Các tỉnh, thành phố phía Nam "khát" lao động
Thông tin về thị trường lao động sau dịch, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, hiện tại, các doanh nghiệp có quy mô lao động đông vẫn chưa hoạt động hết công suất và rất thận trọng khi tăng quy mô lao động để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Quy mô lao động để hoạt động sản xuất tại các doanh nghiệp từ 80%-90% tổng số lao động. Người lao động ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… đã quay lại làm việc khi các doanh nghiệp trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Theo ông Lê Minh Tấn, từ nay đến cuối năm, nếu doanh nghiệp nâng công suất hoạt động bình thường như trước thời điểm diễn ra dịch Covid-19, dự kiến sẽ thiếu hụt lao động nhưng không ở mức trầm trọng. Song song với đó, thành phố cũng cho phép mở lại các lĩnh vực dịch vụ thương mại phục vụ cá nhân, góp phần thu hút lao động làm việc trong khu vực phi chính thức quay trở lại hoạt động.
“Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tập trung vào các ngành nghề sử dụng nhiều lao động không yêu cầu tay nghề cao. Do đó, mức lương khởi điểm khi bắt đầu công việc chưa thể bảo đảm cuộc sống cho người lao động và những người phụ thuộc. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa có các chính sách chăm lo tốt cho người lao động để yên tâm làm việc, việc làm của người lao động không ổn định nên sẽ gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động”, ông Tấn lo ngại.
Để giải bài toán thiếu hụt nguồn lao động, ông Lê Minh Tấn cho rằng, với tỉnh, thành phố cần thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc trong các doanh nghiệp cần có thông tin dữ liệu về việc làm như ngành, nghề có nhu cầu lao động, các yêu cầu về chuyên môn, tay nghề, tiền lương thu nhập và các chính sách hỗ trợ người lao động làm việc trong các doanh nghiệp.
Trong khi đó, các tỉnh có lực lượng lao động quay trở về cần nắm bắt thông tin nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, mức độ sẵn sàng quay trở lại làm việc cũng như các yêu cầu đối với công việc. Trên cơ sở thông tin nắm bắt sẽ có sự phối hợp chặt chẽ để đưa người lao động quay trở lại làm việc tại các tỉnh, thành phố có tổ chức, có kiểm soát nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh và kịp thời có các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho người lao động khi đến làm việc.
Còn tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay, tỉnh Bình Dương có 750.000 người lao động trở lại làm việc (đạt tỷ lệ 71% so số lao động cuối tháng 4/2021, trong các khu công nghiệp có 87% lao động đã trở lại làm việc). Dự kiến tới cuối tháng 11, có khoảng hơn 1 triệu người lao động sẽ trở lại làm việc.
Theo ông Tuyên, hiện nay, các doanh nghiệp trở lại sản xuất theo phương án phòng, chống dịch (3 xanh, 3 tại chỗ, 3 tại chỗ chuyển sang 3 xanh) nên vẫn chưa sử dụng hết số lao động theo công suất của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đang tập trung liên hệ và sử dụng nguồn lao động trước đây hiện đang ở Bình Dương và tuyển mới.
Ông Phạm Văn Tuyên dự báo tình hình thị trường lao động tỉnh Bình Dương sẽ không có tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong tháng 12/2021 và quý 1/ 2022, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh từ quý 2/2022 để đáp ứng yêu cầu sản xuất nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, tỉnh này hiện có hơn 38.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện sử dụng khoảng 1,2 triệu lao động, trong đó, tại các khu công nghiệp tập trung khoảng 600.000 lao động.
Trong và sau đợt dịch lần thứ tư vừa qua đã diễn ra một đợt dịch chuyển lao động lớn nhất từ trước tới nay. Số lao động di chuyển từ Đồng Nai về các tỉnh ước khoảng 50.000 - 60.000 người, chủ yếu tập trung về các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên.
Bà Hiền cho biết, báo cáo chưa đầy đủ từ các doanh nghiệp cho thấy, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu sử dụng khoảng 35.000 - 40.000 lao động, các doanh nghiệp hiện khá khó khăn để có thể tuyển dụng đáp ứng nhu cầu trên, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, do tâm lý người lao động hiện còn e ngại quay trở lại làm việc do tình hình dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn.
“Tình trạng khan hiếm lao động,chủ yếu lao động phổ thông số lượng lớn sẽ tiếp diễn trong quý 4/2021 và quý 1/2022 càng làm cho quá trình khôi phục hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn”, bà Hiền nhận định.
Đề xuất cơ chế đặc biệt về làm thêm giờ
Trước tình hình trên, Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện phối hợp hỗ trợ đón người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu đến, trở lại tỉnh Đồng Nai làm việc được hưởng ưu đãi các chính sách như được ưu tiên tiêm vaccine, trường hợp người lao động phải thuê phòng trọ mà chưa nhận hỗ trợ thì sẽ được hỗ trợ 300.000 đồng/người/lần (chưa bao gồm vợ, chồng, con nếu ở cùng phòng trọ).
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, bên cạnh các giải pháp như tăng cường hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm, chủ động rà soát, nắm bắt thông tin về nguồn lao động thất nghiệp địa phương, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, xây dựng phương án hỗ trợ kết nối việc làm giữa lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, bà Hiền cũng kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH báo cáo Chính phủ xin cơ chế đặc biệt cho phép doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận thời gian làm thêm giờ vượt quá quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB-XH cũng cần sớm xây dựng chương trình kết nối thị trường lao động giữa các vùng, các địa phương để các địa phương, doanh nghiệp kết nối nhu cầu thị trường lao động.
Nên tạo điều kiện để người lao động có việc làm ngay tại địa phương
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết, đối với doanh nghiệp dệt may, nhu cầu tuyển dụng lao động luôn luôn có dù có Covid-19 hay không, lao động là yếu tố quan trọng để quyết định kinh doanh thành công của các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da dày.
“Trong giai đoạn dịch Covid-19, có sự dịch chuyển lao động đã trở về các địa phương từ các khu công nghiệp, theo tôi bên cạnh phục hồi thị trường lao động theo hướng mở cửa tuyển dụng trở lại ở các đơn vị thì cần có sự can thiệp của “bàn tay” quản lý nhà nước, để lao động đã trở về tái định vị ở các địa phương, ly nông bất ly hương. Nên chăng thời điểm này ngành lao động ở các địa phương cần thống kê một cách chính xác số lượng lao động tại đã trở về từ các khu công nghiệp và tổ chức hoạt động giới thiệu tuyển dụng trên địa bàn để người lao động không phải thực hiện di cư một lần nữa”, ông Trường đề xuất.
Theo ông Lê Tiến Trường, đây sẽ là yếu tố bền vững lâu dài bởi sau đại dịch nếu sau 6 tháng, người lao động đã về quê không kiếm được việc làm, không có thu nhập khác thì con đường duy nhất là phải trở lại các khu công nghiệp. Trong khi những chính sách liên quan đến nhà ở, ký túc xá là những hệ chính sách lâu dài mới có thể thực hiện, bởi vậy, chắc chắn khi di cư trở lại, người lao động vẫn phải ở các xóm trọ, tiếp tục trong vòng xoáy thuộc nhóm lao động hết sức nhạy cảm, dễ bị tổn thương trong đại dịch.
“Đối với chúng tôi, luôn khẳng định có nhu cầu tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn có sự phối hợp giữa quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn và doanh nghiệp để làm sao tái bố trí lao động tại chỗ tối đa, sau đó chúng ta sẽ có dịch chuyển giữa các khu vực, khu công nghiệp cho hợp lý hơn, chứ không phải là sự phục hồi thị trường lao động một cách tự phát, ai thiếu người thì đăng tuyển, cạnh tranh nhau bằng cách trả thêm tiền lương hoặc hỗ trợ thêm một vài chi phí để quay lại.
Cá nhân tôi cho rằng hỗ trợ chi phí để quay lại có thể với cá nhân người lao động là tốt, nhưng xét trên bình diện quy mô lớn, về lâu dài thì việc này chưa chắc đã tốt. Chúng ta nên tận dụng thời điểm này để tái bố trí lao động sau Covid-19”, ông Trường nêu ý kiến./.