|
Từ đầu năm, khi các đơn hàng giảm mạnh do kinh tế suy giảm, Đỗ Doãn Hòa, chủ một xưởng cơ khí ở huyện Thường Tín (Hà Nội) lại càng suy nghĩ. Nhiều người thân, bạn bè thường xuyên hỏi anh tại sao lại chọn ngành cơ khí khi công việc vất vả, trong khi lợi nhuận không cao như những ngành khác. Trung bình, lợi nhuận hàng năm chỉ khoảng 10-15%, nhỉnh hơn lãi suất ngân hàng một chút, thấp hơn nhiều những ngành kinh doanh béo bở khác.
Dẫu vậy, với tình yêu nghề, anh Hòa vẫn cố gắng duy trì xưởng cơ khí của mình với hơn chục công nhân. Những kết cấu nhà xưởng, mái che, phụ tùng đơn giản... vẫn được xưởng túc tắc sản xuất phục vụ nhu cầu xã hội.
Doanh nghiệp của anh Hòa là một trong hàng nghìn công ty cơ khí nhỏ, siêu nhỏ trên cả nước đang vướng nhiều cái khó để hoạt động. Để phát triển ngành cơ khí, việc nuôi dưỡng những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ "lớn lên" là điều quan trọng. Và muốn như vậy, rất cần những chính sách gỡ khó, "bà đỡ" của Chính phủ cho ngành.
Vốn đầu tư lớn, lâu thu hồi
Anh Hòa vẫn nhớ khi khởi nghiệp, anh phải chạy đôn đáo khắp nơi để thu xếp đủ vốn mở xưởng. Ngành cơ khí có đặc thù là đòi hỏi vốn ban đầu rất lớn, nhưng việc thu hồi vốn lại rất lâu do chu kỳ sản xuất dài. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất để phát triển công nghiệp cơ khí. Trong khi đó, một số ngành khác thì kinh doanh đơn giản hơn, vốn đầu tư ban đầu ít, thời gian thu hồi vốn nhanh.
Theo Bộ Công Thương, hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí đều ở mức quy mô nhỏ, lẻ theo kiểu hộ gia đình, số lượng lao động ít nên sản phẩm làm ra đơn điệu và thiếu tính cạnh tranh trên thị trường. Đa phần các sản phẩm làm ra là những thiết bị đơn giản như chế tạo đường ống áp lực, gò hàn, cán tôn… chứ không sản xuất được ra phôi hay các chế tạo khuôn mẫu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có khoảng 3.100 doanh nghiệp cơ khí với 53.000 cơ sở sản xuất, tuy nhiên đa số các doanh nghiệp còn ở quy mô vừa và nhỏ, sản xuất còn manh mún và chưa có sự đồng bộ công nghệ.
Trong khi bài toán là nếu muốn sản xuất các thiết bị phức tạp hơn thì đòi hỏi số vốn đầu tư lớn hơn, máy móc hiện đại hơn. Nhiều doanh nghiệp không thể vay vốn trong thời gian dài, lãi suất cao để đầu tư, bởi điều này mang đến những rủi ro nhất định.
Nhiều doanh nghiệp không thể vay vốn trong thời gian dài, lãi suất cao để đầu tư. |
Chính phủ đã có chính sách ưu đãi vay vốn với mức lãi suất tín dụng là 3%, thời hạn 12 năm, 2 năm đầu không phải trả lãi đối với các dự án sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Tuy nhiên, theo thống kê có rất ít dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đồng ý ký hợp đồng tín dụng vay vốn.
Nguyên nhân là cơ chế ưu đãi chỉ áp dụng cho các dự án lớn, quan trọng nên các dự án quy mô nhỏ và vừa khó tiếp cận. Hay đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng được ưu đãi đánh giá thì thủ tục vay còn phức tạp, chưa linh động và lượng vốn còn khá nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp không sản xuất trong nhóm 8 sản phẩm cơ khí trọng điểm lại gần như chưa hề nhận được sự ưu đãi về vốn vay. Trong khi đó ngành cơ khí đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn lâu, lợi nhuận thấp hơn các ngành khác.
Khó giữ chân nhân lực chất lượng cao
Một khó khăn nữa của các doanh nghiệp cơ khí là máy móc và các trang thiết bị phục vụ cho ngành gia công sản phẩm cơ khí trong nước nhìn chung còn khá lạc hậu so với các nước trong cùng khu vực. Điều này khiến cho các cơ sở sản xuất khó lòng sản xuất ra các thành phẩm có giá trị cao, dẫn đến việc chưa hình thành được những nhóm sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Song song đó, việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO và gia nhập vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) khiến ngành cơ khí gặp phải rất nhiều khó khăn và thử thách trong việc cạnh tranh với các nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực ASEAN. Ví dụ như ngành ôtô, khi thuế nhập khẩu của ôtô có xuất xứ từ các nước ASEAN về 0%, việc doanh nghiệp nội địa sẽ khó khăn trong việc cạnh tranh với ôtô nhập khẩu từ các nước khác.
Chính vì vậy, việc cải tiến máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra các mặt hàng có giá trị và sức cạnh tranh cao là điều hết sức cấp bách mà các doanh nghiệp đang quan tâm và triển khai. Muốn cải tiến máy móc thì lại là câu chuyện vốn và thị trường. Việc hỗ trợ khó khăn về vốn và thị trường sẽ là bài toán khó cho các doanh nghiệp cơ khí.
Thaco Industries là một trong những doanh nghiệp cơ khí chú trọng đến việc cải tiến máy móc hiện đại trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Việt Linh. |
Doanh nghiệp cơ khí cũng phải đối mặt với bài toán về nguồn nhân lực. Nhiều doanh nghiệp khó thu hút các kỹ sư trình độ cao, hoặc những công nhân lành nghề gắn bó lâu dài. Các trường cơ khí cũng ngày càng gặp khó khăn trong việc tuyển sinh.
Trong khi đó, nếu toàn ngành, trình độ kỹ thuật ở Việt Nam còn khá yếu kém và hạn chế khi đa phần người lao động đều không được đào tạo bài bản, mà thường là tự học nghề. Do đó, đối với những thiết bị công nghệ đòi hỏi kỹ thuật cao, trình độ chuyên môn và khả năng sản xuất tập trung thì nguồn lao động Việt Nam lại chưa hoàn toàn đáp ứng được.
Đây được xem như một trong những vấn đề khá nghiêm trọng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và kinh tế của các doanh nghiệp cơ khí. Vậy nên việc tập trung đào tạo trình độ kỹ thuật và chuyên môn cho người lao động trong lĩnh vực này cũng là vấn đề cấp bách mà các doanh nghiệp đang ngày càng chú trọng thực hiện.
Khó tham gia các dự án đầu tư công vì cơ chế đấu thầu
Một khó khăn nữa của các doanh nghiệp cơ khí mang tính vĩ mô. Theo Bộ Công Thương, việc đầu tư vào ngành cơ khí trong những năm qua chưa thật sự đồng bộ và thống nhất ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Theo thống kê, hiện chỉ có khoảng 50% nhà sản xuất là chuyên chế tạo và lắp ráp, còn lại hầu hết là cơ sở sửa chữa.
Sự phân tán và chưa đồng bộ trong việc đầu tư vào ngành này khiến cho việc phối hợp liên kết giữa các cơ sở không đủ mạnh để làm đòn bấy thúc đẩy sự phát triển toàn ngành. Ví dụ các nhà sản xuất ôtô và thiết bị công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp có trình độ và chất lượng cao, giá thành rẻ. Ngược lại, khi có càng nhiều nhà cung cấp chất lượng cao thì lại càng thúc đẩy ngành ôtô phát triển. Việc phát triển mang tính bổ trợ cho nhau có vai trò rất quan trọng trong ngành cơ khí.
Việc phát triển mang tính bổ trợ cho nhau có vai trò rất quan trọng trong ngành cơ khí. |
Một trong những khó khăn của doanh nghiệp cơ khí nữa là nhiều quy định của pháp luật chưa rõ ràng, còn gây khó khăn trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh. Ví dụ trong Luật Đấu thầu hiện nay vẫn còn nặng về đấu giá, không tính tới nguồn gốc xuất xứ và chưa ưu tiên đúng mức tỷ lệ nội địa hóa.
Trong khi hầu hết doanh nghiệp cơ khí trong nước hiện đang ở quy mô vừa và nhỏ không thể cạnh tranh về giá cả với các doanh nghiệp ngoại. Việc khó khăn về đấu thầu khiến các doanh nghiệp cơ khí Việt có thể thua ngay trên sân nhà, không thể tham gia các dự án lớn của đất nước.