DOANH NGHIỆP

Doanh nghiệp miền Nam và mối lo thiếu lao động

Kỳ Văn

Tại các tỉnh miền Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai..., số lượng lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán giảm đáng kể do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện, nhiều doanh nghiệp khu vực này đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động.

Ảnh: Lý Tuấn

Thiếu hụt lao động

Sau đợt dịch COVID-19 bùng phát, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất tại khu vực phía Nam như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đã thiếu hụt trầm trọng một lượng lớn lao động. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nỗi lo thiếu hụt lao động lại càng khiến nhiều doanh nghiệp chật vật trong việc tuyển người.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM cho biết, trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, tính chung tất cả các lĩnh vực ngành nghề, tỷ lệ người lao động trở lại làm việc đạt trên 90% so với thời điểm trước Tết.

Ghi nhận của phóng viên Nhadautu.vn tại một số công ty thuộc khu công nghiệp (KCN) Tân Thới Hiệp (quận 12, TP.HCM) cho thấy, mặc dù vẫn còn rất nhiều công ty treo bảng thông báo tuyển dụng lao động.

Đơn cử như tại Công ty TNHH SX TM Rạng Đông (RANDO), hiện đang tuyển lao động các vị trí như: Công nhân may (100 người); lao động phổ thông (20 người); nhân viên kiểm hàng (10 người);… với mức lương từ 7-10 triệu đồng/tháng. Lao động sau khi phỏng vấn có thể đi làm ngay, kèm theo đó là nhiều chính sách, quyền lợi hấp dẫn cho người lao động như phụ cấp tiền trọ, ký hợp đồng lao động, được tham gia bảo hiểm xã hội, được đi du lịch…

Sau Tết Nguyên đán, Công ty TNHH SX TM Rạng Đông (RANDO) thuộc khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (quận 12, TP.HCM) hiện đang tuyển lao động tại nhiều vị trí. Ảnh: Lý Tuấn.

Thông tin với Nhadautu.vn , một nhân viên tuyển dụng của RANDO cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán phần lớn các công nhân, nhân viên của công ty đã đi làm trở lại, tuy nhiên, công ty vẫn còn thiếu khoảng 10% người lao động, đây cũng là tình trạng thường xuyên diễn ra hàng năm do lao động về quê chưa vào lại hoặc đang phải cách ly do bị nhiễm COVID-19.

“Năm nay, với lượng hàng hóa tăng, để đẩy mạnh sản xuất, công ty vẫn tiếp tục tuyển thêm nhân viên, người lao động nhằm lấp vào các vị trí đang còn bị thiếu hụt. Ở thời điểm hiện tại, do người lao động vẫn đang còn nghỉ Tết nên số người đến nộp hồ sơ vẫn còn ít”, nhân viên tuyển dụng RANDO chia sẻ.

Tương tự, Công ty TNHH Ubi Vina2 cũng đang cần tuyển gấp 100 công nhân may với mức lương từ 7-12 triệu đồng/tháng, kèm theo đó là nhiều đãi ngộ hấp dẫn. Theo nhân viên tuyển dụng của công ty này, nhằm lấp vào những khoảng trống do một số công nhân về quê ăn Tết với nhiều lý do khác nhau nên chưa thể quay trở lại làm việc, ngay sau Tết công ty đã đẩy mạnh việc tuyển thêm công nhân.

Trong khi đó, tại Bình Dương, mặc dù số lượng lao động tại nhiều công ty trong các KCN đã quay trở lại làm việc đạt trên 80%, nhưng một số công ty vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt công nhân. Ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều nhân viên tuyển dụng đã phải tiếp tục ra đường để tìm kiếm người lao động.

Tình trạng nhân viên phải xuống đường cũng đã diễn ra vào thời điểm trước Tết, ngay khi các tỉnh, thành phía Nam mở cửa hoạt động trở lại sau thời gian dài phải giãn cách do dịch COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp, nhân viên tuyển dụng phải xuống đường treo banner, bảng thông báo để tuyển người.

Do thiếu hụt lao động, nhiều nhân viên tuyển dụng tại Bình Dương đã phải xuống đường để tìm kiếm lao động. Ảnh: Lý Tuấn.

Tuyển dụng tại tuyến đường ở KCN Nam Tân Uyên (thị xã Tân Uyên, Bình Dương), anh Ngôn Luân (36 tuổi, quê Tây Ninh), nhân viên tuyển dụng của Công ty cung ứng lao động Human Power cho biết, so với những năm trước, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, anh phải chật vật xuống đường để tìm kiếm lao động, bởi, nhiều công ty đang có nhu cầu rất lớn về nhân lực, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực sản xuất gỗ, điện tử, may mặc, xây dựng...

“Ngay từ ngày 8/1 (âm lịch), tôi đã phải xuống đường tuyển dụng, do nhiều công ty trên địa bàn vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Mặc dù, các công ty, doanh nghiệp sản xuất không còn áp dụng những điều kiện khắt khe trong việc tuyển dụng và đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ cho người lao động như hỗ trợ tiền trọ, tiền ăn,… tuy nhiên, số lượng lao động tuyển được vẫn rất ít”, anh Luân nói.

Đại diện Công ty TNHH cung ứng lao động Tấn Phát (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) cũng cho biết, công ty đang nhận tuyển dụng lao động cho 3 công ty lớn tại Bình Dương, với tổng số lượng lao động khoảng 10.000 người. Tuy nhiên, từ thời điểm trước Tết đến nay, số lượng lao động mà công ty tuyển dụng được chưa đạt 50%.

“Mặc dù nhu cầu tuyển dụng lao động cao nhưng lượng công nhân về quê trong đợt dịch thứ 4 quá nhiều, tiếp đó là nghỉ Tết Nguyên đán chưa quay lại đã dẫn đến việc thiếu hụt một lượng lớn lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương”, đại diện Công ty Tấn Phát cho hay.

Ngoài ra, đơn vị này cũng thông tin thêm, để thu hút người lao động quay trở lại làm việc, không ít công ty tại các khu công nghiệp ở Bình Dương sẵn sàng cung cấp nhiều ưu đãi đặc biệt mà những năm trước không có, ví dụ như: Thuê sẵn trọ, thưởng tiền ăn tết, ứng trước tiền ăn, 2 tuần trả lương 1 lần, thuê xe đưa đón tận nhà…

“Khi công nhân ở quê gặp khó khăn trong việc thuê xe, các doanh nghiệp sẵn sàng tặng tiền xe cho công nhân để trở lại làm việc. Ngoài ra, lương của các công nhân hiện tại đang được trả cao hơn từ 1 – 2 triệu/tháng. Bây giờ công nhân tới chỉ cần làm việc thôi, không cần phải lo bất kỳ điều gì về ăn ở hay chi phí”, đại diện Công ty Tấn Phát chia sẻ.

Sau Tết Nguyên đán hàng loạt doanh nghiệp tại Bình Dường tiếp tục treo banner, bảng thông báo để tuyển dụng lao động. Ảnh: Lý Tuấn.

Theo số liệu từ Ban Quản lý các KCN Bình Dương, từ ngày 8/2, số doanh nghiệp trở lại hoạt động đạt khoảng 81%, số lao động trở lại làm việc đạt 72%. Trong đó, các doanh nghiệp nằm ngoài KCN đã trở lại hoạt động khoảng 79%, số lao động trở lại làm việc đạt tỷ lệ 70%; doanh nghiệp trong các KCN trở lại hoạt động 82%, số lao động trở lại làm việc đạt tỷ lệ 73%.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp có tỷ lệ lao động trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao (trên 80%) như Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp) 1.820/1.820, đạt 100%; Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng 4.356/4.356 đạt 100%; Công ty TNHH Chí Hùng 6.700/7.200, đạt 93%...

Tín hiệu khả quan cho năm 2022

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI), thị trường lao động thành phố trong năm 2022 sẽ có 2 kịch bản tùy vào diễn biến của dịch.

Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp cần tuyển 280.000 - 310.000 lao động. Trong đó, nhu cầu nhân lực của quý I/2022 là gần 87.000 người, con số này ở quý II trên 72.000; quý III gần 74.000 và quý IV khoảng 77.000. Trong trường hợp dịch vẫn phức tạp, nhu cầu nhân lực của thành phố khoảng 255.000 - 280.000 người. Trong đó, cao nhất là 3 tháng đầu năm với trên 78.000 lao động.

TS. Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc FALMI cho rằng, sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán năm nay, việc thiếu lao động tại các doanh nghiệp trên địa thành phố không nhiều so với các năm trước, bên cạnh việc người lao động tự chủ động quay trở lại làm việc thì phía các doanh nghiệp họ cũng đã có nhiều chiến lược trong việc thu hút cũng như chính sách hỗ trợ để người lao động an tâm quay trở lại làm việc.

Còn đối với người lao động đã trải qua một năm nghỉ dài ngày do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và việc về quê trước đó chỉ là để tránh dịch tạm thời, còn trong bối cảnh sống chung với dịch và mọi hoạt động đã trở lại bình thường như hiện nay thì đa phần người lao động đã quay trở lại và tiếp tục với công việc chuyên môn của mình như trước đây.

“Mặc dù, chúng ta đang trong bối cảnh sống chung với dịch COVID-19 nhưng không được chủ quan và để đảm bảo số lượng, cũng như thu hút lao động quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán, cũng như trong thời gian tới, các doanh nghiệp cũng cần chủ động có những chính sách lương, thưởng, đãi ngộ hợp lý để hỗ trợ người lao động, kết hợp với đó là phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc, sản xuất”, TS. Đỗ Thanh Vân lưu ý.

Dự kiến trong năm 2022, TP.HCM sẽ giải quyết việc làm cho 300.000 lượt người lao động. Ảnh: Lý Tuấn.

Thực tế cho thấy, để chuẩn bị quay trở lại sản xuất sau Tết và giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng duy trì các giải pháp như tăng tiền lương, thưởng, tổ chức chuyến xe đưa đón, thậm chí thuê trọ cho người lao động quay trở lại làm việc…

Điển hình như Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi), mới đây đơn vị này đã tiến hành tìm kiếm và thuê phòng trọ nhằm hỗ trợ người lao động từ quê mới lên làm việc, theo đó, công ty dự kiến sẽ thuê 100 phòng, đủ cho ít nhất 200 người vào ở.

Bệnh cạnh đó, công ty này cũng đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ như tăng lương định kỳ 5% cho tất cả người lao động, đồng thời tăng tiền hỗ trợ nhà trọ từ 100.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng. Ngoài ra, công ty có chính sách nếu người lao động mới gắn bó 3 - 7 tháng đầu thì sẽ được thưởng tối đa khoảng 3 triệu đồng.

Trong khi đó, dự báo về tình hình lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp (dự kiến sau ngày 18/2), Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, cho rằng, sẽ không có biến động lớn về lượng lao động, bởi tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

“Hiện tỉnh đã và đang triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động, việc làm. Cùng với đó, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách lương, thưởng, các chế độ phúc lợi theo quy định, thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống người lao động, tổ chức các hoạt động mừng tân niên, lì xì đầu năm. Ngoài ra, tác phong làm việc ngày càng được nâng lên, đã góp phần đưa người lao động trở lại làm việc đúng theo kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp”, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương thông tin.

Còn theo đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, thành phố sẽ tăng cường các giải pháp hỗ trợ việc làm, đẩy mạnh tần suất tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến hoặc trực tiếp để kết nối cung cầu lao động trong TP.HCM và các tỉnh trong khu vực. Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp để nhanh chóng gia nhập lại thị trường lao động, nhất là người mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Chỉ tiêu mà Sở đặt ra trong năm 2022 là giải quyết việc làm cho 300.000 lượt người lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%... Hiện, TP.HCM đã và đang triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội, đặc thù cho công nhân lao động như: Mua nhà ở xã hội giá rẻ, doanh nghiệp dành quỹ đất xây dựng khu lưu trú cho công nhân...", đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thông tin.

Đáng chú ý, trong năm 2022, Chính phủ dự kiến sẽ triển khai gói 6.600 tỷ đồng nằm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Đây là gói hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ cho người lao động đang làm việc trong các khu chế xuất - KCN, khu vực kinh tế trọng điểm và người lao động quay trở lại thị trường lao động.

Theo đó, công nhân lao động đang ở tại chỗ sẽ được hỗ trợ 3 tháng, còn người trở lại thị trường lao động sẽ được hỗ trợ 3 tháng nhưng với mức cao gấp đôi. Đồng thời, người lao động cũng sẽ được vay vốn để phát triển sản xuất với mức vay có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, ngân sách nhà nước sẽ trích một khoản cho công nhân vay lãi suất thấp mua nhà với giá rẻ. Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ doanh nghiệp vay để xây dựng nhà ở cho công nhân mua hoặc thuê với mức lãi suất rất thấp.

Đối với, doanh nghiệp còn được hỗ trợ vay vốn không lãi suất để trả lương cho người lao động đến hết ngày 31/3 và hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân lao động theo gói hỗ trợ 7.500 tỷ đồng.

Đánh giá về gói hỗ trợ này, TS. Lê Bá Chí Nhân, Chuyên gia kinh tế, bày tỏ sự đồng tình đối với gói hỗ trợ này và cho rằng, đây là một trong những chính sách có thể hỗ trợ trực tiếp cho người dân, cũng như giúp người dân tháo gỡ những khó khăn trước mắt và góp phần kích cầu, khuyến khích cho sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Dù vậy, đánh giá về mặt hiệu quả của gói hỗ trợ, TS. Lê Bá Chí Nhân, cho rằng, mặc dù, khoản kinh phí hỗ trợ khá lớn nhưng nếu phân chia cho từng khu vực, từng người dân trên cả nước thì số tiền mỗi người hưởng được cũng không còn nhiều dẫn đến sẽ không thể đạt được hiệu quả tốt nhất, do đó, Chính phủ vẫn cần cân nhắc, cũng như có những phương án cụ thể trước khi triển khai.