng. Cần tìm hiểu rõ chuỗi cung ứng của mình để cố gắng lấp hoặc tham gia lấp đầy các chỗ đứt, gãy của các chuỗi cung ứng này.
Phải phát triển theo chiều sâu
Đề cập tới riêng thị trường Châu Âu, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, hiện châu Âu là thị trường lớn, nhiều tiềm năng. Tham gia chuỗi cung ứng và bán hàng cho DN châu Âu cũng là cơ hội cho DN Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, các DN châu Âu đều mong muốn xuất khẩu sang thị trường Việt Nam nhiều hơn, qua đó tiếp cận với thị trường ASEAN và cả châu Á. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào việc Việt Nam có tận dụng được cơ hội hay không.
Châu Âu có chiến lược phát triển bền vững nhiều năm nay và có một số trụ cột chính gồm bảo vệ môi trường, thúc đẩy quyền con người và quyền của người lao động, trách nhiệm của DN với xã hội. Ba trụ cột này được lồng vào chính sách thương mại của khối, cũng như được thể hiện trong Hiệp định EVFTA khi đưa ra những điều kiện và cam kết. Việt Nam phải đạt được các cam kết liên quan đến phát triển bền vững mới có thể được hưởng những ưu đãi thuế quan.
Bên cạnh đó, các DN Châu Âu đều là những DN đi đầu trong việc tuân thủ yêu cầu trong phát triển bền vững như sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất, tiêu chuẩn cao với người lao động. Hiện nay có khái niệm mới bao trùm hơn là thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Diễn đàn thu hút sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp.
Đặc biệt, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Do đó, các chiến lược, mô hình kinh doanh của các DN Việt Nam trong thời gian tới cần thay đổi và điều chỉnh và gắn với chữ “xanh”.
Cũng đề cập đến thị trường Châu Âu, doanh nhân Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Cổ phần Phúc Sinh chia sẻ, với các nhà sản xuất ở châu lục này, có hai vấn đề rất nổi cộm mà DN Việt Nam cần lưu tâm.
Một là, phát triển bền vững. Thường các DN Việt Nam đã không quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, trồng trọt ở đâu... Các DN Việt Nam dù lớn, nhưng không gắn chặt với các vùng sản xuất, chế biến. Trong khi khách hàng Châu Âu rất quan tâm đến phát triển bền vững và truy xuất nguồn gốc.
"Đây là một trong những yêu cầu cực kỳ bức thiết, muốn phát triển nông nghiệp và bán hàng hóa vào Châu Âu thì phải phát triển bền vững, phát triển các vùng trồng, phát triển theo chuỗi và kiểm soát theo chuỗi. Đây là những thông điệp để các nhà sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hãy quan tâm đến truy xuất nguồn gốc và quan tâm đến người nông dân hơn nữa", ông Phan Minh Thông nhấn mạnh.
Thứ hai, phát triển chiều sâu. Bài toán hiện nay là các công ty phải đầu tư vào trong ngành chế biến. Lý do là nếu không đầu tư chế biến, việc cạnh tranh của DN càng trở nên khó khăn.
Thực tế, với việc đầu tư rất nhiều vào phát triển chiều sâu và phát triển bền vững để đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi cao của thị trường quốc tế, doanh số 6 tháng đầu năm nay của Phúc Sinh đã tăng tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái.