DOANH NGHIỆP

Doanh nghiệp cần thêm kinh nghiệm thích ứng với phòng vệ thương mại

Kỳ Văn

Nhận thức của các doanh nghiệp về PVTM còn hạn chế, đồng thời năng lực để tham gia kháng kiện yếu dẫn đến sự lúng túng nhất định khi phải đối mặt giải quyết tranh chấp.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia, ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 2 FTA khác. Các FTA một mặt mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, tuy nhiên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro như số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) gia tăng, gian lận nguồn gốc xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, lẩn tránh thuế PVTM.

Nhận thức về PVTM còn hạn chế

Trong 10 năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng, sản phẩm thép Việt Nam là một trong những mặt hàng có số lượng các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng điều tra gia tăng mạnh. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong thời gian kể từ 2004 – 10/2021, nước ngoài đã kiện thép xuất khẩu của Việt Nam 66 vụ.

Các DN cần lưu ý đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường.

Ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, trong giai đoạn đầu khi đối mặt với các vụ kiện về PVTM, các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép gặp nhiều khó khăn, thách thức, lúng túng, thiếu chủ động trong việc chuẩn bị tham gia kháng kiện.

“Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do nhận thức của các DN về PVTM còn hạn chế, đồng thời năng lực để tham gia kháng kiện yếu, mức độ hiểu biết về các biện pháp này của nhiều DN trong nước vẫn chưa đầy đủ, dẫn đến sự lúng túng nhất định khi phải đối mặt giải quyết tranh chấp”, ông Thái phân tích.

Mặc dù là ngành hàng có nhiều sản phẩm phải đối phó với những vụ khởi kiện tại nước ngoài, song ông Thái vẫn cho rằng, khi Việt Nam tham gia sâu vào thị trường quốc tế, việc hàng hóa xuất khẩu bị điều tra về các vụ việc PVTM là điều dễ hiểu và hết sức bình thường, nhất là đối với những ngành quan trọng, đóng vai trò xương sống của ngành công nghiệp như ngành thép.

Khẳng định khả năng xử lý các vụ việc PVTM đã cải thiện đáng kể, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thép Đông Nam Á cho biết, trong thời gian qua Hiệp hội và các DN đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Cục PVTM đã xử lý kháng kiện đạt kết quả tích cực với 6 vụ việc đã kháng kiện thành công có hiệu quả. Với các vụ kiện kéo dài trong 1 - 2 năm, DN dù tốn công sức nhưng cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các vụ việc PVTM.

Để nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro đối mặt với các vụ kiện PVTM, ông Đa cho rằng, một trong những giải pháp mà các DN cần lưu ý đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường. Cùng với đó cần phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu và phát triển thương hiệu.

Củng cố cơ sở dữ liệu cảnh báo cho DN

Ở lĩnh vực hóa chất, ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua việc áp dụng thuế PVTM đối với phân bón nhập khẩu MPK và MAP được thực hiện rất bài bản, đúng quy trình. Trong đó đã có đánh giá về tác động của nhiều yếu tố khi ban hành các loại thuế này.

“Cục Hóa chất tham gia trong hoạt động PVTM khá lâu và tham gia đề án cảnh báo sớm, trong đó tập trung vào cuộc điều tra toàn diện về các năng lực của DN sản xuất phân bón trên toàn quốc, từ đó xây dựng dữ liệu liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực sản xuất các hiểu biết của DN đối với các biện pháp PVTM hiện nay. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu cảnh báo cho DN sản xuất, kinh doanh trong nước nắm bắt được những quy định về PVTM để có những biện pháp ứng phó kịp thời”, ông Sinh cho biết.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương).

Theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương), năng lực sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh trong thời gian qua là một trong những lý do chính khiến nhiều nước áp dụng các biện pháp PVTM đối với các mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam. Cục PVTM là đơn vị làm việc trực tiếp khi có các vụ việc xảy ra với nhà sản xuất, hải quan.. để hướng dẫn quy trình chi tiết để xử lý.

“Trong các vụ việc PVTM, Cục hướng dẫn các Hiệp hội, DN từng quy trình cần phải làm gì, cần phải bố trí nguồn lực thế thậm chí cần có sự tham gia các chuyên gia tư vấn. Cục hướng dẫn DN trả lời các vấn đề chi tiết liên quan câu hỏi với cơ quan điều tra một các hiệu quả nhất.Cùng với đó, Cục thường xuyên trao đổi vưới các cơ quan chức năng nước ngoài, đảm bảo thủ tục quy trình điều tra được thực đúng theo pháp luật. Đảm bảo quyền lợi, thời gian cũng như tạo cơ hội để cho các ngành có khả năng chuẩn bị tốt nhất trong các vụ việc PVTM”, ông Dũng cho biết.

Tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành Đề án nâng cao năng PVTM, trong đó đề ra các giải pháp toàn diện triển khai các biện pháp PVTM, cũng như nâng cao nhận thức về PVTM toàn diện và hiệu quả trong khi Việt Nam đang gia nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, để nâng cao năng lực PVTM hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững, ông Dũng cho rằng, các ngành sản xuất, xuất khẩu cần coi công cụ, biện pháp bảo vệ thương mại là yếu tố tất yếu trong môi trường kinh doanh, xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu lớn. Bởi xu thế này còn tiếp tục gia tăng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng.