Thông điệp này đã được các diễn giả nhấn mạnh tại Tại Diễn đàn trực tuyến "Hợp tác Doanh nghiệp và Báo chí trong môi trường biến đổi" do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức mới đây.
Cần báo chí chung tay thúc đẩy cải cách thể chế
Tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, 4 đợt dịch COVID-19 trong hơn 1 năm qua đã tác động đến hàng loạt DN, nhiều lĩnh vực như hàng không, du lịch... đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch.
"Phục hồi DN đang trở thành một mệnh lệnh. Cùng với việc tiếp tục hỗ trợ DN bằng tài khoá, tín dụng… luôn là hữu hạn, những nỗ lực khơi thông thị trường, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục… luôn là vô hạn và là động lực lớn nhất cho sự phát triển", Chủ tịch VCCI nói.
Đồng thời với thúc đẩy cải cách thể chế, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, báo chí cũng góp phần định hướng cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. DN soi mình trong tấm gương báo chí để định vị mình tốt hơn trong nỗ lực phát triển có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn.
"Chúng tôi mong báo chí hãy chung tay với chúng tôi trong việc thúc đẩy cải cách thể chế. Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta có thể đột phá trong công việc này. Chúng ta đã đồng lòng trong phòng chống COVID-19 và đây là lúc chúng ta có thể đồng lòng trong những nỗ lực đột phá thể chế. VCCI đã và đang có nhiều đề xuất với Quốc hội và Chính phủ đang triển khai tổng rà xét những chồng chéo, xung đột, bất hợp lý trong hệ thống pháp luật để sửa chữa, bổ sung. Rất mong báo chí sẽ đồng hành với chúng tôi trên hành trình gian nan này”, Chủ tịch VCCI bày tỏ.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng bày tỏ mong muốn, năm nay, báo chí tập trung viết về trách nhiệm xã hội của DN. Theo đánh giá của người đứng đầu VCCI, chưa bao giờ các DN, doanh nhân lại đứng trước khó khăn khắc nghiệt như thời gian qua nhưng nhiều DN hi sinh lợi nhuận, chịu lỗ để duy trì DN và bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Đó là hành động nhân văn, nghĩa cử cao đẹp.
Trên góc độ DN, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh chia sẻ, COVID-19 là cuộc khủng hoảng lớn trên toàn thế giới, theo đó làm chao đảo mọi nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
"Do đó, hơn lúc nào hết sự chia sẻ của báo chí với DN ở thời điểm hiện tại sẽ giúp DN nhanh chóng vượt qua mọi khủng hoảng của COVID-19”, ông Thông bày tỏ.
Ông Thông cho biết thêm, trong mọi trường hợp, DN luôn nhận được sự đồng hành từ các cơ quan truyền thông. Trong những lúc khó khăn, báo chí sẽ đồng hành cùng DN, vượt qua thách thức để tiếp tục giữ vững hoạt động kinh doanh.
Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Invest kiến nghị, "báo chí nên chậm lại để đăng tải thông tin chính xác nhất về DN, đặt mục tiêu hỗ trợ DN trong các bài viết, ngay cả thông tin bất cập về họ thì cũng hãy đăng tải với góc nhìn giúp đỡ, giúp DN hoàn thiện mình hơn".
Kiến nghị này được đưa ra sau khi ông Vinh chia sẻ thông tin báo chí đăng tải khiến nhiều người hiểu chưa đúng.
Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Invest phát biểu từ đầu cầu TP. Hồ Chí Minh.
"Mới đây, có tờ báo đã đăng tin: Thành phố Huế ngăn chặn không cho 26 công dân của mình từ thành phố Hồ Chí Minh về Huế và họ buộc phải về Đồng Hới (Quảng Bình) để cách ly. Tuy nhiên, ngay sau đó, có thông tin là, thực ra do bên đường sắt không bán vé đến Huế, chứ không phải UBND tỉnh Thừa Thiên Huế không chấp nhận các công dân của mình. Và câu chuyện bị đẩy lên mức độ căng thẳng, khiến nhiều người hiểu sai thông tin từ báo chí, có những kết luận vội vàng, cáo buộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã không quan tâm đến công dân của mình".
Ngoài ra, theo ông Vinh, cơ quan báo chí cũng phải cố gắng hỗ trợ để tất cả các vấn đề của DN đều được nhìn nhận dưới các góc độ đa chiều, giữ vị thế độc lập với thông tin đó.
Ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam chia sẻ, thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 đúng mùa cao điểm của hàng không nên ngành chịu thiệt hại rất nặng nề. Đại dịch đã khiến 80-90% máy bay của các hãng nằm tại sân bay, bên cạnh đó còn tốn thêm hơn 100 tỷ/ngày để duy trì các máy bay sẵn sàng tại phi trường.
Khó khăn hiện nay của các DN hàng không không chỉ là khó khăn hiện tại, mà còn là thách thức khi phục hồi và làm thế nào để phục hồi nhanh nhất.
Theo đó, ông Bùi Doãn Nề đề nghị, Nhà nước trước mắt phải khôi phục thị trường, sớm triển khai tiêm vaccine và công nhận hộ chiếu vaccine trong thời gian sớm nhất để tránh “chậm chân” so với các thị trường khác. Ông cũng đề xuất các ngân hàng cho vay gói đề xuất 25.000 tỷ đồng. Cùng với đó, kiến nghị đề xuất kéo dài tới tháng 6/2022 đối với các khoản phí và lệ phí được hỗ trợ từ năm 2020 nhưng do dịch bệnh không lường trước.
Đánh giá vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông, ông Nề cho rằng, hình ảnh và tăng trưởng của hàng không tới đây luôn cần báo chí chia sẻ để có sự tin tưởng và ủng hộ của người dân, qua đó giúp ngành hồi phục nhanh chóng.
DN và báo chí cần hợp tác theo chiều sâu
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, báo chí cần đặc biệt quan tân tới những diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 và việc Việt Nam tham dự vào hàng loạt các FTA thế hệ mới. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi, báo chí phải cung cấp đầy đủ thông tin cho DN. Đó không chỉ là thông tin một chiều mà còn là thông tin mang tính chất phản biện.
Theo ông Lợi, hơn lúc nào hết, giờ là lúc báo chí cần cùng cấp nhiều hơn nữa thông tin về thị trường và đầu tư để DN có thể nhanh chóng tận dụng được các cơ hội, từ đó sớm vượt qua khủng hoảng của COVID-19. Bên cạnh biểu dương các tấm gương tốt, các cách làm hay của DN, báo chí cũng cần phản ánh những sai phạm, những thiếu sót để từ đó có những sửa chữa, khắc phục kịp thời.
Ông Phan Xuân Thuỷ - Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, sự phối hợp giữa các DN và báo chí cần theo chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, ông Thủy đã đưa ra 3 đề nghị với các cơ quan báo chí.
Một là, các cơ quan báo chí trên cơ sở tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về những vấn đề liên quan đến sự phát triển kinh tế xã hội, về hoạt động của DN, của nhà sản xuất kinh doanh, nhìn nhận đánh giá, kiến giải và đưa ra những đề xuất sâu sắc các vấn đề DN đang quan tâm, để thúc đẩy DN phát triển.
Hai là, đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm đào tạo, động viên, khuyến khích các cán bộ phóng viên, biên tập viên luôn trau dồi cập nhật kiến thức chuyên sâu về kinh tế để theo dõi nắm bắt phát triển những vấn đề mới kịp thời đề suất với Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương có cơ chế chính sách điều kiện thuận lợi phù hợp tháo gỡ cho DN phát triển.
Ba là, đề nghị VCCI quan tâm, tạo điều kiện để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên có nhiều thông tin chính xác, đầy đủ để phản ánh kịp thời những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả các nhân tố điển hình ở các DN để phổ biến nhân rộng.
Tại diễn đàn, các diễn giả đều bày tỏ mong muốn báo chí sát cánh hơn nữa cùng cộng đồng DN để vượt qua đại dịch COVID-19, hy vọng báo chí sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với cộng đồng DN trong giai đoạn tái khởi động phục hồi nền kinh tế.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Ban Tổ chức đã phát động cuộc Bình chọn tác phẩm báo chí viết về Doanh nhân-Doanh nghiệp và môi trường kinh doanh lần thứ IX.
Theo đó, các tác phẩm dự thi được đăng từ ngày 13/10/2020 đến ngày 15/9/2021 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bài viết phải phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, có tính phát hiện; phản ánh trung thực đời sống của doanh nghiệp, doanh nhân; thông tin chính xác và kịp thời và chân thực về cuộc sống, cách thức kinh doanh, kinh nghiệm của doanh nhân, doanh nghiệp. Khuyến khích các tác phẩm báo chí về các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, những doanh nghiệp doanh nhân vượt khó thành công, những kinh nghiệm thất bại không nản….
|